TTO - Nhiều tự truyện của các gương mặt trẻ nổi tiếng trong làng giải trí, thể thao ra mắt gần đây được người đọc đón nhận lẫn gây tranh luận.
Một loạt tự truyện của các "sao" được ra mắt gần đây - Ảnh: XUÂN HƯNG
Nhìn thấy gì ở xu hướng viết tự truyện, công thức và thách thức của dòng sách này? Thế giới sách giới thiệu góc nhìn của nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn.
Là thể loại cho phép những sự kiện, diễn biến và suy nghĩ của cá nhân được bộc bạch chân thực nên tự truyện, nếu không cân nhắc và tính toán, sẽ rơi vào trạng thái tự si chính mình thay vì hướng đến một thái độ tự thú sâu sắc, nhân văn.
Những khuôn hình đơn màu
Khi hồi tưởng về thời đoạn đã qua, khá nhiều người viết tự truyện dừng lại quá lâu, với không ít cảm hứng thổi phồng hoặc trầm trọng hóa những biến cố, thành bại của cuộc đời.
Đành rằng, bởi biến cố đó đóng vai trò bước ngoặt, làm thay đổi tâm tính và nhận thức của nhân vật nhưng nếu như chỉ vậy rất dễ gây cảm giác cuộc đời là phép cộng của những gì kiểm kê, đong đếm được.
Trong khi, thực chất, một sự kiện cá nhân bao giờ cũng liên quan đến bối cảnh lịch sử - xã hội. Tự truyện, vì thế, nếu lấy mình làm trung tâm cho các phán xét, bình luận, dường như chỉ là cách soi mình trước một tấm gương quá hẹp, thậm chí là xoàng xĩnh.
Có thể thấy đa số tự truyện của giới nghệ sĩ Việt gây ồn ào vừa qua thường đi theo một công thức tương đối nhàm chán. Mở đầu là gia đình, tuổi thơ và quê hương bản quán. Tiếp đó là đam mê, khát vọng bị trở lực ngăn cản.
Trọng tâm luôn là một cú sốc lớn, khiến chủ thể phải đương đầu vượt qua, phải "chiến đấu" theo đúng nghĩa không đầu hàng, gục ngã trước số phận. Kết thúc, mà hoàn toàn có thể phỏng đoán được, thường là triết lý sống, bao gồm cả bao dung, tha thứ hoặc tinh thần chấp nhận sự thật.
Trong suốt hành trình đó, chuyện yêu đương sẽ được chăm chút kỹ lưỡng, với nhiều tên viết tắt hoặc không, xen nhiều pha kịch tính giữa hạnh phúc và đau khổ, để hút sự tò mò lẫn nước mắt của độc giả.
Nhưng liều lượng yêu đương quá nhiều như trong Vàng Anh và Phượng Hoàng, Thương Tín một đời giông bão, cũng như dùng thức uống dinh dưỡng quá đà, sẽ đẩy tự truyện sa vào sách giáo dục giới tính, luyến ái.
Ở đây không phải là vấn đề đạo đức mà chủ yếu nó cho thấy người viết đã chọn khung hình đơn màu khi phục dựng ký ức, chỉ lọc ra ở đó cái riêng tư thuần túy mà thôi.
Hồi ức là kênh dẫn của sự thật. Song không phải sự thật nào cũng đáng giá. Tự tín vào sự thật của mình, thực ra, rất giống việc tự bỏ phiếu cho thành công của mình mà ở đó, như tâm lý muôn đời của người Việt, "tốt khoe xấu che" trở thành nguyên tắc.
Một cái tôi không mạnh để thổ lộ, không có ý niệm xác quyết về giá trị nhân văn, sẽ biến lời kể của mình thành những biên bản kể tội hoặc "pr" bản thân lộ liễu.
