TTO - Tại Indonesia, nhiều tổ chức mà đặc biệt là Binh đoàn Hồi giáo trên mạng (MCA) tung tin giả nhằm kích động thù hằn và bất ổn xã hội, nhất là khi nước này sắp bước vào cuộc bầu cử.
Cảnh sát Indonesia đã tiến hành một loạt vụ bắt giữ tội phạm trên mạng trong thời gian gần đây - Ảnh: AFP
Uy tín và hình ảnh chính phủ khoan dung, chế độ đa nguyên của Indonesia đã bị thách thức trong những tháng gần đây bởi các nhóm bảo thủ và cực đoan khai thác phương tiện truyền thông để truyền bá những điều giả dối nhắm vào các cộng đồng thiểu số.
Tin giả kích động đã có từ năm 2014
Đây không phải là lần đầu tiên các tin tức thất thiệt xuất hiện trên mạng tại Indonesia. Năm 2014, trong cuộc bầu cử tổng thống, một chiến dịch quy mô cũng đã được phát động nhằm chống lại ông Joko Widodo - đương kim tổng thống Indonesia.
Một minh chứng rõ nét nhất là cuộc bầu cử thị trưởng Jakarta cuối năm 2016 đầu năm 2017.
Hàng trăm ngàn người Hồi giáo bảo thủ đã xuống đường, tràn ngập trung tâm thủ đô Jakarta sau khi xuất hiện một video được cắt ghép cho thấy Basuki Tjahaja Purnama, biệt danh Ahok, thị trưởng gốc Hoa theo Công giáo đầu tiên của Jakarta, có những lời lẽ báng bổ kinh Koran.
"Binh đoàn Hồi giáo trên mạng (MCA) đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá các nội dung chống lại ông Ahok và những người không theo Hồi giáo ở Indonesia", ông Savic Ali, người đứng đầu cơ quan truyền thông của Nahdlatul Ulama - tổ chức Hồi giáo ôn hòa lớn nhất Indonesia, cho biết.
Những động thái gần đây của chính phủ cho thấy sự lo ngại của họ trước những ảnh hưởng ngày càng lớn và nguy hại của tin tức giả đối với cuộc bầu cử 2019.
Binh đoàn Hồi giáo trên mạng là gì?
Gần đây, cảnh sát đã triệt thoái và tiến hành khoanh vùng các đối tượng nằm trong một nhóm tự xưng là "Binh đoàn Hồi giáo trên mạng" (MCA), thực chất là một liên kết lỏng lẻo các nhóm khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là chống đối Chính phủ Indonesia và kích động chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram.
Theo các chuyên gia, MCA gồm ít nhất 4 nhóm khác nhau, lan truyền tin giả, tin thất thiệt thông qua các bot tự động, đôi khi tấn công trực tiếp vào các tài khoản của đối tượng.
Hãng thông tấn AFP dẫn nguồn tin từ cảnh sát cho biết hai trong số nhiều tin tức dối trá mà MCA phát tán là chuyện hàng chục giáo sĩ bị những người cánh tả đánh đập và sự trỗi dậy của các đảng phái cộng sản ở Indonesia.
Ông Gatot Eddy Pramono, người đứng đầu bộ phận các vấn đề xã hội của Cảnh sát quốc gia Indonesia, cho biết nhóm này muốn gây bất ổn trong chính phủ và "tạo ra xung đột xã hội".
Hồi tháng trước, Bộ Thông tin truyền thông Indonesia thông báo đã triển khai các phần mềm mới nhằm xác định và loại bỏ tin giả. Trước đó, ông Widodo cũng tuyên bố thành lập cơ quan an ninh mạng mới vào tháng 1-2018.
Tuy nhiên, thực tế cho dù có triệt phá các nhóm như MCA vẫn không thể ngăn được sự lớn mạnh của tin tức giả nếu người dân không phân biệt được đâu là thật đâu là giả.
Điều đó đồng nghĩa Chính phủ Indonesia nên tích cực tuyên truyền với người dân về cách thức phân biệt song song với các nỗ lực trấn áp các nhóm tin tức giả.