TTO - Sau một thời gian dài tăng lãi suất (LS) huy động, gần đây nhiều ngân hàng (NH) đã bắt đầu tăng LS cho vay, trước tiên là với khách hàng cá nhân. Kỳ vọng giảm lãi cho vay xem như khó thành hiện thực.
Theo các ngân hàng, để giảm được lãi suất cho vay cần hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: Q.Định |
Với khách hàng doanh nghiệp, nhiều NH cho rằng muốn giữ hoặc giảm LS lúc này cần trợ lực từ cơ quan nhà nước chứ các NH không thể “đơn thương độc mã”.
Khi trái phiếu chính phủ trở thành kênh cạnh tranh vốn trực tiếp với doanh nghiệp thì nguồn vốn rót cho doanh nghiệp chắc chắn hạn chế. Mặt bằng LS cho vay vì thế khó có thể giữ ổn định chứ đừng mong giảm |
Tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP.HCM |
Choáng với lãi suất
Theo ghi nhận, NH Sài Gòn (SCB) vừa tăng LS huy động ở các kỳ hạn 1-3 tháng, trong đó LS huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,1%/năm, lên lần lượt 5% và 5,5%/năm.
Không chỉ tăng LS kỳ hạn ngắn, nhiều NH đã tăng LS huy động kỳ hạn 12 tháng - là kỳ hạn tham chiếu để ấn định LS cho vay. Cụ thể, VIB tăng LS huy động kỳ hạn 12 tháng thêm 0,2%, lên 6,7%/năm.
Trước đó, NH CP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) cũng tăng LS huy động kỳ hạn 12 tháng thêm 0,4%/năm, lên 6,9%/năm. So sánh với biểu LS huy động thời điểm cuối năm 2015, ở kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng tại nhiều NH đã tăng thêm khoảng 1%/năm, đẩy LS cho vay tăng lên tương ứng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết các NH vẫn đang chịu sức ép tăng LS huy động.
“Nhiều chi nhánh báo về là nhiều NH khác không chỉ tăng LS lên khá cao mà còn áp dụng chi ngoài, đẩy LS các kỳ hạn dưới 6 tháng lên đến 5,7-6%/năm thay vì mức 5,5%/năm như quy định, gây sức ép lên các NH thực hiện nghiêm túc quy định của NH Nhà nước” - vị giám đốc này cho hay.
Việc LS huy động liên tục tăng trong thời gian dài vừa qua dẫn đến hệ quả là LS cho vay cũng lẳng lặng tăng theo.
Trong đó, LS cho vay tăng mạnh nhất với nhu cầu vay mua, xây, sửa nhà của cá nhân. Một NH quốc doanh lớn có trụ sở tại Hà Nội vừa qua đã chấm dứt chương trình cho vay ưu đãi cố định LS với nhu cầu vay mua, xây, sửa nhà.
Theo đó, LS cho vay sẽ tăng từ mức 8-9%/năm lên trên 10%/năm. Thời gian cố định LS ban đầu cũng chỉ còn 6 tháng thay vì 1-3 năm như trước đây. LS cho vay với doanh nghiệp cũng có nhích lên nhưng với đối tượng này hiện các NH đang thông qua các gói để “bù qua sớt lại”.
Cụ thể, những doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trọn gói của NH như mở tài khoản thanh toán chính, sử dụng sản phẩm dịch vụ, trả lương tại NH thì LS sẽ “mềm” hơn do NH lấy các nguồn thu dịch vụ khác để bù đắp.
Sức ép từ trái phiếu
Ngoài sức ép từ việc tăng LS huy động, còn một sức ép khác là việc Bộ Tài chính liên tục phát hành trái phiếu chính phủ vừa để đầu tư và để đảo nợ đã hút một lượng vốn lớn của NH, dẫn đến nguồn vốn trên thị trường khan hiếm hơn.
Trong bốn tháng đầu năm đã có 103.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ phát hành thành công, gần bằng 47% so với kế hoạch cả năm.
Trong đó các NH mua đến 97.000 tỉ đồng. Do LS trái phiếu hấp dẫn nên các NH đang đổ xô vào mua. Các đợt phát hành trái phiếu chính phủ từ đầu năm nay giá trị đăng ký dự thầu ở kỳ hạn 3 và 5 năm luôn cao hơn gấp 2-2,4 lần so với giá trị gọi thầu.
Theo tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP.HCM, việc đẩy LS trái phiếu chính phủ lên cao để hút vốn NH đã tạo sức ép rất lớn lên LS trên thị trường.
“Lý do là LS trái phiếu - một hình thức đầu tư không rủi ro, không mất chi phí giải ngân vốn... - mà đã lên mức 6,4%/năm thì LS cho vay trên thị trường chắc chắn phải cao hơn mức này” - vị tổng giám đốc này nói.
Ông Trần Bắc Hà, chủ tịch hội đồng quản trị BIDV, cho biết thống kê lại mấy năm gần đây, tỉ trọng trái phiếu chính phủ được các NH thương mại đầu tư tới 85-87%, chủ yếu là vốn dài hạn từ 3-5 năm.
Theo tính toán của ông Hà, hiện giá vốn của NH đang ở mức khoảng 7,8%/năm, gồm LS huy động khoảng 4,9%/năm, dự phòng rủi ro 1,22%, dự phòng thanh khoản 0,5%, chi phí quản lý 1,75%. Mức chênh lệch ròng của các NH thương mại hiện rất thấp, chỉ khoảng 0,7%. Do vậy dư địa giảm LS rất khó.
“Muốn giảm LS cần có giải pháp khác, cụ thể NH Nhà nước cần giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND về cùng một mức là 1% thay vì mức 3% với kỳ hạn ngắn dưới 1 năm và 1% kỳ hạn trên 1 năm.
Tỉ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng với ngoại tệ cũng đưa về mức 3% thay vì 6-8%, tùy theo kỳ hạn vay. Tỉ lệ dự trữ thanh khoản cũng cần hạ từ 10% xuống 8%.
Nếu cả hai đề xuất trên được chấp thuận sẽ có thêm khoảng 100.000 tỉ đồng được giải phóng cho nền kinh tế, góp phần điều tiết LS cho vay” - ông Hà tính toán. Các NH khác cũng đồng tình với kiến nghị này.
Theo các NH, các chi phí dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro đều tính vào LS bình quân đầu vào. Do vậy, nếu NH Nhà nước giảm các chi phí này thì mới có cơ sở để NH giảm LS cho vay.
Nên giảm ngay chi tiêu công Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng có một nghịch lý là lạm phát thì thấp mà LS thì cao. Một giải pháp để giảm LS cho vay là Chính phủ phải giảm ngay chi tiêu công qua việc giảm phát hành trái phiếu chính phủ. Có như vậy mới bớt sức ép lên LS, lên chi phí vốn của doanh nghiệp. |