Sống khỏe

Sống xanh ở Úc

TTCT - Trong lúc VN chúng ta đang bắt đầu thực hành lối “sống xanh” thì nhiều nước trên thế giới đã quen và vui sống với phong cách này. Nước Úc là một trong số đó.

Dòng sông Torrens xanh biếc ở TP Adelaide (Úc), nơi mọi người dễ dàng nhìn thấy đàn thiên nga đen thảnh thơi bơi lội. Ảnh: Q.N.
Dòng sông Torrens xanh biếc ở TP Adelaide (Úc), nơi mọi người dễ dàng nhìn thấy đàn thiên nga đen thảnh thơi bơi lội. Ảnh: Q.N.

Ở bang Tây Úc, dù là vùng nông thôn hay chốn đô thành, người ta đều có thể hòa mình vào “môi trường xanh”, thưởng thức “thực phẩm xanh”, cùng người dân “vận động xanh”, tạo dựng nhiều “thói quen xanh”.

Từ môi trường xanh...

Khách sạn Alex nhỏ nhắn nơi tôi dừng chân - ở trung tâm của Perth, thủ phủ bang Tây Úc, được ca ngợi là một trong những TP đáng sống nhất thế giới - ít khi còn phòng trống, có lẽ vì duy trì phong cách “sống xanh” tạo ấn tượng đặc biệt cho du khách. Nước uống trong phòng khách sạn được đựng trong chai thủy tinh kèm dòng chữ “hãy thưởng thức và giữ lại chai, chúng tôi sẽ châm thêm nước lọc cho bạn mỗi ngày”.

Thay vì có một quầy đồ uống riêng trong mỗi phòng, quản lý khách sạn tạo một không gian chung với những bộ bàn ghế xinh xắn ở tầng lửng để khách có thể xuống đó lấy nước, pha trà, cà phê bất cứ lúc nào. Tiếp tân ở khách sạn giải thích cách này vừa giúp tiết kiệm điện, vật dụng, vừa mang lại cho khách có cảm giác thân thiện, gần gũi khi vào bếp pha trà, cà phê như ở nhà. Dĩ nhiên khách có thể mang các thức uống về phòng, nhưng đa số đã chọn ngồi lại không gian chung đó để trò chuyện hoặc đọc sách, báo, lướt web.

Ở những vùng đi qua, chúng tôi rất dễ thấy những ngôi nhà có lắp hệ thống pin mặt trời. Nhà cửa hiện đại thường được thiết kế để lấy nhiều ánh sáng rực rỡ, nguồn năng lượng tự nhiên của đất trời. Ở một vài TP, chính quyền địa phương tổ chức xe buýt miễn phí trong giờ hành chính để giảm thiểu phương tiện cá nhân trên đường phố, giảm ô nhiễm. Có những chuyến xe lửa cho phép hành khách rinh luôn xe đạp lên toa xe, để khách thoải mái dùng xe đạp “vi vu” khi xuống tàu.

Thực phẩm “organic” (hữu cơ) được thẩm định đúng chuẩn ngày càng phổ biến ở Úc. Những chai nước trái cây organic ba không: không hóa chất, không chất bảo quản, không đường ngày càng được yêu thích. Hầu hết quán ăn hay tiệm cà phê mà tôi đã vào đều có sẵn những thực đơn đồ chay cho khách lựa chọn.

Khái niệm “môi trường xanh” có vẻ như ăn sâu trong nhận thức của dân Úc. Một cái lọ đựng gia vị cũng có thể tái chế thành chiếc bình cắm hoa xinh xắn, và người Úc đang dần bỏ thói quen dùng túi nilông và đồ nhựa.

Chúng tôi đến khu vực Margaret River ngay dịp nhà làm rượu vang nổi tiếng của Úc là Leeuwin Estate mở hội. Mỗi năm chỉ một lần, Leeuwin Estate mở cửa cho khách tham quan vườn nho, hầm rượu và cửa hàng trong điền trang rộng lớn nhất vùng của họ.

Hôm đó, hơn 6.000 khách đến dự hội, mỗi người được phát một ly rượu vang bằng thủy tinh để thử sản phẩm. Thức ăn là hàng tươi, được đựng trong những chiếc thuyền bằng tre. Muỗng, nĩa và cả dao cũng làm từ gỗ tre, tuyệt nhiên không “chơi” với đồ nhựa. Hàng trăm gian hàng ở lễ hội đều ưu tiên cho các sản phẩm làm thủ công (handmade), hữu cơ, từ thực phẩm đến trang sức, đồ dùng nhà bếp, xà phòng, sản phẩm dưỡng da, làm đẹp.

...đến “vận động xanh”

Nhiều khách sạn mini những nơi tôi đến có dàn xe đạp để sẵn ngay lối vào. Có vẻ như người Úc rất muốn truyền đi thông điệp “vận động xanh”, khi chuẩn bị những chiếc xe đạp bắt mắt và hoàn toàn miễn phí cho khách.

Đây đó ở những góc phố xinh xắn bỗng xuất hiện một cây đàn piano đầy mời gọi với dòng chữ “easy piano” dành cho ai muốn nghỉ chân, dạo vài ngón đàn sau khi ngắm phố. Nghệ nhân Úc cũng rất chú trọng tạo những điểm nhấn ngoài trời để người dân hay du khách thêm hào hứng hòa mình vào thiên nhiên. Hai tác phẩm The Rainbow (Cầu vồng) và Arcs d’Ellipsesở TP Fremantle, Tây Úc là những ví dụ. The Rainbow là vòm cổng cao 9m, dài 19m, được ghép bằng chín chiếc container tái chế đầy màu sắc.

Nghệ sĩ Marcus Canning, người Perth và là “cha đẻ” của The Rainbow, chia sẻ: “Điều tôi tâm đắc nhất khi tạo tác phẩm này là việc chính quyền địa phương đã đồng ý cho lắp những ổ cắm điện bên dưới The Rainbow để mọi người không chỉ đến đây chụp ảnh kỷ niệm mà còn có thể tổ chức các sự kiện, những buổi tiệc hay dã ngoại ngay trên bãi cỏ tuyệt đẹp vừa trông ra xa lộ vừa nhìn ra biển”.

“Chúng tôi thực hiện những tác phẩm nghệ thuật công cộng này để mời mọi người đến đây hít thở bầu không khí trong lành, ngắm cảnh đẹp và trò chuyện cùng nhau” - ông nói thêm.

Arcs d’Ellipses, tác phẩm nghệ thuật ảo giác quang học của nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Felice Varini, là những vầng sáng màu cao đến 800m, được chiếu “dán” lên 25 kiến trúc cổ kính kéo dài từ Nhà tròn - Round House (nhà tù cổ từ năm 1830) đến Tòa thị chính - Town Hall ở TP Fremantle. Nhiều du khách đã tìm đến nơi có tác phẩm nghệ thuật sắp đặt độc đáo này để chụp hình, thưởng thức cà phê và mua sắm dọc con phố cổ kính, nhỏ xinh.

Ông Jim Cathcart, giám đốc Trung tâm nghệ thuật Fremantle (Tây Úc), cho biết 2 tác phẩm trên chỉ là số ít trong hơn 50 tác phẩm nghệ thuật công cộng ở Fremantle. “Chúng tôi sẽ đầu tư để có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng độc đáo nhằm tạo không gian sống thư giãn và trong lành cho mọi người. Hiện thời, chúng tôi có kế hoạch dựng một tác phẩm pop arts (nghệ thuật đại chúng) với mức đầu tư lên đến 1 triệu đôla” - ông Jim Cathcart tiết lộ.■

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,197,550       742