Sống khỏe

Khẩn trương, nhưng không thể vội vàng...

TTO - Một hệ thống rộng lớn với hơn 230 trường ĐH đang cần một cuộc cải cách mạnh mẽ từ trên xuống dưới, quy hoạch bài bản, rành mạch và bình đẳng hơn giữa khối trường công và tư…

Khẩn trương, nhưng không thể vội vàng... - Ảnh 1.

"Về cơ bản, chất lượng giáo dục đại học thấp và không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhất là cuộc cách mạng 4.0" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá về chính lĩnh vực mà Bộ GD-ĐT đang quản lý như vậy khi trả lời chất vấn đại biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ 5.

Nếu đây là ý kiến của "người ngoài", người ta có thể nghi ngại nhận xét ấy xuất phát từ góc nhìn thiếu thiện cảm hoặc quá khắt khe.

Đằng này, nhận định đến từ người đứng đầu ngành giáo dục cho thấy giáo dục đại học (ĐH) thực sự đang là hệ thống còn yếu kém. 

Một hệ thống rộng lớn với hơn 230 trường ĐH đang cần một cuộc cải cách mạnh mẽ từ trên xuống dưới, quy hoạch bài bản, rành mạch và bình đẳng hơn giữa khối trường công và tư…

Có lẽ vì thế mà việc sửa đổi ở phạm vi rộng đến 33 điều của Luật giáo dục ĐH 2012 - chỉ sau sáu năm thực hiện - đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, các trường ĐH, mà không thấy mấy ai kêu ca về sự lãng phí hay chỉ trích những người làm luật cũ không có tầm nhìn chiến lược…

Phân tích nguyên nhân "từ phía ngành", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ điểm danh một loạt "mấu chốt" đẩy chất lượng giáo dục ĐH xuống thấp: nào do chương trình đào tạo chưa sát với thị trường, do cơ sở vật chất yếu kém, do học phí còn khiêm tốn, thấp hơn hàng chục lần so với nhiều nước…

Nhưng có vị chuyên gia đã thẳng thừng cho rằng "đừng đổ cho tiền" vì "với một đất nước còn nghèo thì lý do này là vô tận". 

Vấn đề là hiệu quả sử dụng đồng tiền ra sao? Tiền ít, hiệu quả sử dụng thấp, làm sao ngăn được sự sa sút của giáo dục?

Còn khi nhìn vào sửa đổi cốt lõi của dự thảo là vấn đề tự chủ, thì một trong những yếu kém, thụ động nếu được nhìn nhận nghiêm túc thì chắc chắn phần lớn do cơ chế. 

Những ngổn ngang của giáo dục ĐH có phần lỗi từ chính các chính sách giáo dục giằng níu tư tưởng xin - cho nặng nề. 

Tất nhiên, như quan sát của một chuyên gia giáo dục, "cơ chế xin - cho là thứ ai cũng nhìn thấy, nhưng không đời bộ trưởng GD-ĐT nào thừa nhận".

Sốt ruột, nhưng nhiều ý kiến đã chỉ ra không thể vì áp lực thời gian mà thông qua luật khi còn nhiều lấn cấn. 

Không phải ngẫu nhiên đề xuất được trình dự thảo và thông qua ngay trong một kỳ họp Quốc hội như ý tưởng ban đầu của Bộ GD-ĐT đã bị "bác" ngay lập tức. 

Luật phải sửa vì những bất cập cản trở đổi mới, nhưng không thể vội vàng để rồi lại mở ra những ngổn ngang… mới hơn.

Cứ "luật khung", "luật ống" như thế, hành lang pháp lý cho phát triển giáo dục ĐH sẽ còn khá chông chênh. 

Kỳ vọng một dự án luật chất lượng, tạo đột phá vẫn còn trắc trở, và câu chuyện xây dựng thể chế vẫn là điểm yếu dễ nhận thấy của ngành giáo dục qua nhiều nhiệm kỳ bộ trưởng.

5 kiến nghị cho Luật giáo dục đại học 5 kiến nghị cho Luật giáo dục đại học

TTO - Trong Luật giáo dục đại học hiện hành, gần như thiếu hẳn các điều luật liên quan đến khía cạnh tài chính trong giáo dục đại học.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,389,318       163