Kinh tế

Nông dân lao đao vì thông tin thất thiệt

TTO - Nhiều nông dân trồng xoài tại các tỉnh ĐBSCL hiện đang lao đao do giá xoài vào vụ thu hoạch đã giảm tới 50%, sau khi xuất hiện thông tin thất thiệt rằng xoài sử dụng túi bao trái có chữ “Taiwan” không đảm bảo an toàn.

Phần lớn xoài tại xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) đều sử dụng túi giấy Đài Loan, tất cả lô xoài xuất khẩu tại địa phương này đều được kiểm dịch và không phát hiện bất kỳ chất lạ nào  - Ảnh: V.TR.
Phần lớn xoài tại xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) đều sử dụng túi giấy Đài Loan, tất cả lô xoài xuất khẩu tại địa phương này đều được kiểm dịch và không phát hiện bất kỳ chất lạ nào - Ảnh: V.TR.

Ngày 4-5, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thông tin rằng nông dân bao trái xoài bằng túi Đài Loan nhưng không dám ăn chính các sản phẩm này. Trước đó, cơ quan điều tra địa phương này đã tiến hành thu thập hồ sơ, chứng cứ có liên quan.

Túi bao trái giúp xoài đẹp và an toàn

Ông Trần Hoàng Dân - chủ vựa xoài lớn nhất chợ trái cây Đồng Tháp - cho biết chỉ trong một thời gian ngắn, giá xoài cát chu loại 1 rớt xuống chỉ còn 15.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với mức giá vào tháng trước. Ngay cả Công ty TNHH Nông sản Cao Lãnh cũng mua xoài xuất khẩu với giá tương tự tại chợ nông sản 
Đồng Tháp.

Theo nhiều nông dân tại vùng chuyên canh xoài cát chu huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), sau khi một số phương tiện truyền thông đưa tin thất thiệt rằng chính nông dân trồng xoài không dám ăn xoài (?) do đã sử dụng túi “lạ” có in chữ “Taiwan” để bao làm trái lớn nhanh, đổi màu và bán được giá cao khiến giá xoài giảm mạnh và khó bán hơn.

Ông Nguyễn Thành Tài - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - bức xúc cho biết trước đó vào tháng 5-2015, một số phương tiện truyền thông cũng đưa tin này và cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm hiểu.

Kết quả kiểm nghiệm từ túi bao trái đến kiểm dịch thực vật trái xoài được bao bằng túi có chữ “Taiwan”... cho thấy không hề phát hiện gì bất thường như các thông tin thất thiệt.

Ông Đỗ Văn Phước - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang - cũng khẳng định doanh nghiệp nhập khẩu túi bao trái xoài có chữ “Taiwan” trên địa bàn đều có đầy đủ hồ sơ, sản phẩm được cho phép nhập vào VN sử dụng bình thường.

Cũng theo ông Tài, mỗi năm Đồng Tháp xuất khẩu hàng ngàn tấn xoài sang Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga... Tất cả lô hàng này đều được kiểm dịch thực vật rất gắt gao và chưa có lô hàng nào không đạt.

“Gần 100% diện tích xoài ở Đồng Tháp với 9.000ha được bao trái, có cả túi của Đài Loan. Ngay cả Công ty In Jea (Hàn Quốc) và Công ty Dialog (Nga) đến Đồng Tháp xây dựng nhà máy chế biến, ký hợp đồng bao tiêu xoài của nông dân cũng đưa ra điều kiện bắt buộc là xoài phải được bao trái” - ông Tài cho biết.

Đưa chúng tôi xem các phiếu kiểm dịch thực vật xoài đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga..., ông Võ Việt Hưng - giám đốc HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) - khẳng định tất cả lô xoài xuất khẩu đều không phát hiện kim loại nặng, asen, thạch anh, phóng xạ, thuốc trừ sâu, vi nấm hay các loại độc tố khác.

“Xã Mỹ Xương có gần 500ha xoài, 100% diện tích đều bao trái. Tất cả xoài xuất khẩu đều được kiểm dịch thực vật theo quy định và đều đạt yêu cầu. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nga đã tìm đến HTX này ký hợp đồng bao tiêu với sản lượng lớn” - ông Hưng nói.

Nông dân huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp bán xoài với giá khá thấp, một phần do tác động của thông tin thất thiệt - Ảnh: Vân Trường
Nông dân huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp bán xoài với giá khá thấp, một phần do tác động của thông tin thất thiệt - Ảnh: Vân Trường

Phải bao trái 
mới xuất khẩu được

TS Võ Hữu Thoại - phó viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - cho biết bao trái trước thu hoạch được xem là một trong các kỹ thuật tiên tiến, được áp dụng phổ biến trong sản xuất cây ăn trái tại nhiều nước trên thế giới.

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy việc bao trái giúp hạn chế tổn thương cho vỏ trái, giảm tỉ lệ bệnh, giảm sự tác động của côn trùng và chim, cải thiện màu sắc vỏ trái, hạn chế bị nám do nắng và hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, làm cho trái an toàn đối với sức khỏe người dùng.

