Sống khỏe

Stephen Hawking, người khiêu vũ với... xe lăn

TTO - 'Tôi cá là mình sẽ được mô tả như một người khuyết tật trầm trọng, nhưng đó không phải cách tôi nhìn về mình', Stephen Hawking từng chia sẻ.

Stephen Hawking, người khiêu vũ với... xe lăn - Ảnh 1.

2/3 cuộc đời Stephen Hawking gắn với xe lăn nhưng ông vẫn lạc quan - Ảnh: houstonpublicmedia.org

Năm 1963, ở tuổi 21, Stephen Hawking bị chẩn đoán mắc chứng bệnh hiểm nghèo xơ cứng teo cơ (ALS). 

Với chứng bệnh vẫn chưa có thuốc chữa này, người bệnh sẽ dần bị liệt hoàn toàn do não không còn khả năng điều khiển các cơ vận động. 

Theo thời gian, người bị ALS sẽ dần hoàn toàn lệ thuộc vào người khác trong sinh hoạt thường ngày như tắm, mặc quần áo, ăn và thậm chí là nói. 

80% những người bị ALS qua đời trong vòng 5 năm sau khi mắc bệnh, và chính các bác sĩ điều trị cũng tiên lượng ông chỉ có thể sống tối đa thêm 2 năm. Nhưng ông đã trụ được tới 55 năm sau khi biết mình mắc bệnh. 

Lập thuyết về ý chí con người

"Tôi đã cố gắng sống cuộc đời bình thường nhất có thể, và không nghĩ về tình trạng của mình, cũng như không hối tiếc về những thứ ngăn cản tôi một số việc mà tôi nghĩ là không quá nhiều", nhà bác học đã viết trên trang web của ông.

"Tôi đã may mắn vì tình trạng bệnh của mình diễn biến chậm hơn so với mức độ thông thường. Nhưng nó cũng cho thấy là mọi người không nên đánh mất hy vọng".

Những thành tựu của nhà khoa học lỗi lạc Stephen Hawking

Hơn 5 thập kỷ sống chung với bệnh, ông vẫn tiếp tục sự nghiệp vật lý lý thuyết, góp phần "định nghĩa lại" không chỉ một mà tới hai lần về vũ trụ.

Cùng với nhà vật lý Roger Penrose, ông Hawking đã hợp nhất thuyết tương đối rộng của Einstein với lý thuyết vật lý lượng tử để nêu giả thuyết vũ trụ và thời gian sẽ bắt đầu với vụ nổ Big Bang và kết thúc trong các hố đen. 

Cũng chính ông là người đã khám ra các hố đen không hoàn toàn đen mà còn tỏa ra các bức xạ (sau này được gọi là bức xạ Hawking) và rốt cuộc chúng sẽ bốc hơi và biến mất.

Năm 1977, khi ông 35 tuổi, đại học Cambridge đã có một cử chỉ tôn vinh chưa từng có tiền lệ với ông. Họ thành lập một vị trí đặc biệt, giáo sư ngành vật lý hấp dẫn. Ở độ tuổi quá trẻ như vậy, phần lớn các học giả Anh chưa bao giờ được phong giáo sư thực thụ (full professor). 

Hai năm sau, ông trở thành giáo sư Lucasian (chức danh giáo sư toán học danh giá của Đại học Cambridge (Anh) mà người từng ở vị trí đó là nhà bác học lừng danh Isaac Newton).

Stephen Hawking, người khiêu vũ với... xe lăn - Ảnh 3.

Nhà vật lý vũ trụ Stephen Hawking - Ảnh: GETTY

Khi khả năng nói sa sút đi nhiều, mọi giao tiếp với ông chỉ có thể thông qua ba "phiên dịch viên" hiếm hoi: cô y tá thường trực chăm sóc ông 24/24, một cử nhân thường đồng hành cùng ông trong những chuyến di chuyển xa và vợ ông. 

