TTO - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016, diễn ra trong hai ngày 4 và 5-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về các biện pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 5% trong năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu bên lề hội nghị trực tuyến “Doanh nghiệp - Động lực phát triển kinh tế” - Ảnh: Quang Định |
Thủ tướng nêu rõ ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn đã phải đối phó với rất nhiều vấn đề phát sinh như tăng trưởng kinh tế quý 1 thấp hơn cùng kỳ năm trước (5,46% so với 6,12%), lạm phát bốn tháng đã tăng 1,33%, trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung...
Có dân là có tất cả...
“Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn”- Thủ tướng nêu rõ và đặt vấn đề: Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp hay không?”.
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ cho người dân, nhất là người yếu thế trong xã hội.
“Có dân là có tất cả. Không có dân là không thành công - Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ: Phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân; phải nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.
Trong phiên họp hôm nay (5-5), ngoài nội dung về kinh tế, Chính phủ sẽ nghe báo cáo về việc xử lý sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt ở một số tỉnh ven biển miền Trung; tờ trình phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); dự thảo nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế...
Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-4, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 254.350 tỉ đồng, bằng 25,1% dự toán (cùng kỳ năm trước bằng 28,8%). Tiến độ thu của ba lĩnh vực chủ yếu (nội địa, dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu) đều đạt thấp so với cùng kỳ 2015 do giá dầu thô và các sản phẩm hóa dầu xuất khẩu giảm mạnh...
Báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng cho biết tổng chi ngân sách nhà nước cùng thời điểm ước đạt 318.200 tỉ đồng, bằng 25% dự toán năm. Để hỗ trợ khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân năm 2015-2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi từ dự phòng ngân sách trung ương với tổng số tiền hai đợt là 1.104,1 tỉ đồng.
Cũng theo báo cáo này, nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chi thường xuyên, tiếp tục tăng cao lên tới 65% tổng chi, so với tỉ lệ này trước đây chỉ khoảng 50%. Ngược lại, chi đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 30% tổng chi xuống còn 17%.
Với khả năng thu hiện nay, tổng thu ngân sách nhà nước không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn bội chi, vốn vay của Chính phủ.
Trong khi đó, nguồn ODA sẽ giảm dần, thay vào đó là các khoản vốn vay với mức ưu đãi thấp hơn, thời hạn vay ngắn và lãi suất cao hơn. Nguồn vay trong nước cũng rất khó khăn. Việc phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc chủ yếu dựa vào các tổ chức tài chính của Nhà nước, ngân hàng thương mại, bảo hiểm xã hội... cũng đạt kết quả rất thấp.
Hơn 92% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có quy mô nhỏ Trong bốn tháng đầu năm có 34.721 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 248.244 tỉ đồng, bình quân khoảng 7,1 tỉ đồng/doanh nghiệp. Ngoài ra, có 11.311 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau một thời gian tạm ngừng do gặp khó khăn. Cũng trong bốn tháng đầu năm có 9.450 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 15.685 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (không đăng ký hoặc chờ giải thể), tăng 27,4%, trong đó trên 92% là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng). Có 3.759 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 0,8%). |