Kinh tế

Đừng xem doanh nghiệp 
như tội phạm

TTO - Doanh nghiệp (DN) có phải tội phạm đâu mà tối ngày cứ vào kiểm tra, hết cơ quan này đến cơ quan khác vào kiểm tra, thời gian đâu mà DN làm ăn?

Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để không tái diễn như vụ quán cà phê Xin Chào của ông Nguyễn Văn Tấn (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: Q.Định
Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để không tái diễn như vụ quán cà phê Xin Chào của ông Nguyễn Văn Tấn (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: Q.Định

Doanh nghiệp (DN) có phải tội phạm đâu mà tối ngày cứ vào kiểm tra, hết cơ quan này đến cơ quan khác vào kiểm tra, thời gian đâu mà DN làm ăn? Ông Lê Mạnh Hà - phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - nói như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về bệnh “nghiện kiểm tra” của công chức.

Ông Hà cho biết:

- Kiểm tra là một trong hai hình thức nhũng nhiễu phổ biến nhất thời gian qua, bởi nhũng nhiễu mới ra tiền. Khi bị nhũng nhiễu, DN thường phải “biết điều” để được yên ổn làm ăn. Đó là chuyện rất bình thường, ai cũng biết.

* Như ông nói, kiểm tra là một hình thức nhũng nhiễu để “làm tiền”, ai cũng biết nhưng vì sao nó vẫn diễn ra phổ biến?

- Nguyên nhân là chúng ta thiếu cơ chế giám sát và chế tài đối với hoạt động kiểm tra. Thanh tra thì đã rõ và trong khi luật quy định mỗi năm chỉ được thanh tra DN một lần, đã có cơ quan này thanh tra DN rồi, cơ quan khác không được quyền vào thanh tra DN, nếu vi phạm sẽ bị kiện. Ngược lại, hoạt động kiểm tra khác hoạt động thanh tra, chẳng có luật nào quy định mỗi năm bao nhiêu lần, vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào.

Do đó mới có chuyện ai cũng có quyền kiểm tra, hết ngành này đến ngành khác vào kiểm tra DN, từ cơ quan thuế đến công an, hết phòng cháy chữa cháy đến cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, thậm chí cả phường... cũng vào kiểm tra DN.

Suốt ngày cứ đi kiểm tra hoặc ghé vào thăm, DN nào mà chịu nổi. Có thể nói hoạt động kiểm tra là một cách hành DN kinh khủng nhất, nhưng DN buộc phải sống chung với nó để yên ổn làm ăn, vì không có ai kiểm soát, chưa có 
biện pháp chế tài.

* Phải chăng hoạt động kiểm tra do xuất phát từ chuyện có quá nhiều giấy phép con?

- Nguyên nhân chính là có rất nhiều giấy phép con. Theo tôi, các loại giấy phép con là những hũ gạo, mà các cán bộ là những con chuột sa vào hũ gạo đó, chắc chắn phải ăn rồi. Ở đây có môi trường thuận lợi để công chức nhũng nhiễu.

Giấy phép là phải xin mới cho. Có giấy phép rồi vẫn chưa yên, còn phải xin để yên ổn mà làm ăn. Hễ còn xin, còn cho là còn có nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng. Do đó, phải giảm cơ chế xin - cho.

Tuy nhiên, đây là nói về lý thuyết chứ giảm xin - cho như thế nào lại là một câu chuyện khác, không dễ một chút nào cả. Có ý kiến cho rằng giảm các thông tư hướng dẫn là một giải pháp.

Theo tôi, nếu giảm thông tư mà đưa những điều kiện đó vào nghị định lại càng trói DN chặt hơn, khó khăn hơn. Do đó, chỉ có cách là giảm bớt những giấy phép con, giảm các điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ảnh: Việt Dũng
Ảnh: Việt Dũng
“Cái gì pháp luật không cấm hoặc không rõ ràng, DN được quyền làm. Cứ đặt niềm tin vào nhân dân, vào DN. Xã hội chỉ phát triển trên cơ sở lòng tin. Thiếu lòng tin sẽ không phát triển được
 Ông LÊ MẠNH HÀ

* Ngoài hoạt động kiểm tra, theo ông, hình thức nhũng nhiễu nào cũng đang phổ biến?