Tuy nhiên năm 1985, trong lần tới Geneva (Thụy Sĩ), ông gần như nghẹt thở sau khi bị viêm phổi ở đó. Các bác sĩ đã làm phẫu thuật mở rộng đường thở, và để cứu sống ông, họ buộc phải vĩnh viễn hủy bỏ khả năng nói. 

Từ đó trở đi, ông chỉ có thể "nói" được thông qua một thiết bị tổng hợp ngôn ngữ được điều khiển bằng máy tính với các chuyển động nhẹ của bàn tay.

Đúng với cá tính hiếm khi phàn nàn, điều duy nhất ông bực mình với thiết bị này là nó khiến ông chuyển sang nói bằng giọng… Mỹ, mà không phải tiếng Anh mẹ đẻ. Lý do vì nó được chế tạo tại California.

Khiêu vũ với... xe lăn

Stephen Hawking, người khiêu vũ với... xe lăn - Ảnh 4.

Stephen Hawking từng hóm hỉnh rằng nếu có cơ hội được gặp mặt hoặc Newton hoặc nữ diễn viên Marilyn Monroe, ông sẽ chọn gặp nữ diễn viên - Ảnh: houstonpublicmedia.org

Bất kể việc dành tới 2/3 cuộc đời trên chiếc xe lăn, nhà khoa học chưa bao giờ cảm thấy bị hạn chế vận động. Ông từng mang cả xe lăn lên một… sàn nhảy ở thành phố New York. 

Năm 1978, trong khi "biểu diễn" về sự linh hoạt trên chiếc xe lăn trước mặt Thái tử Charles bằng cách xoay tròn, ông thậm chí còn nghiến cả bánh xe vào ngón chân của thái tử!

Trong những năm gần đây, bệnh trạng của ông tiếp tục xấu thêm, tới mức ông chỉ còn có thể cử động được một vài cơ mặt và ngón tay. Tuy thế ông vẫn luôn vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Nhà bác học này có lần hóm hỉnh nói, nếu có cơ hội được gặp mặt hoặc Newton hoặc nữ diễn viên Marilyn Monroe, ông sẽ chọn gặp ngôi sao điện ảnh!

Trong bài phát biểu năm 1989, ông từng chia sẻ suy nghĩ về tình trạng bệnh của mình: "Tôi cá là mình sẽ được mô tả như một người khuyết tật trầm trọng, nhưng đó không phải cách tôi nhìn về mình.

Thực sự thì tôi thấy mình là một nhà khoa học không may bị khuyết tật, cũng giống như việc tôi bỗng dưng có thể bị mù màu vậy. Hầu hết con người đều bị khuyết tật hay khiếm khuyết ở một phương diện nào đó.

Tôi có thể bị khuyết tật nhiều hơn so với nhiều người, nhưng nó cũng chỉ ở những phương diện vật lý và có thể nhờ người khác hoặc các thiết bị hỗ trợ như xe lăn hay máy tính. Tôi đã rất may mắn vì tình trạng khuyết tật đã không cản trở tôi được làm những gì tôi thực sự muốn, đó là vật lý".

Stephen Hawking, người khiêu vũ với... xe lăn - Ảnh 5.

Stephen Hawking: "Thực sự thì tôi thấy mình là một nhà khoa học không may bị khuyết tật" - Ảnh: REUTERS

Ông cũng chưa bao giờ thích nói về những tình huống giả định kiểu "nếu như". Ông chưa từng băn khoăn về chuyện nếu không bị khuyết tật ông có thể đã đạt được những thành tựu nào.

"Tôi nghĩ là mọi chuyện rất có thể sẽ khác rất nhiều. Tôi đã làm hầu như tất cả những gì tôi muốn. Dù thế nào cũng chẳng có gì hay khi nghĩ theo kiểu chuyện đó có thể sẽ thế nào", ông nói.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,196,911       769