Kinh tế

Xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ

TTO - VN đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Theo nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành ngày 16-5, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được triển khai trong thời gian tới.  Trong ảnh: công nhân sản xuất tại Công ty cổ phần kỹ nghệ lạnh Hoa Sáng, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Theo nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành ngày 16-5, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được triển khai trong thời gian tới. Trong ảnh: công nhân sản xuất tại Công ty cổ phần kỹ nghệ lạnh Hoa Sáng, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Theo nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa được Chính phủ ban hành ngày 16-5, VN đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Khu vực tư nhân VN đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp khoảng 30 - 35% GDP...

Không phân biệt 
loại hình doanh nghiệp

Để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), theo nghị quyết, cần bảo đảm các nguyên tắc: Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN theo quy định của pháp luật. DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Đặc biệt, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến DN. Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.

Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh. Có chính sách đặc thù để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp... Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý.

Tạo điều kiện cho DN giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng, mở một chuyên mục về hỗ trợ phát triển DN trên trang thông tin điện tử. Công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh (nếu có), kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của DN trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình.

Chủ tịch UBND các địa phương tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng DN, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn; thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của địa phương để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho DN.

Hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho DN theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho DN, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ.

Thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.

Giảm thuế cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp cho DN gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa.

Nghiên cứu, đề xuất bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều), giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực.

Đặc biệt, rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện...

Bộ Công thương chủ trì triển khai và thực hiện nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định hiện hành về chính sách cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN theo đúng các cam kết quốc tế; xây dựng đề án tổ chức lại thị trường trong nước và thị trường biên mậu, đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trình Chính phủ trong quý 3-2016.

Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định hiện hành về đất đai theo hướng cho phép các DN hạ tầng khu công nghiệp và DN thứ cấp được phép thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng và huy động vốn dài hạn, trình Chính phủ trong quý 3-2016.

Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ DN tiếp cận đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của DN nhỏ và vừa, rà soát sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa và giảm bớt các thủ tục về đất đai..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2016.

Ngân hàng Nhà nước VN chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể, rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý.

Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự

Theo nghị quyết, Bộ Công an rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về an ninh, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho DN hoạt động theo những quyền kinh doanh đã được pháp luật quy định; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

Tạo môi trường lành mạnh, an toàn để DN kinh doanh theo đúng pháp luật. UBND các tỉnh thành chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các cấp không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

Giảm chi phí
 kinh doanh cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của DN; rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp DN giảm chi phí, đặc biệt là DN kinh doanh dịch vụ vận tải.

CHINHPHU.VN
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        228,262       537