Sống khỏe

Tác chiến không gian mạng: Chiến lược không gian mạng của Mỹ

TTO - Trung tuần tháng 12-2017, Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng Mỹ (USCYBERCOM) thông báo đang chuẩn bị triển khai hàng ngàn binh sĩ tác chiến mạng vào chiến trường. Các toán chiến binh mạng được bố trí vào các đơn vị bộ binh chính quy.

Tác chiến không gian mạng: Chiến lược không gian mạng của Mỹ - Ảnh 1.

Binh sĩ lữ đoàn tình báo quân sự 780 tham gia huấn luyện tác chiến mạng tại Fort Gordon (bang Georgia) - Ảnh: afcea.org

“Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng Mỹ sẽ giữ vai trò chiến lược trong công tác đồng bộ hóa các đơn vị tác chiến mạng, đào tạo, chỉ đạo và phối hợp các chiến dịch quân sự trong không gian mạng…

Ông KENNETH RAPUANO (trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ)

Trong ba năm qua, các toán chiến binh này đã tham gia huấn luyện tại trung tâm huấn luyện chính của bộ binh Mỹ ở nam California. 

Xâm nhập, gây rối và phá hủy

Đại tá William Hartman ở USCYBERCOM giải thích nhiệm vụ của các binh sĩ tác chiến mạng là lập trình phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị, tập hợp thông tin, xâm nhập mạng lưới thông tin liên lạc của kẻ thù. 

"Họ đã đủ khả năng xâm nhập cơ sở hạ tầng của trung tâm huấn luyện, sau đó tìm cách nào đó để đối phương không thể sử dụng Internet được nữa", ông nhận xét.

Trước đó vào tháng 5-2017, các quan chức Lầu Năm Góc điều trần trước quốc hội thông báo lần đầu tiên các chuyên viên tin học ở USCYBERCOM đã xâm nhập hệ thống mạng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

Chiến dịch bắt đầu từ tháng 11-2016. Đi đầu trong tác chiến là đơn vị đặc nhiệm liên quân Ares (mới thành lập năm 2016). Nhiệm vụ của đơn vị này là phá hủy hoặc gây rối hệ thống mạng IS bằng cách đánh cắp mật khẩu, xóa sửa nội dung và phá hoại các kế hoạch của IS. 

Ví dụ: các binh sĩ mạng đã sửa tin nhắn của bọn cầm đầu IS để lèo lái các phần tử IS đến địa điểm định trước cho máy bay ném bom tiêu diệt.

Báo Washington Post khẳng định với thành công đạt được, Lầu Năm Góc sẽ mở rộng chiến dịch trong năm 2018. 

Người phát ngôn USCYBERCOM Charlie Stadtlander nhận xét: "IS không còn ung dung trên không gian mạng nữa... Đơn vị đặc nhiệm liên quân Ares đã chứng minh không gian mạng góp phần đáng kể vào chiến dịch quân sự toàn diện".

Nguy cơ chiến tranh mạng

Gần chín năm trước, vào ngày 23-6-2009, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ đạo Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ thành lập một bộ chỉ huy trực thuộc mang tên USCYBERCOM. Cơ quan đầu não mới này đặt trụ sở trong căn cứ quân sự Fort Meade ở bang Maryland.

Đến ngày 31-10-2010, USCYBERCOM đã đủ khả năng hoạt động toàn diện.

Hiện nay, đô đốc Michael S. Rogers giữ chức tư lệnh USCYBERCOM đồng thời là giám đốc Cục An ninh quốc gia (NSA), cơ quan phụ trách tình báo điện tử của Bộ Quốc phòng.

Tháng 4-2015, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tài liệu dày 33 trang về chiến lược tác chiến mạng trong năm năm tới. Lần đầu tiên từ sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001, Lầu Năm Góc đánh giá nguy cơ chiến tranh mạng còn cao hơn nguy cơ khủng bố.

Lầu Năm Góc xác định các mối đe dọa bao gồm quân sự lẫn kinh tế, liên quan đến các tác nhân nhà nước (như Nga, Trung Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên) và các tác nhân phi nhà nước (như IS, bọn tội phạm trên mạng).

Chiến lược tác chiến mạng xác định năm mục tiêu chủ yếu: xây dựng và duy trì lực lượng và năng lực sẵn sàng tác chiến trong không gian mạng; bảo vệ hệ thống thông tin và dữ liệu của Bộ Quốc phòng, giảm thiểu mọi nguy cơ đe dọa; sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ Mỹ và các lợi ích sống còn của Mỹ đối với mọi hình thức tấn công mạng, chuẩn bị các giải pháp không gian mạng hiệu quả để ngăn chặn leo thang xung đột và làm chủ xung đột; xây dựng và duy trì các quan hệ đồng minh và đối tác quốc tế vững chắc để đáp trả các mối đe dọa chung.

