Kinh tế

Vụ “Nguy cơ phá sản”: Nên khởi kiện đòi bồi thường

TTO - Liên quan vụ nguy cơ phá sản do quy định mập mờ, đến nay cơ quan quản lý thị trường - đơn vị xử lý vụ Công ty Vietfoods - vẫn im lặng một cách khó hiểu.

Đến thời điểm này, cơ sở Vietfoods vẫn chưa tái sản xuất mặc dù đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định với báo Tuổi Trẻ là doanh nghiệp không sai - Ảnh: Minh Tú
Đến thời điểm này, cơ sở Vietfoods vẫn chưa tái sản xuất mặc dù đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định với báo Tuổi Trẻ là doanh nghiệp không sai - Ảnh: Minh Tú

Trong khi Cục An toàn thực phẩm khẳng định chất sodium nitrade (251) nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và Công ty Vietfoods không sai, nhưng đến nay cơ quan quản lý thị trường - đơn vị xử lý - vẫn im lặng một cách khó hiểu.

Theo các chuyên gia luật, nếu xác định Cơ quan quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội có sai phạm trong việc ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, Vietfoods có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.

Luật sư Phạm Quỳnh Như (Đoàn luật sư TP.HCM):

Có thể khởi kiện đòi bồi thường

Chưa nói đến những dấu hiệu sai phạm của Đội QLTT số 14 trong vụ bắt giữ hàng hóa của Vietfoods, việc ông Hoàng Đại Nghĩa, đội trưởng Đội QLTT số 14 Hà Nội, vội vã tuyên bố với truyền thông rằng Vietfoods sử dụng chất sodium nitrade gây ung thư để sản xuất xúc xích đã đánh gục Vietfoods trong bối cảnh câu chuyện ATTP đang rất nhạy cảm với người tiêu dùng, sản phẩm của doanh nghiệp này bị người tiêu dùng tẩy chay.

Từ khẳng định của lãnh đạo Cục ATTP - đơn vị chịu trách nhiệm về ATTP - rằng Vietfoods không sai, chất sodium nitrade không phải là chất cấm hay chất gây ung thư, đã đủ cơ sở pháp lý khởi kiện ông Hoàng Đại Nghĩa ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại do cung cấp thông tin thất thiệt, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Trường hợp này, do ông Nghĩa đang thực thi công vụ nên Chi cục QLTT Hà Nội là đơn vị phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Ngoài ra, Vietfoods cũng cần có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra, làm rõ việc cung cấp thông tin của ông Nghĩa có mang động cơ cá nhân nhằm triệt hạ doanh nghiệp hay không. Bởi lẽ một cán bộ công chức nhà nước khi thực thi công vụ khách quan, minh bạch thì không thể và không dễ dàng đưa ra những thông tin như vậy.

Ông Lưu Minh Sang(chủ cơ sở Vietfoods):

Chưa biết số phận 
đi về đâu

Dù lãnh đạo Cục ATTP lên tiếng khẳng định chúng tôi không sai và sản phẩm xúc xích của Vietfoods đảm bảo an toàn, nhưng chúng tôi cũng có văn bản đề nghị Cục ATTP có văn bản chính thức trả lời các câu hỏi: Chất sodium nitrade (251) có nằm ở danh mục cấm sử dụng trong sản phẩm xúc xích hay không? Có phải là chất gây ung thư như thông tin mà Đội QLTT số 14 của Chi cục QLTT Hà Nội công bố? Và nếu chất này không nằm trong danh mục cấm, cơ sở có được tiếp tục sản xuất sản phẩm sử dụng phụ gia này?...

Trong thực tế, trên thị trường hiện đang có nhiều sản phẩm thực phẩm sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu có thành phần chất phụ gia sodium nitrade và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, Cục ATTP chưa có văn bản trả lời chính thức nên chúng tôi chưa dám sản xuất lại.

Đặc biệt, chúng tôi cũng đề nghị Đội QLTT số 14 Hà Nội sớm ra “phán quyết” với lỗi vi phạm cũng như số hàng hóa bị tạm giữ. Chúng tôi cùng hơn 100 công nhân không thể chờ đợi được nữa. Gần một tháng nay cả nhà máy cùng công nhân ngưng hoạt động. Nếu tiếp tục chờ, số phận doanh nghiệp cùng công nhân chưa biết sẽ đi về đâu.

Luật sư Lê Việt Hùng (Hãng luật Minh Mẫn):

Đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản

Một khi đã có căn cứ xác định được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục QLTT Hà Nội đối với Vietfoods là trái pháp luật, Vietfoods có thể chọn một trong hai hình thức bảo vệ quyền lợi. Đó là khiếu nại Chi cục QLTT Hà Nội hoặc khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính, giải tỏa hàng, bồi thường thiệt hại và cải chính công khai.

Ngay cả khi cơ quan chức năng kết luận xúc xích của Vietfoods không có chất gây ung thư, thương hiệu của doanh nghiệp này cũng bị tổn hại trong mắt người tiêu dùng, thiệt hại mà doanh nghiệp gánh chịu không thể đo đếm được bởi thông tin “xúc xích của Vietfoods có chất gây ung thư” đã được lan truyền rộng rãi, bị người tiêu dùng tẩy chay. Do đó nếu xử lý khủng hoảng không tốt, doanh nghiệp rất có thể sẽ phải đi đến phá sản. N.Bình

LÊ SƠN ghi
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        228,268       548