TTO - Chi cục QLTT Hà Nội cho biết từ ngày 20-12-2015 đến 17-4-2016, đơn vị này xử lý gần 690 vụ vi phạm về chất lượng và an toàn thực phẩm, với tổng số tiền thu được hơn 9,8 tỉ đồng.
Cơ quan chức năng kiểm tra bánh Thái Lan nhập khẩu đã quá hạn sử dụng tại Công ty CP đầu tư TM SX và dịch vụ HD - Ảnh: Q.Thế |
Trong đợt kiểm tra đột xuất tại Công ty CP đầu tư TMSX và dịch vụ HD (P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy) vào ngày 27-4, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đội 4, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP Hà Nội và Đội quản lý thị trường (QLTT) số 11 (Chi cục QLTT Hà Nội) bắt quả tang nhân viên công ty này đang đóng gói lại sản phẩm đã hết hạn sử dụng, cùng máy móc và một lượng lớn tem nhãn giả.
Tại thời điểm kiểm tra, hai nhân viên công ty này đang trực tiếp đóng gói bánh quy do Thái Lan sản xuất đã hết hạn sử dụng từ ngày 8-4-2016 vào vỏ hộp mới, với hạn sử dụng đến 20-9-2017. Cụ thể, các nhân viên này lấy sản phẩm từ các hộp bánh đã hết hạn sử dụng để cho vào hộp mới, rồi đưa vào máy đóng gói với hạn sử dụng mới.
“Khoảng 3.000 thùng bánh kẹo và toàn bộ máy móc phương tiện có liên quan đến hành vi đóng gói bánh hết hạn đã được tạm giữ. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm đếm, phân loại những sản phẩm hết hạn đã được thay bao bì cũng như dán đè tem nhãn. Chủ doanh nghiệp có thể bị xử phạt lên đến gần 200 triệu đồng tùy theo số lượng đã vi phạm” - ông Lê Mạnh Hùng, đội trưởng Đội QLTT số 11, cho biết.
Trrước đó, ngày 14-4, Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội cũng kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc Công ty TNHH Thành Phát Food (xã Song Phương, huyện Hoài Đức), tạm giữ 8.450 gói bột chiên giòn xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ và 28.000 vỏ bao bì cactông, 50 bao bột mì loại 25 kg/bao.
Đây chỉ là hai trong hàng trăm vụ thay “áo mới” cho hàng quá hạn sử dụng, hàng gian, hàng nhái và hàng giả được các cơ quan chức năng Hà Nội phát hiện trong những tháng đầu năm nay. Cụ thể, chỉ trong ba tháng đầu năm, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an Hà Nội, Bộ Công an đã phát hiện và xử phạt gần 700 vụ sản xuất kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, sản xuất hàng giả, hàng nhái với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tại các xưởng sản xuất, tổ công tác liên ngành còn phát hiện cả máy đóng gói sản phẩm và máy dập hạn sử dụng.
“Hàng giả, hàng nhái, hàng hết hạn sử dụng bán trót lọt ra thị trường sẽ thu lợi nhuận cao nên nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, chưa kể các doanh nghiệp bị nhái hàng hóa cũng bị ảnh hưởng thương hiệu” - ông Hùng nói.
Thông tin từ Chi cục QLTT Hà Nội cho biết từ ngày 20-12-2015 đến 17-4-2016, đơn vị này xử lý gần 690 vụ vi phạm về chất lượng và an toàn thực phẩm, với tổng số tiền thu được hơn 9,8 tỉ đồng, trong đó xử phạt hành chính 5,313 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 4,5 tỉ đồng. |