Kinh tế

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

TTO - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy trong hội nghị “Doanh nghiệp - Động lực phát triển kinh tế” được tổ chức sáng nay, 29-4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định

Chủ trì hội nghị Thủ tướng đề nghị đại biểu phát biểu ngắn gọn, thẳng thắn, thiết thực, trực tiếp về những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và đề xuất kiến nghị, giải pháp cụ thể để cùng tháo gỡ rào cản để phát triển.

Có đến 1.000 người đã tham gia buổi đối thoại tại Hội trường Thống nhất dù dự kiến ban đầu chỉ mời 500 người. Cộng với số lượng đại biểu tham gia tại các đầu cầu tính ra số người tham dự Hội nghị của Thủ tướng lên đến 10.000 người.

Không hình sự hóa quan hệ hành chính và kinh tế

Thủ tướng mong muốn cuộc gặp với doanh nghiệp phải thực chất, có ý nghĩa cho tổ quốc và có ích cho doanh nghiệp.

“Chúng ta nên tránh bệnh hình thức. Gặp là phải nghe và tháo gỡ cho DN để phát triển thực sự. Sau khi nghe vướng mắc, kiến nghị của DN thì các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh phải có phát biểu rõ ràng để giải quyết trực tiếp những tâm tư, khó khăn mà DN trình bày. Tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng hiến pháp, đổi mới loại bỏ giấy phép cũ lạc hậu, bảo vệ quyền kinh doanh, tài sản của doanh nghiệp, của công dân”, thủ tướng nhấn mạnh.  

“Kết quả của hội nghị là phải tạo niềm tin để mọi người hăng hái bắt tay vào lao động sản xuất kinh doanh tốt hơn, hội nhập quốc tế vững vàng hơn. Đó cũng là mở đầu giai đoạn mới trong đối thoại thẳng thắn, cầu thị, chân thành”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng cho rằng, rào cản về thủ tục hành chính “lớn lắm”. Và đặc biệt, công tác chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước hiện gặp vô cùng khó khăn.

Quang cảnh hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định
Quang cảnh hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định

“Chính vì vậy, tinh thần lớn nhất của Chính phủ là không hình sự hóa hoạt động hành chính và kinh tế . Còn doanh nghiệp  thì phải làm sao để thực hiện văn hóa doanh nghiệp, thể hiện sự liêm chính, đóng góp vào việc bảo vệ cộng đồng và môi trường thế nào cho đúng tinh thần của một doanh nghiệp chân chính”, thủ tướng yêu cầu.

Do đó, Chính phủ làm thế nào đó để ít nhất phải tạo niềm tin cho doanh nghiệp, cũng như tạo được niềm tin cho một xã hội  tốt đẹp để mọi người hăng hái bắt tay vào sản xuất. “Trên tinh thần đó, sự thẳng thắn, cầu thị, chân thành sẽ được thực hiện xuyên suốt để doanh nghiệp có được điều kiện phát triển tốt nhất”, thủ tướng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp thua lỗ, hòa vốn chiếm 58% doanh nghiệp còn hoạt động

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cho biết 941.000 DN thành lập, trong đó 513.000 DN còn hoạt động.

Điều đáng nói là khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động và giải thể diễn ra trong ba năm gần đây và đang có xu hướng gia tăng, riêng trong năm 2015 có 80.000 DN đã phải rời khỏi thị trường riêng trong quý 1 năm 2016 tiếp tục có gần 23.000 DN giải thể và ngừng hoạt động.

Hiệu quả hoạt động của các DN cũng không mấy lạc quan. 42% DN hoạt động có lãi, mức này dù có cải thiện so với những năm trước đó nhưng việc có chưa đầy một nửa số DN kinh doanh có lãi trong nền kinh tế là  điều không bình thường cho thấy hiệu quả kinh doanh của DN còn thấp.

Sau những năm sóng gió suy giảm về sản xuất và niềm tin, gần đây nền kinh tế bắt đầu khởi sắc tuy nhiên đà hồi phục còn yếu. Ngay trước thềm hội nghị VCCI đã có báo cáo gần 200 trang gửi cho Thủ tướng.

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội nghị doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước sáng 29-4 - Ảnh: Quang Định

Theo ông Lộc, 5 năm tới là giai đoạn đặc biệt quan trọng với DN VN, bước vào hội nhập sâu rộng. DN chính là nhân tố quyết định thành bại của nền kinh tế, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, cần tập trung toàn lực phát triển DN.

Thay mặt doanh nghiệp ông Lộc đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết chương trình quốc gia khởi nghiệp, khôi phục niềm tin cho DN. Muốn vậy phải thực hiện đầy đủ tinh thần chính quyền phục vụ dân, đảm bảo không lập lại những việc không thể chấp nhận được như vụ việc tại quán café Xin chào mà đích thân Thủ tướng đã phải ra tay can thiệp.

Tất cả cơ quan hành chính phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, công bố trên trang web số điện thoại đường dây nóng lãnh đạo để người dân, DN phản ánh bất kỳ vướng mắc, khiếu nại nào. Nếu có phát hiện vi phạm cần phải xử lý nghiêm để làm gương, nằm tạo niềm tin cho DN.

Ngoài ra phải khuyến khích phát triển DN mới hướng tới DN có 1,5 - 2 triệu DN hoạt động có hiệu quả năm 2020. 

Ông Lộc cũng đề nghị phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho doanh nghiệp.

Thứ đến, phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Cần môi trường chính sách thông thoáng

Theo ông Diệp Dũng, chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, trong 9 năm gia nhập WTO, DN đang đứng trước cơ hội và thách thức to lớn trong lĩnh vực bán lẻ. Bán lẻ hiện đại chiếm 25% thị phần bán lẻ, khắc phục những nhược điểm của bán lẻ truyền thống, từng bước mở rộng đến thị trường nông thôn.