Trên thị trường hiện có một số loại túi dùng để bao trái cây như: túi PE (polyethylene), túi vải không dệt (polypropylene spunbonded non-woven fabric), túi giấy Đài Loan, túi vi lỗ BOPP...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, túi có nguồn gốc từ Đài Loan (với chữ “Taiwan”) gồm hai loại màu trắng và vàng. Túi màu vàng có giá thành đắt hơn, được sử dụng để cải thiện màu vàng cho xoài sau khi thu hoạch.

Ông Nguyễn Thành Tài cho rằng vỏ trái xoài đổi màu đẹp hơn khi bao trái là kết quả của quá trình quang hợp tự nhiên, chứ không phải do tác động hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật có trong túi bao trái.

Kỹ thuật bao trái trước thu hoạch đã được Nhật Bản áp dụng cách đây 100 năm, còn Đài Loan, Trung Quốc và nhiều nước khác đã làm trên 50 năm.

Cũng theo ông Tài, tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, Công ty Access (nhà sản xuất túi bao trái xoài của Đài Loan đang sử dụng phổ biến tại ĐBSCL) cho biết loại túi này được làm bằng giấy, có phủ một lớp dầu hỏa để chống thấm, chống sâu bệnh và bảo vệ trái xoài trước những tác động tiêu cực của thời tiết.

Lớp màu đen bên trong được sản xuất từ 100% chất xơ bột gỗ lá nhằm tăng tính cản quang, thúc đẩy xoài nhanh chuyển từ màu xanh sang màu vàng trong giai đoạn phát triển, giúp cho da sáng đẹp.

“Việc sử dụng túi giấy bao trái còn giúp giảm trên 80% chi phí nhân công và thuốc bảo vệ thực vật. Hàng ngàn tấn xoài của Đồng Tháp xuất khẩu thời gian qua đều được các thị trường khó tính chấp nhận là bằng chứng cho thấy việc sử dụng túi bao trái, trong đó có túi nguồn gốc từ Đài Loan, hoàn toàn an toàn” - ông Tài khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Trí, phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Tiền Giang, cho biết từ năm 2013, cơ quan này đã hướng dẫn nông dân huyện Cái Bè kỹ thuật sản xuất xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn Global GAP.

Một trong những yêu cầu bắt buộc là bao trái trước thu hoạch. Kết quả xét nghiệm đều không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay bất kỳ chất cấm nào trong trái xoài.

“Các doanh nghiệp ở TP.HCM mua xoài cát Hòa Lộc ở Cái Bè cung cấp cho siêu thị trong nước cũng tự gửi mẫu xét nghiệm và kết quả rất an toàn” - ông Trí khẳng định.

Xoài bao trái giá cao hơn 10.000 đồng/kg

Ông Trần Hoàng Dân - chủ vựa xoài ở chợ trái cây Đồng Tháp - cho biết mỗi ngày ông xuất khẩu sang Trung Quốc 40-100 tấn xoài các loại, chủ yếu xoài cát chu Cao Lãnh và xoài keo trồng ở Campuchia.

Do nhu cầu tiêu thụ xoài tại thị trường này rất lớn, nhiều người Việt sang Campuchia thuê đất trồng xoài và 100% diện tích đều được bao trái bởi trái xoài sẽ có màu sắc đẹp, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng hơn nên giá cao hơn 10.000 đồng/kg so với xoài không bao trái.

“Xoài keo có bao trái tôi mua 23.000 đồng/kg, nhưng nếu không bao trái chỉ có 13.000 đồng/kg. Ai nói xoài bao trái làm đổi màu và không dám ăn là nói bậy” - ông Dân nói.

Đồng Nai: xoài tăng giá trở lại

Ngày 4-5, ông Trần Thế Bảo - chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn, huyện Xuân Lộc (một trong những HTX xoài lớn bậc nhất tỉnh Đồng Nai) - cho biết giá xoài cuối vụ trên địa bàn đã tăng trở lại sau đợt giảm mạnh vào giữa vụ do xoài keo từ Campuchia tràn vào.

Theo ông Bảo, năng suất vụ xoài trên địa bàn năm nay giảm do ảnh hưởng hạn hán kéo dài, nhưng giá mua tại vườn khá cao vào đầu vụ nên nông dân vẫn có lãi.

Cụ thể ngay từ đầu vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn mua loại xoài Ba mùa mưa (giống xoài chủ lực tại Đồng Nai) với giá 10.000-15.000 đồng/kg, cao hơn 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng xoài Thái và xoài cát Hòa Lộc mức giá cao gấp 2-3 lần xoài Ba mùa mưa. Và sau một thời gian ngắn giảm giá vào giữa vụ, giá xoài trên địa bàn đã phục hồi.

ĐỨC TRONG

VÂN TRƯỜNG
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,664       487