TTO - "Nhà giáo là lực lượng quyết định thành công của đổi mới giáo dục, chất lượng nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục".
"Vì vậy, đề nghị rà soát, sửa đổi Chương nhà giáo căn cơ, khẳng định vị thế của nhà giáo trong luật và thông qua hệ thống chính sách...", chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã khẳng định như vậy khi trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT bị "nhắc" phải quan tâm hơn đến chính đội ngũ nòng cốt của mình. Phiên bản dự thảo luật ban đầu của bộ cũng đã bị "truy" về sự mờ nhạt trong những quy định liên quan đến nhà giáo.
Vậy thật sự vị thế của lực lượng quyết định thành công đổi mới giáo dục đang đứng ở đâu? Xét theo dòng chảy lịch sử, sự tôn vinh người thầy đã trở thành giá trị kế thừa từ đời này sang đời khác.
Một đứa trẻ mới cắp sách đến trường cũng tự ngấm vào mình giá trị trân quý thầy cô, "nhất tự vi sư, bán tự vi sư".
Nhưng ở xã hội hiện đại, chỉ nhìn ra giá trị của người thầy là chưa đủ. Một vị giáo sư từng là hiệu trưởng trường ĐH sư phạm trọng điểm cho rằng giá trị ấy phải được đánh giá bằng cả vật chất và tinh thần. "Nếu cái đánh giá bằng vật chất không tương xứng thì tinh thần bị suy giảm".
Đồng lương ít ỏi, đã có những nhà giáo đánh mất giá trị người thầy. Hệ lụy nguy hại hơn là ngành sư phạm đã hoàn toàn đuối sức trong cuộc đua hút thí sinh giỏi vào học.
Đón mùa tuyển sinh 2018, Bộ GD-ĐT đặt quyết tâm cao nâng tầm ngành đào tạo giáo viên và nghề giáo: chỉ học sinh giỏi mới đủ tiêu chuẩn xét vào trường sư phạm, rồi cũng chỉ còn lại duy nhất ngành sư phạm bị bộ khống chế chỉ tiêu và điểm sàn xét tuyển...
Những ngày này, câu chuyện về hành xử trong môi trường giáo dục hiện đại khiến nhiều người vốn tôn trọng lễ nghĩa không khỏi chạnh lòng. Đã có chuyện một phụ huynh hạ nhục người dạy con mình, một học sinh bóp cổ cô giáo ngay giữa lớp học...
Cũng trong những ngày này, câu chuyện về gần 600 giáo viên đứng trước nguy cơ mất việc sau khi tốn cả đống tiền chạy chọt khiến dư luận sững sờ. Đau xót hơn, có hiệu trưởng đã thừa nhận cầm hàng trăm triệu đồng cho một suất xin việc...
Hi vọng những chuyện buồn ấy chỉ là lát cắt rời rạc, lẻ tẻ, không thể tiêu biểu hay phổ biến trong các nhà trường.
Có điều, môi trường giáo dục vẫn đang tiếp tục xấu đi bởi những hành động được coi là "lẻ tẻ", "không phải bản chất", nhưng tác hại khôn lường và chậm được ngăn chặn kịp thời.
Nếu không có cảnh báo và xử lý thích đáng của cơ quan quản lý cũng như ý thức của chính những chủ thể trong cuộc: thầy cô - phụ huynh - học trò, thì việc phát sinh những câu chuyện buồn hơn thế nữa, có sức tàn phá môi trường giáo dục ghê gớm hơn nữa không có gì khó hiểu.