Một loạt tự truyện của các "sao" được ra mắt gần đây - Ảnh: XUÂN HƯNG
Cần tự làm mới
Giới nghệ sĩ, hay hẹp hơn là giới “showbiz” Việt, đang tạo ra ảo ảnh rằng chỉ họ là tiếng nói trung tâm. Nhưng tự truyện của những người đồng tính, của những số phận bên lề, sắc dân thiểu số hay của bất kỳ cá nhân nào cũng rất cần lắng nghe. Chỉ có điều, hãy đến với tự truyện bằng sự nhẹ nhõm, như cách đến với dòng sông, thấu hiểu thời gian và lẽ đời như nước chảy, vừa sâu sắc vừa phù phiếm, vừa chớp mắt vừa vĩnh cửu.
Hiện nay, tự truyện phải chia sẻ không gian tự thuật, tự sự cho mạng xã hội, YouTube, truyền hình. Chưa bao giờ người Việt được tự do lựa chọn cách xuất hiện, biểu lộ mình dễ dàng như bây giờ. Vậy tự truyện trụ vững được phải dựa vào điều gì?
Nhìn vào một số tự truyện thành công như Yêu và sống, Bóng, Không lạc loài, Đằng sau nụ cười, Để gió cuốn đi, Ông giáo làng trên tầng gác mái... hay trước đó là tự truyện của Nguyên Hồng, Tô Hoài, thì phẩm tính thể loại rất quan trọng.
Viết tự truyện cũng phải lao động chữ nghĩa với những thủ pháp nghệ thuật, những cấu trúc đan xen quá khứ - hiện tại hợp lý, những khảo cứu văn hóa xã hội thu nhỏ. Không nhất thiết phải tạo ra thông điệp nhưng một tự truyện lớn ắt sẽ có nỗi ưu tư về cá nhân, chất vấn và trả lời những băn khoăn về đời sống.
Một tự truyện hay là lúc ngôn từ phát huy tận cùng khả năng biểu đạt, đánh động tâm trí người đọc cả bằng câu chuyện bình thường, chứ không phải là một định nghĩa trọn vẹn về thành bại, được mất hay một thứ cẩm nang kỹ năng sống.
Tự truyện cũng phải tự làm mới. Xu hướng chung của nghệ thuật đương đại là xóa bỏ lằn ranh thể loại, tính chất bán hư cấu trong các thể loại mang tính tư liệu, tài liệu đang ngày một nở rộ. Khép tự truyện vào phi hư cấu đôi khi chỉ làm người viết (hoặc chấp bút) chạy theo lược thuật, ký họa tiểu sử.
Tệ hơn là trở thành bài báo "vượt lên số phận" kéo dài. Bởi thế, thói quen lập bảng hỏi, trò chuyện ghi chép của người chấp bút rất cần bổ sung thao tác kiểm chứng thông tin, tra cứu tư liệu đa nguồn.
Nên chăng, ngoài việc phó mặc cho ký ức thì tự truyện, cũng hãy bắt đầu như khúc ca chàng Ulysses trở về, sẽ cần đến trí tưởng và cảm xúc sáng tạo mạnh mẽ, thăng hoa?
Đừng nuôi áp lực phải thành công
Tại tọa đàm Hồi ký - tự truyện: Chuyện đời, chuyện người và trào lưu xã hội diễn ra tối 9-6 tại Hà Nội, tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu cho rằng tự truyện, hồi ký bùng nổ thời gian gần đây do nhu cầu nói thật của các tác giả và "ăn" sự thật của công chúng. Đây là nhu cầu bất tận của con người. Nhưng anh tỏ ra hoài nghi liệu có sự thật không hay chỉ là những "sự thật được làm ra".
Trần Ngọc Hiếu chia sẻ: "Đa phần tự truyện của Việt Nam hay của nước ngoài đã dịch ra tiếng Việt được yêu thích đều là những diễn ngôn về thành công, những tấm gương vượt qua chính mình để thành công.
Tôi muốn nói rằng xã hội của chúng ta đừng nuôi cho các bạn trẻ áp lực phải thành công. Đừng thúc họ phải cạnh tranh, phải chiến thắng, phải là số 1, phải thèm muốn thành công, biến đời sống thành một cuộc chạy đua mệt mỏi. Những hồi ký hãy nói cho các bạn trẻ nhiều hơn về tự do, phóng khoáng, đam mê của con người trong cấu thành bản thân".
Thiên Điểu ghi