Đóng góp vào GDP của ngành bán lẻ đạt trên 3,2 triệu tỉ đồng, thể hiện sự đóng góp ngày càng tăng của lĩnh vực này. Cộng đồng DN và chuyên gia kinh tế cũng nhận định ai nắm được thi phần và điểm bán lẻ sẽ nắm được không gian kinh tế của quốc gia, kể cả không gian điều chỉnh của hoạt động của chính phủ.

Hiện các DN bán lẻ quốc tế ngày càng thâm nhập nhiều hơn vào thị trường trong nước.

Tuy nhiên, thách thức thứ nhất là các nhà thương thảo hiệp định trong nước còn non trẻ, nên cần có thời gian và lộ trình để bảo vệ bán lẻ trong nước. Nhưng việc triển khai, cụ thể hóa như thế nào để lộ trình này thì còn chậm, dù  DN không ngại cạnh tranh một cách công bằng.

Trong hội nhập công cụ để giữ vững thị trường bán lẻ là mua bán, sáp nhập. Nhưng điều này chỉ đang thuận lợi với DN FDI. Trong khi DN trong nước, khi muốn làm một thương vụ, thì phải xin được GP đầu tư ra nước ngoài.

“Chúng tôi kiến nghị CP xem xét xây dựng chiến lược phát triển bán lẻ đến năm 2020, trong đó  xây dựng 20 DN bán lẻ tron nước có thực lực để cạnh tranh, và tháo gỡ những khó khăn cho các thương vụ M&A”, ông Dũng đề nghị.

Muốn vậy, việc thao gỡ khó khăn trong chính sách để DN tiếp cận được cơ hội M&A hiện gặp rất nhiều khó khăn.

DN như "xác sống" ở VN rất lớn

Ông Trần Bắc Hà, chủ tịch Hội đồng quản trị NH BIDV, kiến nghị thẳng thắn dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, hạn chế và bỏ thông tư vì chính thông tư mới đẻ ra giấy phép con. Ngoài ra cần có cơ chế giám sát cán bộ công chức vô cảm, nhũng nhiễu người dân.

Bên cạnh đó ông Hà kiến nghị Luật doanh nghiệp ban hành đã hơn 10 tháng nhưng có khoảng trống chưa được hướng dẫn. Luật phá sản ban hành đã lâu nhưng đến nay mới có 336 đơn phá sản như vậy là quá ít.

“Tình trạng DN như "xác sống" rất lớn ở VN. Bên cạnh đó thuế và hải quan đăng ký điện tử tốt nhưng phải kiểm chứng từ DN, chứ không chỉ nên dựa vào báo cáo của các bộ, phải nghe từ DN”, ông Trần Bắc Hà nói.

Riêng về tín dụng, hiện nguồn vốn tín dụng bằng bằng 100% GDP trong khi các nước Asean là 70%. Nhiều năm qua tín dụng vẫn là kênh cấp vốn chủ yếu cho DN và nền kinh tế.

Lãi suất cho vay hiện nay ở VN từ 7-11%/năm ở kỳ hạn ngắn và trung dài hạn. Giá vốn hiện nay của các NH rất cao, lên đến 7,8%/năm vì ngoài giá vốn huy động các NH còn phải trích dự phòng rủi ro, dự trữ thanh toán, chi phí quản lý hoạt động ngân hàng.

Trong khi đó lãi suất cho vay bình quân chỉ 8,5% từ đó dẫn đến chênh lệch thực tế LS giữa huy động và cho vay của NH chỉ còn 0,69% trong khi chênh lệch ròng của các NH trong khối Asean là 2,2-2,5%.

“Rõ ràng trong điều kiện như hiện nay việc giảm LS cho vay là rất khó nhưng tôi cho rằng vẫn thực hiện được nhưng kèm điều kiện xin NHNN giảm dự trữ bắt buộc. Vì hiện nay dự trữ bắt buộc đối với VND kỳ hạn dưới 12 tháng là 3%, với kỳ hạn trên 12 tháng là 1%, với ngoại tệ khoảng 8% cho kỳ hạn ngắn và 6% cho kỳ hạn dài.

Chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới cần tiết giảm 1% với dự trữ bắt buộc với VND và 3% với ngoại tệ còn dự trữ bắt buộc theo Thông tư 36 dự kiến 10% tôi đề nghị nên ở mức 8%”, ông Hà đề nghị.

Riêng BIDV cam kết ngày hôm nay, 29-4, sẽ giảm LS chi vay các kỳ hạn ngắn với mức 0,5%/năm. Lãi suất cho vay trung dài hạn không quá 10%.

Ngoài ra, ông Hà đề nghị Chính Phủ giảm bớt phát hành trái phiếu.

“Chính phủ đã siết đầu tư công, chi tiêu công thì chúng tôi đề nghị năm nay nên giảm bớt phát hành trái phiếu để giảm bớt áp lực lại suất và áp lực về vốn trung hạn. Mức tiết giảm nên là 10% trên khối lượng năm nay là 220.000 tỉ năm nay”, ông Hà kiến nghị thêm.

Ngoài ra cần đẩy mạnh tái cấp vốn cấp bù lãi suất của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng bán nợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Theo quy định NH được tái cấp vốn 70% nhưng thực tế NH chỉ được tái cấp vốn rất ít. Ông Hà cũng xin sửa đổi Thông tư 36 theo hướng có lộ trình áp dụng 24 tháng cho quy định sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

* Tiếp tục cập nhật

T.V.NGHI - Á.HỒNG - N.BÌNH
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,316       1,369