Sống khỏe

Tăng chủ động và trách nhiệm

TTO - Ở góc độ là nhà nghiên cứu đường sắt, tôi hoàn toàn đồng tình việc cần tạo một cơ chế cho TP.HCM hay Hà Nội được có thẩm quyền tự quyết liên quan việc phát triển các tuyến đường sắt đô thị.

Tăng chủ động và trách nhiệm - Ảnh 1.

Vấn đề tự quyết ở đây vẫn nằm trong khuôn khổ, quy định, chứ không phải muốn làm gì cũng được. Điều này giúp tăng tính chủ động cũng như trách nhiệm của địa phương hơn.

Thực tế cho thấy hầu hết dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội hay TP.HCM đều nảy sinh các vấn đề về tiến độ thực hiện kéo dài, dẫn đến ảnh hưởng hiệu quả đầu tư hạn chế và vấn đề nóng nhất là câu chuyện đội vốn ở các tuyến metro. 

Ngoài ra, các tuyến metro được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, công nghệ của những nước khác nhau. Do đó, câu chuyện làm sao để kết nối, đồng bộ giữa các tuyến cũng là một vấn đề phải giải quyết. 

Trong khi đây là lĩnh vực mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc xây dựng những tiêu chí, tiêu chuẩn chung để kết nối các tuyến metro, phục vụ việc vận hành khai thác hiệu quả cũng gặp nhiều khó khăn.

Khi có cơ chế tự chủ thì việc thực hiện các vấn đề trên được chủ động hơn. Tuy nhiên, trong cơ chế tự chủ cần thể hiện rõ hai khía cạnh. Thứ nhất là quyền, thứ hai là trách nhiệm triển khai thẩm quyền đó.

Nếu không thực hiện được, hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn thẩm quyền mình được giao thì phải kèm theo việc chịu trách nhiệm như thế nào với Nhà nước, sau đó là nhân dân.

 Bên cạnh đó, ngoài việc địa phương phải tự giám sát thẩm quyền của mình, Nhà nước cũng phải có cơ chế giám sát việc thực hiện thẩm quyền này.

Có như vậy, việc triển khai các tuyến metro được nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo được tính thống nhất, có cơ chế giám sát và tăng cường tính chịu trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai dự án trọng điểm cấp quốc gia.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,201,940       442