TTO - Tự do hàng hải, ổn định khu vực ở Biển Đông là trách nhiệm của tất cả, không chỉ các nước liên quan mà còn là các nước bên ngoài, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn trên đài Úc.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) trả lời phỏng vấn Đài SBS của Úc
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi trả lời phỏng vấn với Đài SBS (Úc) ngày 18-3.
Chưa có chuyện Úc gia nhập ASEAN
Tại buổi phỏng vấn trên, Phó thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng trong quan hệ song phương giữa Úc và Việt Nam cũng như của Úc với ASEAN.
Theo ông, ASEAN là một thị trường lớn đối với Úc. Hiện nay có hơn 650 triệu người sống ở khu vực ASEAN nên đây là tiềm năng rất lớn cho quan hệ Úc - ASEAN, xét tới những lợi thế mà Úc đang nắm giữ về khoa học kỹ thuật, giáo dục.
Trong vấn đề an ninh, Úc và ASEAN có cùng lợi ích chiến lược đóng góp để Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Biển Đông trở thành khu vực hòa bình, thịnh vượng, cũng như xa hơn là tôn trọng luật lệ.
"Về mặt an ninh, chúng ta chia sẻ chung một tầm nhìn về cấu trúc quy định. Úc tôn trọng tính trung tâm của ASEAN, sự đoàn kết và chúng ta cũng chia sẻ với nhau quan điểm rằng cần phải xây dựng một khu vực hòa bình, thịnh vượng, ổn định và những con người tôn trọng an ninh hàng hải", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, mối quan hệ giữa Úc và ASEAN xuất hiện nhiều tín hiệu gắn kết hơn. Thậm chí vào ngày 16-3, có thông tin cho biết Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định ý tưởng Úc gia nhập ASEAN là "một ý tưởng tốt".
Mặc dù có những phân tích cho thấy câu nói của ông Widodo nhiều khả năng bị hiểu nhầm, nhưng trả lời Đài SBS ngày 18-3, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định đây là thời cơ tốt để Úc tiến gần tới ASEAN hơn và hiểu ASEAN hơn dù đây chưa phải lúc: "Bạn biết đấy, ASEAN là tổ chức của khu vực các quốc gia Đông Nam Á. Và hiện tại vào lúc này, thật ra chúng tôi không có thảo luận nào về việc mở rộng ASEAN. Dĩ nhiên, có Timor Leste đang xin gia nhập ASEAN mà chúng tôi thì chưa nghĩ tới khả năng này".
Chào đón thiện chí bảo vệ an ninh
Trong cuộc phỏng vấn, phóng viên SBS nói rằng Việt Nam đang quan sát câu chuyện Biển Đông một cách khá "riêng tư". Ngược lại Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã thảo luận về các bước triển khai hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông thì liệu Việt Nam có chào đón không.
Đáp lại, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam hoan nghênh tất cả các quốc gia tôn trọng quy tắc luật pháp quốc tế, luật pháp về biển, công ước về luật biển… Chính vì vậy, Việt Nam chào đón tất cả các phát biểu, các lập trường của các nước miễn là tôn trọng luật quốc tế, công ước quốc tế về luật biển để giữ hòa bình, ổn định trong các vùng tranh chấp, và cũng tôn trọng các biện pháp phi quân sự.
"Biển Đông là một con đường hàng hải rất quan trọng. Và tất cả các nước, thậm chí trong hay ngoài khu vực, đều cần tự do hàng hải, cần đảm bảo an toàn, cần ổn định khu vực. Và tôi nghĩ đó là trách nhiệm của tất cả các nước, không chỉ các nước liên quan mà còn là các quốc gia bên ngoài khu vực này", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói với Đài SBS.
Tại Biển Đông, Úc là một trong những nước nổi bật thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc vài năm nay. Phóng viên đặt câu hỏi rằng nhìn từ quan điểm của Úc, các hành động của Trung Quốc gây lo ngại về leo thang căng thẳng cũng như tiềm năng có hành động quân sự xảy ra, vậy thì Việt Nam có quan ngại hay không.
Đáp lại, Phó thủ tướng khẳng định ASEAN và Trung Quốc đang thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Tuy nhiên những phê chuẩn COC tính tới nay chưa đầy đủ. Và nhìn chung, đây không phải mối quan ngại của riêng Việt Nam, mà là toàn thể ASEAN cũng như các nước khác.
"Chúng tôi cần một COC ràng buộc về pháp lý. Điều đó nghĩa là chúng tôi đều hiểu nếu không ràng buộc pháp lý để ngăn chặn các nguy cơ xung đột, thì đó không chỉ là mối quan ngại của Việt Nam, không phải chỉ là mối quan ngại của chúng tôi. Đó là mối lo ngại của ASEAN, vì bất kỳ điều gì xảy ra ở Biển Đông cũng ảnh hưởng không chỉ tới sự ổn định, mà còn là sự thịnh vượng của khu vực. Dĩ nhiên nó ảnh hưởng tới tất cả các nước ASEAN và tất cả các nước khác nữa, những đối tác xung quanh. Vì thế nó không chỉ là mối quan ngại của chúng tôi mà là quan ngại của khu vực", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Việt Nam sẵn sàng chào đón đàm phán Mỹ - Triều
Trong những ngày qua, Việt Nam thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về khả năng tổ chức, làm trung gian cho cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Trả lời về điều này, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói: "Chúng tôi chào đón tất cả các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, vì chúng tôi luôn mong muốn hòa bình và ổn định cho bán đảo Triều Tiên, nên bất kỳ bước đi nào theo hướng ấy chúng tôi đều hoan nghênh. Tôi chắc rằng nếu họ chọn Hà Nội hay bất kỳ nơi nào ở Việt Nam thì chúng tôi cũng chào đón. Bởi vì chúng tôi có quan hệ với cả hai nước, Mỹ và Triều Tiên. Đó là một diễn biến đáng chào đón trong khu vực".