- Một hình thức nhũng nhiễu cũng phổ biến không kém hoạt động kiểm tra nhưng được gọi với cái tên rất “mỹ miều” là xã hội hóa, thật ra là huy động đóng góp từ DN. Trong đó, đối tượng được tập trung huy động đóng góp là các DN thân hữu và thứ hai là những DN thường xuyên bị kiểm tra.

Khi được huy động dưới tên gọi rất văn hóa là “xã hội hóa”, những DN thường xuyên bị kiểm tra chắc chắn sẽ phải đóng góp để đổi lại sự bình yên, bớt bị kiểm tra. Nếu anh kêu gọi đóng góp mà không đóng góp, DN có sống nổi không?

Còn nếu thật sự muốn đóng góp cho xã hội, các DN sẽ đem tiền đó giúp người dân vùng lũ lụt hay gần đây là người dân chịu ảnh hưởng bởi cá chết, chứ chẳng DN nào muốn tự nguyện đóng góp cho cái gọi là xã hội hóa cả.

Trong khi đó, DN thân hữu cũng đóng góp để đổi lại bằng cái gì đó tương xứng, thậm chí giá trị hơn. Do đó, thân thiện cũng tốt nhưng theo tôi, không cần thân thiện. Mặt lạnh cũng được nhưng anh phải giải quyết công việc cho người ta một cách tốt nhất, nhanh nhất. Chứ đừng có gần gũi để người ta trả lại mình cái gì đó.

* Trở lại chuyện kiểm tra, cơ quan quản lý cũng có lý do để lo ngại rằng nếu không kiểm tra, DN có thể “làm bậy”, họ sẽ là người chịu trách nhiệm?

- Đấy chỉ là sự ngụy biện, một cách nói để biện minh cho hoạt động kiểm tra, vì có bao nhiêu vụ kiểm tra phát hiện ra sai phạm hay kiểm tra chỉ để nhũng nhiễu, vòi tiền DN? Trong khi chúng ta luôn nói Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tại sao chúng ta không tin dân, không tin DN. Theo tôi, số DN cố ý làm trái rất ít và cơ quan quản lý không thể vì một số ít đó mà đẻ ra các cơ chế, điều kiện để trói toàn bộ DN.

Đừng nghi ngờ tất cả DN đều cố ý làm trái, là tội phạm. Hơn nữa, cơ quan quản lý phải xác định nhóm DN có nguy cơ cao để giám sát chặt bằng nhiều biện pháp, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm.

Tôi lấy ví dụ, luật cấm người dân mang theo súng, nhưng công an có kiểm tra tất cả người dân để xem họ có mang súng theo không? Chắc chắn là không, vì những đối tượng có nguy cơ cao đều được khoanh vùng. Với DN cũng vậy, không thể vì một vài DN làm sai mà siết tất cả các DN.

Tóm lại, theo tôi, phải tin vào nhân dân. Chỉ một số làm sai, còn lại là làm đúng thì mình xử lý những người không đúng đó chứ không trói tất cả mọi người lại. Anh càng trói lại, người ta lại muốn thoát ra và người ta phải hối lộ để thoát ra.

Cứ tin tưởng vào DN chứ đừng lo nếu không phát hiện anh sẽ bị lỗi, vì thực tế không phải như vậy. Ngay cả khi kiểm tra nhiều mà không phát hiện vi phạm, đến khi DN vi phạm, có cơ quan kiểm tra nào chịu trách nhiệm đâu.

* Như ông nói, chúng ta chưa có điều luật nào quy định chỉ được kiểm tra DN bao nhiêu lần trong một năm, vậy theo ông, giải pháp nào để hạn chế hoạt động kiểm tra?

