Sống khỏe

TP.HCM 'xin' mở thêm cơ sở đào tạo lái xe

TTO - UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho mở thêm 3 cơ sở đào tạo lái xe, đồng thời xem xét không thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ về mặt số lượng từ năm 2019.

TP.HCM xin mở thêm cơ sở đào tạo lái xe - Ảnh 1.

Học lái xe trên xe thi thực hành ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - hiện trên địa bàn thành phố có 54 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ (ôtô) với tổng số lượt đào tạo được cấp phép 59.174 học viên.

Theo quyết định 966/QĐ-BGTVT ban hành đầu năm 2014 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cơ sơ đào tạo lái xe cơ giới đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, TP.HCM được quy hoạch mở mới 4 cơ sở đào tạo trong giai đoạn 2014-2015 và mở mới thêm 4 cơ sở đào tạo trong giai đoạn 2016-2020.

Với xuất phát điểm tính quy hoạch là 49 cơ sở đào tạo lái xe (năm 2013), nếu thực hiện theo quy hoạch trên, tổng số cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn thành phố đến năm 2020 là 57 cơ sở.

Thực tế, TP.HCM chỉ thành lập 1 cơ sở trong giai đoạn 2014-2015 và thành lập thêm 4 cơ sở trong giai đoạn 2016-2017. 

Như vậy, mặc dù chưa đạt đến 57 cơ sở như quy hoạch, nhưng nếu xét riêng trong giai đoạn quy hoạch 2016-2020, TP.HCM đã không còn chỉ tiêu để mở mới cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.

Theo quyết định 966, quy hoạch hệ thống đào tạo lái xe cơ giới đường bộ của khu vực TP.HCM cần đảm bảo tỷ lệ 5-6 cơ sở/1 triệu dân. 

Trong khi đó, dân số trung bình của TP.HCM năm 2017 8,6 triệu người, tăng 2% so với năm 2016.

Nếu tiếp tục tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, đến năm 2020, TP có thể đạt trên 10 triệu người (chưa tính số lượng từ các tỉnh).

Năm 2017, tổng lượng ôtô được quản lý trên địa bàn TP.HCM là 675.143 xe, tăng 59.748 xe so với năm 2016 (tương đương 9,7%); tổng số giấy phép lái xe ôtô được cấp mới 153.736, tăng 14% so với năm 2016.

Đánh giá số liệu thống kê cho thấy nhu cầu học và thi sát hạch lái xe của người dân có thể vẫn tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Như vậy, nếu thực hiện theo quyết định số 966, không tăng thêm mà giữ nguyên số lượng cơ sở đào tạo lái xe ô tô là 54 cơ sở như hiện nay sẽ khó đáp ứng nhu cầu học và thi lấy giấy phép lái xe ngày càng tăng cao của người dân TP.HCM.

Để giải quyết tình trạng tồn đọng hồ sơ đào tạo lái xe, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong việc học và thi giấy phép lái xe, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép thành phố được mở mới thêm 3 cơ sở đào tạo lái xe (tương ứng số chỉ tiêu quy hoạch trong giai đoạn 2014-2015 mà khu vực TP.HCM chưa sử dụng).

Cơ sở mở mới phải đảm bảo quy mô đáp ứng tối thiểu 500 học viên, nằm ngoài khu vực trung tâm thành phố, không gây ùn tắc giao thông, ưu tiên vùng xa, kinh tế khó khăn hoặc khu vực ít hay chưa có cơ sở đào tạo lái xe.

Không thực hiện quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe

Theo UBND TP.HCM, Luật quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2019. Theo đó, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được tiếp tục thực hiện.

Tuy nhiên, danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành nói trên không bao gồm quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ…

Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu kể từ năm 2019 trở đi sẽ không thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ về mặt số lượng.

Thay vào đó, chỉ xem xét ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe, phù hợp với mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.

Đề nghị xử phạt hành chính nhiều cơ sở đào tạo lái xe

TTO - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề nghị các Sở GTVT Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Bình xử phạt hành chính các cơ sở vi phạm trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,404,027       423