TTO - Quốc hội yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông và sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết các nghị quyết - Ảnh: QUANG VINH
Đó là một trong số những yêu cầu được Quốc hội đặt ra cho Chính phủ tại nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, vừa được Quốc hội thông qua trong phiên bế mạc sáng nay 15-6 với tỉ lệ tán thành tuyệt đối.
Đây là nghị quyết được ban hành sau khi Quốc hội tiến hành chất vấn phó thủ tướng Vương Đình Huệ và người đứng đầu các bộ Giao thông vận tải, Tài nguyên môi trường, Lao động - thương binh - xã hội, và Giáo dục đào tạo.
Năm 2019 trình phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao
Tại nghị quyết, Quốc hội yêu cầu hoàn thiện pháp luật về đầu tư dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT đặt trong tổng thể hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông và sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.
Tăng cường kết nối giữa các loại hình vận tải, giữa các trung tâm kinh tế lớn, giữa các vùng, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; trình Quốc hội cho ý kiến về phương án đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam vào năm 2019.
"Xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý thích hợp đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc kéo dài tiến độ, tăng vốn dự án, nhất là các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải và địa phương quản lý", nghị quyết nêu rõ.
Giải thể cơ sở giáo dục đại học yếu kém
Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Quốc hội yêu cầu làm tốt công tác dự báo thị trường lao động; có lộ trình cụ thể giải quyết việc làm cho sinh viên, thanh niên nông thôn; thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích thanh niên, sinh viên khởi nghiệp sáng tạo.
Cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch việc cấp phép đối với doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài; tăng cường kiểm định chất lượng, việc đánh giá chất lượng đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Quốc hội yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Triển khai có hiệu quả các đề án về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025.
Hoàn thành đề án cụ thể về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên. Phát triển chương trình đào tạo đại học theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục; kiên quyết giải thể các cơ sở đào tạo đại học chất lượng yếu, kém.
Khẩn trương ban hành quy định cụ thể về tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đổi mới cơ chế học phí. Tiếp tục hoàn thiện và ổn định kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.
Xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Quốc hội yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất dùng cho mục đích công cộng, đất tại các nông, lâm trường, dự án BT, BOT.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai, gây bức xúc trong nhân dân.
Triển khai thực hiện chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường, nhất là tại các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường, không để xảy ra các sự cố nghiêm trọng về môi trường.
Triển khai quy hoạch xử lý rác thải; xây dựng và triển khai mô hình mẫu về xử lý rác thải, nhất là tại vùng nông thôn; hướng dẫn thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn.
Rà soát, theo dõi chặt chẽ hoạt động xả thải; xử lý có hiệu quả tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông, suối, tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven sông, ven biển.