TTO - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang được kỳ vọng sẽ đạt đồng thuận về việc tăng sản lượng dầu lên khoảng 1 triệu thùng/ngày trong hôm nay (22-6) bất chấp sự phản đối của thành viên Iran.
Một giàn khoan dầu Iran trên bể dầu Soroush - Ảnh: REUTERS
Quyết định tăng sản lượng của OPEC có thể được hiểu là sự đáp lại lời kêu gọi và thúc giục của các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc trước cơn sốt giá dầu lên cao trong thời gian qua.
Phát biểu bên lề cuộc họp của tổ chức này ngày 21-6 tại Vienna (Áo), bộ trưởng năng lượng Nga và Saudi Arabia khẳng định việc tăng sản lượng lên 1 triệu thùng/ngày hoặc 1% nguồn cung thế giới đã trở thành đề xuất nhận được sự ủng hộ của gần như tất cả các thành viên OPEC.
Tuy nhiên, Iran, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 3 của OPEC, đang cho thấy mặt ngược lại và trở thành rào cản lớn nhất đối với việc thông qua đề xuất trên.
"Tôi không nghĩ chúng ta có thể đạt được sự đồng thuận", Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh nói với các phóng viên sau khi rời khỏi một cuộc họp chung của ủy ban bộ trưởng các nước OPEC và không thuộc OPEC ngày 21-6. Bên trong phòng họp ở Vienna, các bộ trưởng khác vẫn tiếp tục cuộc thương lượng về đề xuất nâng sản lượng dầu thô mỗi ngày.
Giới quan sát nhận định có màu sắc chính trị hơn là lợi ích trong thái độ phản đối của Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi giữa tháng 5 đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran vì chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Theo giới quan sát thị trường, điều này có thể dẫn tới việc sản lượng dầu xuất khẩu của Iran có thể giảm khoảng 1/3 vào cuối năm nay.
Nó cũng đồng nghĩa Iran sẽ được hưởng lợi ít hơn từ việc tăng sản lượng dầu của cả khối OPEC, trong khi nước hưởng chính sẽ là đối thủ của họ tại khu vực - Saudi Arabia.
OPEC và các đồng minh của nó kể từ năm ngoái đã tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày. Biện pháp này đã giúp cân bằng lại thị trường trong 18 tháng qua và nâng giá dầu lên khoảng 73 USD/thùng từ mức thấp nhất là 27 USD/thùng trong năm 2016.
Tuy nhiên, những sự cố ngoài ý muốn ở Venezuela, Libya và Angola trong những tháng gần đây đã đẩy sản lượng dầu cắt giảm của OPEC tới con số 2,8 triệu thùng/ngày. Cộng thêm việc sản lượng dầu của Iran bị giảm, một sự thiếu hụt về nguồn cung dầu có thể sẽ xảy ra nếu OPEC không điều chỉnh từ việc cắt giảm như hiện tại sang tăng số lượng sản xuất càng sớm càng tốt.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih khẳng định bất kỳ đề xuất nâng sản lượng nào và cơ chế thực hiện sẽ được quyết định bởi tất cả thành viên OPEC trong ngày 22-6.
Theo tính toán, nếu đề xuất tăng 1 triệu thùng/ngày được thông qua, Saudi Arabia có thể đóng góp được từ 250.000 đến 300.000 thùng/ngày.