- TP.HCM mong muốn trung ương “cởi trói” để phát triển, theo tôi, trong khi chờ các cơ chế từ Chính phủ, bản thân TP.HCM phải đi tiên phong trong việc “cởi trói” cho DN. Việc cần làm ngay là giảm đến mức tối thiểu việc kiểm tra DN.

Thành ủy, UBND TP hãy chỉ đạo chỉ được kiểm tra liên ngành đối với DN một lần trong năm, thậm chí không phải năm nào cũng kiểm tra, không phải DN nào cũng kiểm tra. Hãy để cho DN tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. TP.HCM phải cởi trói cho DN trước.

Nếu làm được điều này, tôi tin rằng các DN sẽ làm ăn tốt hơn và đóng góp cho ngân sách nhiều hơn, vì DN giảm được các chi phí không tên và có nhiều thời gian tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì tối ngày cứ tiếp các đoàn kiểm tra.

Dù luật không quy định nhưng nếu muốn làm, các cấp ủy hoàn toàn có thể làm được. Ví dụ, bí thư Thành ủy có thể ra yêu cầu các cơ quan chỉ được tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đối với DN nhiều nhất là một lần trong năm. Nếu muốn kiểm tra lần hai, phải báo cáo và xin phép bí thư, chủ tịch quận, huyện và thậm chí là bí thư và chủ tịch TP.

Không DN nào dám lên tiếng

Trong quá trình kinh doanh, với pháp luật VN, với những khó khăn bây giờ, với sự đóng góp của người ta như thế, DN phải tìm cách giảm chi phí tối đa, trong đó có chuyện đóng thuế không đủ, thậm chí “cưa đôi” như Thủ tướng nói.

Do đó, chẳng ai dám lên tiếng. Chỉ DN nào bị dồn vào chân tường, một là phá sản và hai là đi kiện, thôi thì họ liều mình chọn đi kiện để tránh nguy cơ phá sản.

Tôi lấy ví dụ, có một DN bị nợ tiền hoàn thuế hàng tỉ đồng. Sau khi khiếu nại, cơ quan tài chính quay sang kiểm tra DN đó rồi bảo DN này có vấn đề, không chỉ trốn thuế VAT mà còn nhiều loại thuế khác.

Nói thật là đã kinh doanh, ông nào cũng có vấn đề về thuế. Cho nên, nếu anh khiếu nại thì anh cũng “chết”. Do đó, công cụ hiệu quả nhất là phải công khai minh bạch chứ chờ DN lên tiếng, không mấy ai dám làm.

* Nhiều DN cho rằng chúng ta không thiếu chính sách tốt, nhưng như mọi người vẫn nói là “trên rải thảm, dưới rải đinh”, nên đã không phát huy được hiệu quả?

- Anh có nói trời nói đất gì cũng vậy, nếu không có giám sát, không có chế tài thì chính sách có tốt đến đâu cũng không đi vào thực tiễn.

Do đó, điều quan trọng nhất là phải có giám sát. Mà muốn giám sát được, cách tốt nhất là phải công khai, minh bạch hết thông qua mạng. Không chỉ công khai quy trình thủ tục mà cả các khiếu nại, quá trình xử lý từng vụ việc... Đặc biệt, phải công khai trên nhiều kênh khác nhau để mọi người dân đều nắm rõ.

Chỉ khi đó, công chức hạn chế gặp gỡ DN, mọi sự điều chỉnh đều chủ yếu thực hiện qua mạng.

Tôi lấy ví dụ như chuyện hoàn thuế bị DN kêu nhiều. Nếu mọi quy trình được công khai, từ thời gian nộp hồ sơ hoàn thuế đến yêu cầu bổ sung thủ tục, kiểm tra và xử lý hồ sơ, bao nhiêu lâu mới được hoàn thuế... đều công khai, chắc chắn chẳng có cơ quan thuế hay cán bộ thuế nào dám ngâm hồ sơ hoàn thuế của DN.

HẢI ĐĂNG thực hiện
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        235,782       202