Kinh tế

​Hệ thống quản lý không đáp ứng yêu cầu

TT - Trong 9 chỉ tiêu đánh giá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP.HCM do khảo sát của VCCI thực hiện thì chỉ tiêu nào cũng có vấn đề, ở đây tôi muốn tập trung vào hai chỉ tiêu quan tâm nhất là tính minh bạch và chỉ số chi phí không chính thức.

TP.HCM - Ảnh tư liệu.

Các chỉ số này làm cho điểm số chung của TP.HCM tụt một cách nghiêm trọng.

Trước tiên cần lưu ý doanh nghiệp của TP.HCM luôn có đòi hỏi về môi trường kinh doanh cao hơn so với các địa phương khác, cho nên sự không hài lòng của họ về môi trường kinh doanh của TP.HCM cũng sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi so sánh với chính mình, sự tụt hạng từ năm này qua năm khác cũng phản ánh vấn đề nội tại của TP.HCM. Rõ ràng, môi trường kinh doanh đang xấu đi và vấn đề chủ nghĩa thân hữu nổi lên như một yếu tố quan trọng trong việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Tính minh bạch trong việc thực thi chính sách pháp luật cũng ngày càng kém đi, làm cho chi phí không chính thức tăng lên. Số doanh nghiệp thừa nhận họ phải trả thêm chi phí không chính thức khác tăng lên, đây là thực tế.

Trong khi nền kinh tế phát triển, bộ phận kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh thì hệ thống quản lý lại không thay đổi kịp với sự trưởng thành này, không đáp ứng được yêu cầu giai đoạn mới. Đằng sau sự chuyển mình chậm chạp này là tư duy phục vụ còn xa lạ của cán bộ, công chức nhà nước, cơ chế xin - cho vẫn còn tồn tại.

Muốn cải thiện, chúng ta phải hướng đến mô hình quản lý công mới, một nhà nước phục vụ thật sự, hỗ trợ doanh nghiệp, cung ứng hàng hóa đến tận doanh nghiệp chứ không thể để doanh nghiệp chầu chực, cầu cạnh.

Tiếp theo là cần có cơ chế giám sát độc lập, giải trình bên ngoài. Hiện nay chúng ta chỉ có giải trình nội bộ. Giải trình là phải đồng thời đáp ứng được quyền đòi hỏi và yêu cầu của người dân đối với cơ quan công quyền.

Cuối cùng, cần có cơ chế khuyến khích, tăng lương thưởng, cơ hội thăng tiến của cán bộ gắn liền với mức độ hài lòng, sự phục vụ của cán bộ từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân. 

N.BÌNH ghi
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        228,461       120