TTO - Bất kể việc có quá nhiều loại phí bạn phải chi trả cho việc trang bị phần cứng và dịch vụ thuê bao, song vẫn còn nhiều tiện ích công nghệ khác miễn phí sẵn sàng phục vụ bạn.
Ảnh: SHUTTERSTOCK
Dưới đây là một số tiện ích công nghệ miễn phí luôn sẵn sàng bất cứ khi nào bạn cần.
1, Lưu trữ đám mây online
Lưu trữ đám mây là cách tuyệt vời để có thể truy cập và chia sẻ dữ liệu trên máy tính của bạn từ xa. Nếu bạn đã và đang là một người dùng của Google, Google Drive là một lựa chọn tốt.
Dịch vụ lưu trữ đám mây này cho bạn tới 15 GB dung lượng lưu trữ đám mây miễn phí. Bạn có thể mua thêm nếu cần.
Với người dùng thiết bị của Apple, iCloud là dịch vụ lưu trữ đám mây cung cấp cho mọi người dùng Apple, cho phép họ đồng bộ hóa dữ liệu trên các thiết bị iPhone, iPad và iMac. Bạn được hưởng 5GB dữ liệu miễn phí và có thể mua thêm nếu cần.
Nếu bạn là thành viên Amazon Prime, bạn có thêm 5 GB miễn phí của dịch vụ lưu trữ đám mây Amazon Cloud Drive và lưu trữ ảnh vô giới hạn mà không bị tính thêm phí.
Dropbox cũng là một dịch vụ lưu trữ đám mây tin cậy khác. Nó cho bạn 2 GB miễn phí khi đăng ký tài khoản. Bạn sẽ được "thưởng" thêm dung lượng khi giới thiệu người khác để họ đăng ký một tài khoản Dropbox khác.
2, Phần mềm văn phòng miễn phí
Cho tới nay phần mềm Microsoft Office vẫn là phần mềm văn phòng phổ biến nhất, song giá của nó lại không hề rẻ chút nào. Tuy nhiên cũng có những lựa chọn tương tự khác miễn phí cho bạn.
Trước hết là bộ ứng dụng văn phòng mã nguồn mở miễn phí LibreOffice. Bộ ứng dụng này cung cấp 6 chương trình với các tính năng quen thuộc với những người đã quen dùng bộ phần mềm Office.
Các chương trình Writer, Calc và Impress cũng tương đương với Microsoft, Excel và PowerPoint. Thậm chí tốt hơn nữa là nó còn có thể mở và chỉnh sửa các tài liệu bạn tạo trong Office và có thể lưu lại các file mới theo định dạng file của Microsoft Office.
Một lựa chọn ứng dụng văn phòng miễn phí trực tuyến khác là Google Docs. Công cụ này cung cấp một bộ các ứng dụng văn phòng trọn vẹn liên tục được phát triển, hoàn thiện qua các năm.
Hiện tại bạn hoàn toàn có thể bắt đầu làm việc với bảng tính, xây dựng một nội dung trình bày, tạo một mẫu tài liệu hoặc vẽ thiết kế bằng cách sử dụng các công cụ Google Docs, Sheets, Slides hoặc các công cụ khác.
Ảnh: SHUTTERSTOCK
3, Phần mềm chỉnh sửa ảnh miễn phí
Nếu một chuyên gia xử lý ảnh chuyên nghiệp, lựa chọn hàng đầu của họ là Photoshop. Tuy nhiên đó là phần mềm có phí. Còn với những người khác, một lựa chọn miễn phí có chất lượng cao không kém, sánh được với Photoshop nhưng lại miễn phí, là GIMP.
GIMP là tên viết tắt của GNU Image Manipulation Program. Phần mềm này có rất nhiều tính năng tương tự như Photoshop.
Điểm tiện dụng đặc biệt của GIMP là nó gần như bày ra tất cả những dụng cụ chỉnh sửa ảnh cần thiết cho người dùng trong các hộp thoại pop-up xung quanh hình ảnh cần chỉnh sửa.
4, Sách nói miễn phí
Với những người mê sách nói, Audible và iTunes đã trở thành những kho vô tận tài nguyên này để họ mặc sức khám phá. Tuy nhiên cả hai dịch vụ này đều tính phí, nhiều khi sách nói đắt hơn cả sách giấy.
Nếu bạn không nhất thiết phải đọc ngay những cuốn sách best-seller trong tuần, bạn có thể cân nhắc sử dụng Overdrive, https://www.overdrive.com/ trang web kết nối người dùng tới các thư viện hoặc viện nghiên cứu ở Mỹ. Còn nếu bạn muốn nghe các tác phẩm văn học kinh điển, trang LibriVox là địa chỉ miễn phí dành cho bạn.
5, Kiểm tra tốc độ Internet miễn phí
Cách kiểm tra tốc độ Internet miễn phí này giúp bạn kiểm tra tốc độ kết nối mạng của mình. Một trong những công cụ miễn phí và tin cậy cho việc này là trang Speedtest.net.
Trang web này sẽ đo lường và cung cấp cho bạn nhiều số liệu thống kê khác nhau như tốc độ download, upload của mạng Internet.
Còn nếu bạn đang sử dụng dịch vụ của Netflix, bạn có thể sử dụng trang cung cấp công cụ kiểm tra tốc độ Internet của Netflix tại Fast.com. Trang này chỉ đo được tốc độ download, nhưng cho bạn biết chính xác tốc độ mạng của mình vào một thời điểm nhất định.