TTO - Giải pháp nào cho các bạn trẻ trước làn sóng AI đang âm thầm thâm nhập vào cácngóc ngách ngành nghề?
Trong thời đại AI, trí tuệ cảm xúc hay các kỹ năng mềm rất “con người” như giao tiếp, đàm phán... vẫn rất cần thiết - Ảnh: Duy Trần
Với câu hỏi này, để có những gợi ý giải pháp hiệu quả thì cần thiết tạm chia lao động nói chung ra hai nhóm: blue-collar worker (tạm dịch: công nhân, lao động chân tay) và white-collar worker (nhân viên văn phòng).
Trong thời đại 4.0, nếu không liên tục tìm tòi, bổ sung kiến thức thì khả năng bị lỗi thời, đào thải rất lớn
Ông VÕ ANH VŨ (giám đốc vùng Công ty Boft Asia)
Những kỹ năng cần thiết để "sống sót"
Theo bà Nguyễn Phương Mai (giám đốc điều hành Công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search), những công việc bàn giấy mang tính "kiểm chứng" và lặp đi lặp lại như pháp lý, kế toán, hành chính... có thể sớm bị thay thế bởi độ chính xác của máy móc cao hơn con người. Chính vì vậy, việc học hỏi cách sử dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả công việc của mình là điều cần thiết.
Đối với nhóm lao động phổ thông (blue collar), ở những khâu đòi hỏi tính cảm quan của con người như kiểm định về chất lượng, xử lý vấn đề hay đưa ra quyết định thì vẫn cần đến sự tham gia của con người.
Theo bà Mai, nhóm lao động phổ thông nếu muốn phát triển sự nghiệp ở thời đại AI cần chuẩn bị những kiến thức liên quan nhiều hơn đến kỹ thuật, kỹ năng vận hành máy móc, đồng thời có các sáng kiến để phát triển dây chuyền sản xuất nhằm cải thiện sản phẩm...
Còn ông Trần Trọng Đại (tổng giám đốc KMS Technology VN) nhấn mạnh: "AI đang "tấn công" thị trường lao động ở hai hướng: dần thay thế những công việc lặp đi lặp lại, không cần kỹ năng phức tạp; giúp thực hiện những bài toán quá khó mà con người không thể xử lý hoặc cần lượng công sức cực lớn như Big data (dữ liệu lớn)".
Khi không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn lẫn kỹ năng mềm thì con người hoàn toàn có thể thích nghi với robot trong thời đại AI - Ảnh: Unit4
Với nhóm lao động văn phòng và các nhà quản lý, ông Đại cho rằng sự ảnh hưởng sẽ chậm hơn do đặc thù công việc: "Tuy nhiên, họ sẽ bị đào thải bởi những người khác, những người có khả năng và sự nhanh nhạy trong việc ứng dụng AI vào quy trình phân tích, thiết kế, sản xuất và quản lý".
"Các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở lao động phổ thông kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tổ chức, dịch vụ khách hàng. Những kỹ năng được doanh nghiệp săn đón đối với nhân sự cấp cao là: lãnh đạo, quản lý sự thay đổi, giải quyết vấn đề, giao tiếp, thuyết trình và tạo ảnh hưởng, khả năng động viên và khích lệ nhân viên phát triển" - ông Simon Matthews (tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông) chia sẻ.
Nhà trường, xã hội có thể làm gì?
Nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc và cách thức giáo dục là điều được nhấn mạnh tại nhiều hội thảo lớn trên thế giới, gần đây nhất là diễn đàn Bloomberg Global Business Forum vào tháng 12-2017 tại thành phố New York (Mỹ). Và một điểm khá thú vị là có thể tận dụng AI cho việc giáo dục giới trẻ hiệu quả hơn.
"Theo một báo cáo của Dell Technologies, bốn điểm khác biệt lớn nhất mà AI sẽ cách mạng giáo dục là: AI sẽ có khả năng đánh giá và rà soát chính xác về khả năng, điểm mạnh yếu từng học sinh. Kế đến, AI cung cấp vô vàn tài liệu học tập. Thứ ba, xây dựng lộ trình "vừa khít" cho từng đứa trẻ. Cuối cùng, giảm thiểu tối đa thời gian cho các công việc chấm điểm, nhập liệu của giáo viên, từ đó người dạy có thể tập trung tối đa cho việc giảng dạy" - ông Lê Đình Hiếu (đồng sáng lập Học viện G.A.P) nói.
Dẫu vậy, ông Hiếu cũng cho biết trong báo cáo gần đây "The Future of Jobs" (Tương lai của các công việc) tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, danh sách 10 kỹ năng quan trọng nhất cho tương lai, sự nghiệp của người trẻ vẫn hoàn toàn tập trung chủ yếu vào những kỹ năng rất "con người": tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý đội ngũ, khả năng đàm phán, trí thông minh cảm xúc...
"Dù máy móc, công nghệ có thông minh hay phát triển đến đâu thì vẫn không thể thay thế được sự ấm cúng, trí tuệ cảm xúc giữa con người với nhau. Chính vì vậy, thời nào nhân sự cũng cần trau dồi kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ làm việc giữa người với người" - ông Nguyễn Hữu Quang (CEO Công ty EXE International) giải thích.
Nỗ lực từ trí thức Việt
Trước các khía cạnh, tác động của AI, một số trí thức trẻ đã nỗ lực tìm giải pháp giúp giới trẻ Việt có thể tồn tại và phát triển trong thời đại số.
Có thể kể đến dự án phi lợi nhuận VietAI của hai tiến sĩ ĐH Stanford (Hoa Kỳ) Vũ Duy Thức và Lương Minh Thắng, hay như TS.BS Đoàn Xuân Quang Minh (hiện công tác tại Viện Broad thuộc ĐH Harvard và MIT, Hoa Kỳ) chia sẻ với Tuổi Trẻ ông hiện hợp tác với các trung tâm nghiên cứu tại VN thiết lập những trung tâm đáp ứng kỹ thuật cho AI nói chung, máy học (machine learning) nói riêng...