Để thực hiện chiến lược này, Lầu Năm Góc dự trù đến năm 2018 sẽ hoàn thành xây dựng lực lượng tác chiến không gian mạng. 

Lực lượng gồm 6.200 quân gồm các thành phần quân sự, dân sự và lao động hợp đồng, được chia làm 133 đội tác chiến, trong đó khoảng 1.600 quân sẽ giữ nhiệm vụ tấn công hệ thống mạng kẻ thù.

Tác chiến không gian mạng: Chiến lược không gian mạng của Mỹ - Ảnh 3.

Đô đốc Michael S. Rogers, tư lệnh USCYBERCOM kiêm giám đốc NSA - Ảnh: NSA

Năm 2018 của USCYBERCOM

Bước ngoặt trong chiến lược tác chiến mạng xảy ra vào ngày 18-8-2017. Tổng thống Donald Trump giao cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mathis nhiệm vụ nghiên cứu khả năng tách USCYBERCOM khỏi NSA.

Dự kiến trong năm 2018, USCYBERCOM sẽ trở thành bộ tư lệnh chiến đấu hợp nhất với chức năng tương tự các bộ tư lệnh khu vực như Bộ tư lệnh Mỹ ở Trung Á và Trung Đông (US CENTCOM), Bộ tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương hay Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt Mỹ (US SOCOM). Khi đó, USCYBERCOM sẽ nhận chỉ thị trực tiếp từ bộ trưởng quốc phòng.

Theo Tổng thống Trump, mục đích nâng cấp USCYBERCOM nhằm tăng cường tác chiến trong không gian mạng và tạo thêm nhiều cơ hội để bảo vệ quốc gia.

USCYBERCOM chỉ huy ba lực lượng gồm lực lượng bảo vệ quốc gia, lực lượng tác chiến và lực lượng bảo vệ không gian mạng. Lực lượng bảo vệ quốc gia làm nhiệm vụ bảo vệ hệ thống mạng phục vụ mạng lưới điện, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng. 

Lực lượng tác chiến hỗ trợ USCYBERCOM lập kế hoạch và tiến hành tấn công mạng. Lực lượng bảo vệ mạng phụ trách bảo vệ hệ thống mạng Bộ Quốc phòng.

Tóm lại USCYBERCOM sẽ điều phối hoạt động của các đơn vị tác chiến mạng thuộc các binh chủng hải, lục, không quân, thủy quân lục chiến và 133 đội tác chiến.

Hiện thời chưa rõ USCYBERCOM tách khỏi NSA lúc nào. Luật về thẩm quyền quốc phòng Mỹ chỉ cho phép tách hai cơ quan với điều kiện không làm suy giảm năng lực của các bên. Dù sao đi nữa, đến nay Mỹ không có ý định thành lập binh chủng riêng về tác chiến mạng. 

Pháp có vẻ đồng tình với quan điểm này. Chuẩn đô đốc Arnaud Coustillière phụ trách Tổng cục Các hệ thống thông tin và liên lạc thuộc Bộ Quốc phòng Pháp cho rằng mỗi binh chủng vẫn cứ tiếp tục phát huy sức mạnh và chỉ cần cung cấp nguồn nhân lực cho lực lượng tác chiến mạng khi cần thiết.

NATO sẽ thành lập trung tâm tác chiến mạng

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết năm 2016, hội nghị thượng đỉnh NATO ở Ba Lan đánh giá tấn công mạng là mối đe dọa, và không gian mạng là môi trường quân sự như trên bộ, trên biển, trên không.

Các nước đã quyết định đưa phòng vệ mạng vào quy chế phòng thủ tập thể.

Ông này cho biết hiện NATO có đội ngũ 200 người bảo vệ hệ thống mạng của NATO và đội can thiệp nhanh sẵn sàng hỗ trợ các nước. NATO đã dự kiến thành lập một trung tâm tác chiến không gian mạng.

Cuối tháng 11-2017, NATO đã tổ chức cuộc diễn tập phòng vệ mạng Cyber Coalition lớn nhất từ trước đến nay tại Estonia.

____________

Kỳ tới: Đội quân bí mật của Nga

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,187,743       318