TTO - Những người bạn đồng niên áo sờn vai đạp xe cọc cạch đến thắp nén nhang cho ông Hai Khải (tên thân mật người dân huyện Củ Chi đặt cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải).
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại hội thảo khoa học "Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập" ngày 17-3-2015 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 17-3, tang lễ nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã được người nhà tổ chức tại tư gia ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Ngồi lặng lẽ ở góc nhà tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Thành, 84 tuổi rưng rưng nước mắt khi nhắc đến ông Hải Khải, tên thân mật người dân ở xóm gọi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
"Mấy tháng nay không thấy ông Hai Khải xuống đình uống trà, nói chuyện. Hỏi thăm mới biết ông bị bệnh, chưa có dịp thăm thì ông đã đi xa…".
Gần 10 năm nay, nhiều người dân gần đình Tân Thông thấy ông Hai Khải cách tuần lại ngồi uống trà, nói chuyện với những người bạn đồng niên như ông Thành.
"Điều đáng quý ở ông Sáu dù nguyên thủ quốc gia nhưng ông Sáu rất gần gũi, sống chan hòa với những người dân, hay giúp đỡ những trường họp khó khăn", ông Thành nhớ lại.
Vì vậy ở lễ tang không chỉ những tổ chức mà rất nhiều người nông dân sờn vai áo, đạp xe đạp cộc cạch tới ngồi lặng lẽ chờ được thấp nén nhang cho người "bạn trà".
Người dân xếp hàng vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng ở huyện Củ Chi, TP.HCM tối 17-3 - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Bà Nguyễn Thị Bé, một trong những người giữ đình Tân Thông nghẹn ngào khi có ai nhắc tới ông Hai Khải.
Bà Bé và chồng là người giữ đình Tân Thông mấy chục năm nay, từng được ông Hai Khải giúp đỡ khi gia đình gặp khó khăn.
"Mấy bữa hay tin ông Hai Khải bệnh, tôi có qua bệnh viện thăm nhưng chưa gặp được thì nay…. ông đã rồi", bà Bé xúc động.
Dù tang lễ mang tính chất nội bộ gia đình trước khi được tổ chức quốc lễ nhưng đông đảo các đoàn thể, doanh nghiệp và người dân đã đến viếng.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người có công trong việc đưa Luật doanh nghiệp đi vào cuộc sống, tạo nền tảng cho nhiều doanh nghiệp phát triển khởi sắc, vì thế rất nhiều doanh nghiệp đã đến chia buồn.
Năm nay đã 83 tuổi, đi lại khó khăn nhưng ông Nguyễn Chấn, Chủ một công ty du lịch ở quận 3, vẫn nhờ người thân đưa đến viếng.
"Rất nhiều công trình hạ tầng trên địa bàn thành phố đều có công của ông Khải. Dù là nguyên thủ nhưng ông rất giản dị, chan hòa với nhân dân", ông Chấn nghẹn ngào.
Đại biểu Quốc hội Trương Trong Nghĩa, cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, một trong những người có mặt tại Củ Chi lúc này, nhắc lại các kỷ niệm về một vị lãnh đạo "sâu sắc, chịu lắng nghe".
"Ước gì bác Sáu Khải còn sống để chúng tôi được đề xuất những vấn đề của đất nước và lại được ông tiếp nhận, trao đổi…", ông Nghĩa chia sẻ.
Theo đánh giá của người từng có 8 năm thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và bàn luận với "ông Sáu Khải", các quyết sách thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải đưa ra "ít bị phản ứng, không phải thu hồi".
"Có thể nói thời điểm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại vị đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, hội nhập với thế giới", đại biểu Nghĩa bồi hồi.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thành Đạt chia sẻ rằng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người gắng bó với sự phát triển của ngành giáo dục nói chung cũng như đại học quốc gia TP.HCM nói riêng.
"Sinh thời bác Sáu Khải căn dạn Đại học quốc gia phải nỗ lực nghiên cứu khoa học để phục vụ đất nước. Chúng tôi luôn nhớ cũng như thực hiện theo những lời dăn dò của bác Sáu Khải", ông Đạt chia sẻ về người Chủ tịch danh dự của Quỹ phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM.