TTO - Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) do Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) nắm giữ trên 75% vốn đã đầu tư gần 7.000 tỉ đồng cũng trong tình trạng có nhiều điểm giống với Nhà máy đạm Ninh Bình...
Nhà máy ngàn tỉ của PVN hiện vẫn đang phải tạm dừng hoạt động, chỉ có vài công nhân bảo dưỡng đến trông coi - Ảnh: Mai Công Thành |
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) do Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) nắm giữ trên 75% vốn đã đầu tư gần 7.000 tỉ đồng cũng trong tình trạng có nhiều điểm giống với Nhà máy đạm Ninh Bình.
Tổng vốn đầu tư lớn, ngay từ khi chạy thử, rồi vận hành, nhà máy liên tục đối mặt với thực tế chất lượng sản phẩm không ổn định, không bán được hàng, phải tạm dừng nhà máy...
Đến nay, PVN đã điều thêm nhân sự từ Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí ra hỗ trợ, bổ nhiệm tổng giám đốc mới, đề xuất thêm cơ chế ưu đãi từ Chính phủ, tuy nhiên nhà máy vẫn chưa thể khởi sắc. Hàng nghìn tỉ vốn nhà nước vẫn đối mặt thực tế hiệu quả thấp, thua lỗ...
Với dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO - thuộc Tổng công ty Thép VN) làm chủ đầu tư (do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu) còn khó khăn hơn.
Ban đầu dự kiến đầu tư 3.843 tỉ đồng để có nhà máy, nhưng sau đó phía nhà thầu Trung Quốc yêu cầu phải tăng vốn lên 8.014 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi TISCO đã trả nhà thầu Trung Quốc 93% tiền thiết bị... nhà thầu Trung Quốc đã bỏ về nước năm 2012.
Đến nay qua 9 phiên đàm phán để nhà thầu Trung Quốc quay lại, phía Trung Quốc yêu cầu bồi thường.
TISCO đã báo cáo Bộ Công thương xin tiếp tục nâng vốn đầu tư lên 9.031 tỉ đồng - tăng 927 tỉ đồng so với tổng mức cũ. Sau khi báo chí và các chuyên gia cảnh báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định giao Bộ Công thương thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập đánh giá toàn diện dự án, trong đó có cả phương án bán dự án, bán TISCO và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư tiếp dự án 8.000 tỉ đồng.
Đến nay, dù đã giải ngân khoảng 4.500 tỉ nhưng dự án vẫn chưa thể hoạt động vì nhà thầu mới lắp khung thép, chưa chuyển giao bộ phận điều khiển.
Nhập từ Trung Quốc từ lọ thủy tinh đến keo dán
Theo văn bản của ban quản lý dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, dự án này đã sử dụng các thiết bị tiên tiến như công nghệ khí hóa của Shell (Hà Lan), công nghệ tinh chế khí của Linde (Đức), công nghệ tổng hợp urê của Snamprogetti (Ý), công nghệ phân ly không khí của Air Liquide (Pháp)...
Tuy nhiên, tháng 4-2015 Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan đã có kết luận truy thu thuế với dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, qua đó cho thấy nhà máy này đã nhập rất nhiều thiết bị từ Trung Quốc.
Cụ thể, nhóm hàng vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được như: dây cáp điện, mặt hàng sơn, keo dán (băng phòng mục), các kết cấu thép (từ làm nhà xưởng tới bệ đỡ máy), kể cả các vật tư tiêu hao, thủy tinh, dụng cụ bảo hộ... đều được nhà thầu Trung Quốc nhập khẩu chứ không mua của VN.