TTO - Chưa rõ đại hội cổ đông ngày 24-5 của Eximbank diễn ra thế nào, nhưng sau này Eximbank sẽ phải tổ chức tiếp một ĐHCĐ bất thường bầu nhân sự.
Giao dịch tại Eximbank - Ảnh minh họa: Thanh Đạm |
Các cổ đông của Ngân hàng (NH) Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lại nhận được thư mời dự đại hội cổ đông (ĐHCĐ) vào ngày 24-5. Nói “lại mời” là vì gần một tháng trước, ĐHCĐ của NH này đã bất thành vì không đủ cổ đông đăng ký dự theo quy định.
Cổ đông đến khá đông đủ, nhưng do nội dung đưa ra bàn thảo tại đại hội không thể hiện nguyện vọng của các nhóm cổ đông lớn khác nên những người này không ngồi vào họp.
Chưa rõ ĐHCĐ ngày 24-5 diễn ra thế nào, nhưng sau này Eximbank sẽ phải tổ chức tiếp một ĐHCĐ bất thường bầu nhân sự. Mỗi lần ĐHCĐ đều tốn kém, nhưng cứ bận bịu tổ chức ĐHCĐ thì Eximbank chẳng thể làm ăn, cũng không thể xác lập được phương hướng kinh doanh trong thời gian tới.
Trước đó năm 2015, Eximbank cũng hai lần tổ chức ĐHCĐ, trong đó lần tháng 12-2015 là bất thường để giải quyết việc của ĐHCĐ trước đó chưa làm được là bầu ra hội đồng quản trị (HĐQT). Nhưng lần bất thường bầu HĐQT này lại có lùm xùm, để lại hậu quả không tốt cho NH này kéo dài đến nay. Đại hội bất thường đã gạt ra ngoài những nhóm cổ đông có vốn lớn. Trong khi với doanh nghiệp cổ phần, chỉ một nhóm cổ đông nắm HĐQT không thể quyết định được chuyện trước mắt, chứ nói gì đến dài hạn như tái cơ cấu và định hướng phát triển lâu dài cho NH.
Như vậy, khó khăn của Eximbank không phải do nội lực hay hoạt động yếu kém, mà do nhân sự quản trị không ổn định. Cần nhắc lại từ nhiều tháng trước, NH Nhà nước cũng có tham gia ổn định nhân sự cho NH này. Tiếc rằng mất nhiều công sức và thời gian nhưng mọi việc đến nay vẫn ở vạch xuất phát. Dù có HĐQT mới nhưng Eximbank cũng không thể thông qua những định hướng lớn của NH vì không bao gồm các đại diện của những nhóm cổ đông lớn.
Nguyên nhân khiến Eximbank ì ạch đã quá rõ. Nhưng lúc này lại diễn ra tranh cãi HĐQT nên 9 hay 11 người. Những người đang nắm HĐQT hiện nay chỉ muốn 9, tức không thêm người. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là cách để HĐQT hiện nay ngăn những nhóm người nắm vốn lớn khác tham gia HĐQT, vì thêm người sẽ pha loãng quyền lực mà những người này đã nắm được. Nhưng nếu cứ khư khư như thế thì những khó khăn, nút thắt, sự ì ạch hiện tại của Eximbank không biết bao giờ mới được giải quyết. Kéo dài tình trạng này là đi ngược lại nguyện vọng của các cổ đông bởi họ mong sớm có HĐQT đủ đại diện của các nhóm góp vốn để đưa NH này nhanh chóng trở lại hoạt động ổn định.
Rất nhiều cổ đông, chuyên gia nói rằng quan trọng nhất hiện nay không phải là HĐQT có bao nhiêu người, mà là có đủ đại diện của những nhóm nắm nhiều cổ phiếu mà pháp luật cho phép họ có quyền tham gia công tác quản trị. Và quyền quyết định ai là người vào HĐQT để lèo lái Eximbank đi lên không thuộc về HĐQT hiện nay hay nhóm cổ đông nào, mà thuộc về mọi cổ đông đã góp vốn vào NH.
Cơ hội đang đi qua với Eximbank. Cổ đông của NH này đang chịu thiệt hại khi bỏ vốn nhưng không được chia cổ tức. Xã hội thì sốt ruột khi một NH tên tuổi lại có dấu hiệu đuối sức. Thời gian rất quan trọng. Nhìn lại, nhiều NH trước đây khó khăn, NH Nhà nước phải mua lại giá 0 đồng, nay dần trụ lại. Một số NH khác tự chấn chỉnh cũng lấy lại phong độ. Nhưng những dấu hiệu tích cực này chưa le lói ở Eximbank, dù NH này về nội lực thuộc loại “tràn trề”.
Chuyện diễn ra ở Eximbank là bất thường, khác hẳn những gì mà NH Nhà nước đã làm khi tái cơ cấu hệ thống NH, đó là thiếu sự quyết liệt, dứt khoát. Không thể chấp nhận kéo dài tình trạng này, bởi những gì đang diễn ra ở Eximbank không còn là việc riêng của NH hay nhóm cổ đông nào mà liên quan đến nền kinh tế, bởi tái cơ cấu NH và tái cơ cấu nền kinh tế là hai việc phải làm quyết liệt để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.