TTO - Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghép phổi từ người cho chết não. Trước đó, đầu 2017 có một ca ghép phổi từ người cho còn sống tại bệnh viện 103.
Anh Đặng Quang Hanh ở ngày thứ 16 sau ghép. Trước ca ghép anh mắc chứng phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối rất nặng - Ảnh: BVCC
Sáng 16-3, Bệnh viện T.Ư quân đội 108 công bố ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não đầu tiên ở VN.
Theo ông Mai Hồng Bàng, giám đốc Bệnh viện 108, người hiến tặng tạng là một quân nhân 45 tuổi chết não sau tai nạn.
Ngoài tặng phổi cho bệnh nhân của ca ghép này là anh Đặng Quang Hanh (52 tuổi, ở Nam Định), còn có 2 người được ghép giác mạc, một người được ghép tim, 2 người được ghép thận. Trong đó, tim và một quả thận được vận chuyển xuyên Việt để ghép cho bệnh nhân ở phía Nam.
Để thực hiện được 6 ca ghép gần như cùng lúc, ông Bàng cho hay kíp phẫu thuật lấy và ghép tạng của Bệnh viện 108 gồm 60 người đã lấy tim, gan, phổi, giác mạc, thận của người hiến, phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia để điều phối các ca ghép.
Một quả thận và trái tim được ghép tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện 108 ghép phổi, một quả thận và một giác mạc. Giác mạc còn lại ghép tại Bệnh viện Mắt T.Ư.
"Sau khi kíp phẫu thuận lấy tim của người hiến, Trung tâm điều phối đã chuyển tim vào hộp đựng chuyên biệt đưa lên máy bay đi TP.HCM, sau đó quả thận được chuyển tiếp đi chuyến bay sau đó. Việc phối hợp phải được tính toán từng phút vì tim và phổi không để quá 6 giờ sau khi lấy khỏi cơ thể người hiến. Thận để được lâu hơn nhưng không quá 18 giờ" - ông Bàng cho biết.
Đến nay, 16 ngày sau ghép phổi, ông Bàng cho biết bệnh nhân Hanh đã tự thở được, các chỉ số sức khỏe đang trong quá trình bình phục.
Các bệnh nhân được ghép tim, thận, gan, giác mạc cũng đều đã ổn định.
Theo ông Bàng, sau ca ghép này, từ nay đến năm 2021 Bệnh viện 108 sẽ tiếp tục triển khai ghép khối tim phổi, ghép tim, ghép chi thể, ghép tử cung, ghép ruột...