Sống khỏe

Nan giải ngăn đánh cá trái phép

TTO - Ngăn chặn đánh bắt cá trái phép chỉ đơn giản bằng lệnh cấm thì không bền vững, nhất là ở những nước đang phát triển.

Nan giải ngăn đánh cá trái phép - Ảnh 1.

Đại biểu tham gia Đối thoại biển lần 2 tổ chức ngày 15-3 - Ảnh: Q.TRUNG

Ngăn chặn đánh bắt cá trái phép chỉ đơn giản bằng lệnh cấm thì không bền vững, nhất là ở những nước đang phát triển, nơi phần lớn ngư dân nghèo khó và vẫn quen với đánh bắt cá bằng phương tiện thô sơ.

Đó là một trong những ý kiến đáng chú ý tại Đối thoại biển lần 2 chủ đề "Hợp tác nghề cá ở Biển Đông" diễn ra tại Hà Nội sáng 15-3. Sự kiện do Học viện Ngoại giao phối hợp với Viện Konrad-Adenauer và Đại sứ quán Úc tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia Việt Nam và khu vực.

“Tôi không mong muốn nhìn thấy một tương lai mà trên bàn ăn của trẻ em chỉ có những loại thức ăn nhanh như KFC hay McDonald's mà không có những loại cá giàu chất dinh dưỡng và protein

Đại úy Sebastian

Tiến thoái lưỡng nan

TS Shafiah F. Muhibat, nghiên cứu viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia, cho biết 95% ngư dân ở quốc gia vạn đảo này là đánh bắt quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực, phương tiện đánh bắt cá bền vững.

"Ở Indonesia, đa số ngư dân đánh bắt bằng công cụ thô sơ, lưới giã cào, nhưng nếu cấm họ đánh bắt theo cách này thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các cơ chế hợp tác khu vực chưa giải quyết được. Các quốc gia cần có chính sách mạnh mẽ hơn về việc giáo dục và nhận thức cho ngư dân, cũng như chuyển đổi công cụ đánh cá cho ngư dân" - bà Muhibat phát biểu.

Theo bà Shafiah F. Muhibat, Indonesia có khoảng 20 hiệp định song phương có hiệu lực với các nước trong khu vực nhưng thách thức chính là kỹ thuật, công nghệ và những chính sách cụ thể liên quan đến IUU (đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý).

PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, thẳng thắn nhận định "việc EU rút thẻ vàng cho Việt Nam là do chúng tôi chưa tuân thủ tốt". 

Tuy vậy, theo ông Ca, sau khi Việt Nam nhận thẻ vàng từ Liên minh châu Âu, có các dấu hiệu cho thấy số lượng đánh bắt cá IUU ở Việt Nam đã giảm đi do Chính phủ Việt Nam áp dụng các hình phạt rất nặng đối với những vi phạm này. 

Về việc ngăn đánh bắt cá IUU, ông Ca kiến nghị cần có cơ chế kiểm soát lượng cá, bao nhiêu cá trong một mùa, mức trần đánh bắt cá tại khu vực lãnh hải chung.

Đại úy Martin A. Sebastian, lãnh đạo Trung tâm Ngoại giao và an ninh hàng hải thuộc Học viện Hàng hải Malaysia, cho rằng để ngăn tình trạng đánh bắt cá IUU, các quốc gia trong khu vực cần tập trung thiết lập các cơ chế kiểm tra, nguồn gốc, xuất xứ, cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác.

Cần hỗ trợ ngư dân

TS Hà Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu chiến lược Học viện Ngoại giao và là người điều phối Đối thoại biển lần 2 - đặt vấn đề rằng các nước trong khu vực có cơ chế hợp tác hiệu quả nhưng vì sao lượng cá trong khu vực vẫn suy giảm.

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Thanh Ca cho biết lượng cá suy giảm do hai nguyên nhân chính, đó là đánh bắt quá mức và dùng các cách thức trái phép như nổ mìn, lưới giã cào và cải tạo, xây đảo nhân tạo. "Riêng việc Trung Quốc tiến hành cải tạo đảo ở Biển Đông đã ảnh hưởng đến 160km2 rạn san hô, gây thiệt hại khoảng 5 tỉ USD" - ông Ca nhấn mạnh và yêu cầu các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế để bảo vệ môi trường biển.

TS Muhibat cho biết một trong những điểm yếu chính của ngành khai thác cá ở Indonesia là 95% trong tổng số 2,2 triệu người làm việc trong lĩnh vực này là các ngư dân truyền thống. Những ngư dân này thiếu nguồn lực và vốn để khai thác tiềm năng thủy sản khổng lồ trong vùng biển của Indonesia. Đa số những ngư dân này sử dụng các con tàu đánh cá nhỏ và ngư cụ truyền thống, khiến họ không thể tiếp cận những vùng biển nước sâu để đánh bắt những mẻ cá lớn. Họ cũng tiếp cận hạn chế nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Theo bà Muhibat, Chính phủ Indonesia tiếp tục cải thiện các chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống cho ngư dân và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực khai thác cá. Những chính sách này bao gồm mở 6 lĩnh vực cho đầu tư nước ngoài, cung cấp các ngư cụ cho ngư dân, các thiết bị lưu trữ và xử lý cá như các con tàu đánh cá hiện đại và khu vực đông lạnh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận tài chính.

Bà Wang Guan, nghiên cứu viên về biển đến từ Trung Quốc, cho biết nước này có rất nhiều kinh nghiệm trong khai thác giá trị của các loài thủy sản để nâng cao thu nhập cho ngư dân. Theo bà Wang, cá tươi và sản phẩm từ cá là rất khác nhau. Những loại cá được chế biến hay những món quà làm từ cá có giá trị lớn hơn rất nhiều so với cá tươi. Ngoài ra, Trung Quốc còn có nhiều cơ chế, chính sách cho ngư dân bán trực tiếp cá đến người tiêu dùng mà không thông qua các bên trung gian để đảm bảo ngư dân khai thác tốt nhất giá trị của cá. "Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này với các nước trong khu vực" - bà Wang nói.

IUU - theo Liên minh châu Âu - là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,190,237       911