TTO - Nhân vật có thể thủ đoạn, tàn ác, nhưng phim phải lý giải được hợp lý. Thủ đoạn đến mức phi lý như nhân vật Diệu trong ‘Cả một đời ân oán’ chỉ khiến khán giả phẫn nộ.
Trailer phim Cả một đời ân oán
Tập 27 Cả một đời ân oán đã đưa khán giả đến đỉnh điểm cảm xúc căm ghét nhân vật Diệu, cô con dâu ghê gớm, nanh nọc của gia tộc họ Vũ.
Nhân vật Diệu (Lan Phương đóng) được xây dựng là một cô gái thông minh, mồ côi cha mẹ, sớm phải bươn trải nên tính cách có phần thực dụng, tính toán.
Nhưng vì tình huống trong phim đặt ra không hợp lý, nên nhân vật Diệu bị chuyển sang thái cực phản cảm.
Điều mà khán giả cảm thấy phi lý đến mức không thể chịu được là tại sao nhân vật Diệu với những mánh khóe hết sức sơ hở lại có thể khuynh đảo cả một gia tộc toàn những người làm ăn kinh doanh từng trải, dày dạn kinh nghiệm.
Để giành lấy vai trò điều hành hoạt động từ thiện của bà Lan (Mỹ Uyên), Diệu đã dùng kế ngăn bà Lan đến sự kiện đúng giờ. Thậm chí Diệu còn đổi thuốc (dành để phát tại sự kiện từ thiện) loại tốt thành loại dởm nhằm hạ uy tín của bà Lan.
Diệu dùng lời nói của mình để thuyết phục các thành viên trong gia đình đi trước, sau đó cô thuyết phục chồng chở đi, bỏ bà Lan ở nhà. Khán giả không tin cớ giản đơn này giúp Diệu qua mặt được các thành viên Vũ gia dễ dàng.
Mặt khác, khán giả cũng không tin một cô dâu mới về nhà chồng muốn thâu tóm tài sản của gia đình nhà chồng lại có thể dại dột giành quyền theo kiểu này.
Hồng Đăng và Hồng Diễm trong phim "Cả một đời ân oán" - Ảnh: VTV
Ngoài ra phải kể đến tình huống Diệu nói dối gia đình là bà Mai (Minh Phương) bị xơ gan giai đoạn cuối. Đây là một tin tức có thể gây náo động cho các thành viên gia tộc họ Vũ, nhưng cuối cùng tất cả đều tin Diệu dễ dàng.
Khán giả Thanh Thanh bình luận trên trang facebook Cả một đời ân oán: "Mình chỉ quan tâm chi tiết này, thấy phim lố quá! Bệnh nan y mà toàn những người thành đạt lại đi nghe lý thuyết của Diệu. Vô lý! Ngoài đời, Phong có dễ chấp nhận kết quả bệnh đó không?".
Nhân vật Diệu được xây dựng thậm xấu. Cô dùng thủ đoạn với bà Mai, một người mẹ chồng hết mực tử tế của chính mình. Ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh đau đớn (bị sảy thai), cô tiếp tục đổ vấy tội cho chồng.
Ở đời làm gì có chuyện đó!
Kịch bản Cả một đời ân oán làm lại từ bộ phim Cô dâu bạc triệu của Đài Loan (Trung Quốc). Kịch bản gốc vốn dĩ có nhiều phi lý, trong đó biên kịch ra sức dồn ép nhân vật đến bước đường cùng để tạo kịch tính.
Ở bản Việt hóa, khán giả trông chờ sẽ có một câu chuyện hợp với bối cảnh Việt Nam hơn.
Ban đầu Cả một đời ân oán tạo được không khí riêng. Nhưng xem ra trên cái nền kịch bản cũ, biên kịch của ta cũng không có cao kiến gì hơn.
Đại gia Quang (Mạnh Cường) và con trai cả Đăng (Mạnh Trường) - Ảnh: VTV
Ngay cái cớ đầu tiên để tạo xung đột đã vô lý. Đại gia Quang sau khi phát hiện mình có con rơi là Phong (Hồng Đăng), đã đưa mẹ con Phong về sống chung với đại gia đình của mình, gây ra vô vàn rắc rối.
Những cái cớ để giải thích cho sự việc nói trên, cũng như quyết định miễn cưỡng của Phong và mẹ khi về Vũ gia khiến khán giả thấy khó tin. Nhiều khán giả cho biết họ chấp nhận tình huống này chỉ vì đây là… phim. Ngoài đời không có ai lại làm như ông Quang.
Trong phim còn có vô vàn những tình tiết khiên cưỡng khác. Để Đăng (Mạnh Trường) phát hiện ra vợ anh - Dung (Hồng Diễm) từng yêu em trai cùng cha khác mẹ là Phong (Hồng Đăng), biên kịch để Phong cho con của Đăng mượn máy ảnh.
Khi Đăng cầm máy ảnh, anh phát hiện ảnh của Phong và Dung thời còn yêu nhau. Khán giả khó tin một con người thận trọng, thông minh như Phong lại có thể hớ hênh đến thế.
Khoét sâu mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu
Tuy vậy Cả một đời ân oán dù nhiều tình tiết phi lý nhưng vẫn hút khán giả. Ngoài yếu tố phim có dàn diễn viên đẹp, quay đẹp, thì rất có thể mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu là một yếu tố hấp dẫn khán giả.
Sau khi Sống chung với mẹ chồng gây cơn sốt thì mối quan hệ nhạy cảm này là một mảnh đất màu mỡ cho các biên kịch khai thác.
Tuy nhiên nhiều người trong nghề cho rằng, các bộ phim truyền hình, thậm chí điện ảnh hiện nay đang lạm dụng khai thác mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu để "câu view".
Mỹ Uyên đóng vai bà Lan, một người mẹ chồng khắt khe - Ảnh: VTV
Không chỉ Sống chung với mẹ chồng, mà trong Cả một đời ân oán mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu được xây dựng rất xấu, thiếu những chi tiết nhân văn cho thấy nét đẹp trong các gia đình Việt Nam.
Nhân vật Dung là người con dâu hiền lành, chịu đựng. Còn bà Lan là mẫu mẹ chồng khó tính, khắt khe quá quắt với con dâu.
Ngay cả khi Dung (không biết bơi) nhảy xuống hồ cứu con riêng của chồng, nhưng vẫn bị mẹ chồng khiển trách là "có mỗi việc trông con mà cũng không xong".
Còn hình ảnh cô con dâu Diệu, như đã nói ở trên, được xây dựng quá xấu xa, đầy thủ đoạn khiến khán giả cảm thấy sợ.
Trong thời gian phát sóng Sống chung với mẹ chồng, ngoài khán giả yêu thích bộ phim này, cũng có nhiều gia đình không xem, vì họ cho rằng bộ phim sẽ khoét sâu thêm mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn dĩ luôn nhạy cảm.
Dù cuộc đời không thiếu chuyện mẹ chồng - nàng dâu đau lòng, nhưng một bộ phim chỉ khai thác mối quan hệ này một chiều, dễ khiến giá trị thẩm mĩ, giá trị nhân văn của những bộ phim bị giảm sút. Xem xong khán giả khó thu lại được điều gì.