TTO - Rất lạ khi MobiFone, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, lại bỏ tiền mua AVG. Gọi đúng tên của việc này là quốc doanh hóa AVG.
Người dân đều biết Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ngay trong lĩnh vực truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam cũng cổ phần hóa VTVcap và SCTV. Mới đây, Sabeco đã được bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bởi vậy, rất lạ khi MobiFone, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, lại bỏ tiền mua AVG. Gọi đúng tên của việc này là quốc doanh hóa AVG.
Khi thương vụ quốc doanh hóa này gây lùm xùm, có lập luận rằng công ty tư nhân làm ăn có hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mua lại cũng tốt chứ sao? Chẳng hạn một công ty tư nhân thông tin có nhà đầu tư nước ngoài trả giá công ty của họ cao gấp 10 lần giá trị sổ sách, nay họ bán lại cho DNNN với giá thấp hơn (chỉ cao gấp 9 lần) thì DNNN được lợi, chứ có gì phải cấm?
Những lý lẽ đó - về lý thuyết - không sai, nhưng đi ngược lại chủ trương cổ phần hóa DNNN. Từ các vụ thua lỗ ngàn tỉ, mất cán bộ trong nhiều năm qua, chúng ta có quá nhiều bài học đau xót để kiên định với chủ trương nói không với việc Nhà nước tham gia làm kinh doanh.
Với thương vụ mua AVG, người dân sẽ đặt câu hỏi: "Tại sao và có cần thiết phải trở lại quốc doanh hóa?", "Danh sách quốc doanh hóa có được mở rộng?", "Có tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong chủ trương Nhà nước tham gia kinh doanh hay không?"...
Do vậy, dù tranh cãi liên quan đến MobiFone định giá mua AVG như thế nào cũng không làm thay đổi bản chất vụ việc, khi mà quá trình quốc doanh hóa AVG đã diễn ra và gửi đi một tín hiệu lạc lõng với quá trình cổ phần hóa cũng như chủ trương Nhà nước không tham gia kinh doanh.
Từ thương vụ cổ phần hóa AVG cũng cho thấy có vẻ các bên liên quan đã vận dụng khá thành thạo quan điểm điều gì pháp luật không cấm thì người dân và doanh nghiệp, kể cả DNNN, được phép làm. Nhưng cái thiếu ở đây là thiếu công khai, chưa minh bạch.
Bởi khi DNNN mua doanh nghiệp tư nhân, hay khi bán DNNN - cổ phần hóa đều có liên quan đến tài sản quốc gia là tiền thuế của dân, do vậy dứt khoát phải công khai và minh bạch. Đây là yêu cầu bắt buộc để không xảy ra thất thoát, tham nhũng.
Thực tế cho thấy ngay quá trình cổ phần hóa, dù có quy định chặt chẽ, được công khai và soi xét rất kỹ nhưng đôi lúc vẫn xảy ra thất thoát.
Qua vụ MobiFone mua AVG, rồi đây các cơ quan chức năng phải chỉnh sửa các văn bản pháp luật hiện hành để lấp đầy những khoảng tối của hiện tượng quốc doanh hóa tư nhân.
Muốn bịt hết những lỗ hổng này, cách duy nhất là cấm các DNNN hoặc công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối mua lại các công ty tư nhân, trừ những lĩnh vực đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia. Cho đến nay, chưa có cơ sở nào để chúng ta quay lưng lại với chủ trương Chính phủ hạn chế tham gia kinh doanh cũng như đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN.