TTCT _ Ô Loan là đầm nước lợ nổi tiếng của tỉnh Phú Yên, có diện tích mặt nước hơn 1.250ha, giữa đầm có những ngọn núi nhỏ gọi là hòn Khô, hòn Chùa, hòn Lao. Cạnh đó là vũng Lắm, vũng Diều...
Đầm O Loan |
Trên bờ có ghềnh Hàu, ghềnh Mũi, xóm Đá, xóm Lưới Gõ. Gần một thế kỷ qua, người dân 5 xã An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Hiệp sống ven đầm Ô Loan (huyện Tuy An) còn lưu giữ “dấu xưa”, sẩm tối bơi sõng câu (một loại xuồng nhỏ) ra đầm thắp đèn dầu đóng chấn bắt lịch huyết, tôm đất, cua gạch.
“Công nghệ” đèn dầu
Xóm nhà 5 xã đều ngửa mặt ra đầm. Trong nhà có điện nhưng nhà nào cũng “sắm” đèn dầu, ban đêm ra đầm đi đóng chấn. Đi đóng chấn, một tấm chấn cắm 3 cây sào, 2 cây cắm ở miệng chấn và 1 cây cắm ở yếm chấn (rốn chấn). Tấm chấn cũng giống như cái đó, nhưng đan bằng sợi cước.
Còn đèn chấn là cây đèn dầu bình thường nhưng được “độ thêm” đặt lên trên tấm gỗ nhỏ, lấy chai nhựa cắt bỏ phần đuôi chai đậy đèn lại cho khỏi tắt. Từ miếng gỗ uốn một vòng sắt theo chiều cao của chai vừa giữ chai đứng vừa làm quai treo, phía trên quai dùng tấm tôn mỏng lận vào vòng sắt trên cổ chai.
Cái chai nhựa “ôm” đèn dầu, phía trong có cái bóng thủy che gió nữa nên gió mạnh cỡ nào thổi ngọn đèn cũng không lung lay, còn mưa to có tấm chắn phía trên đèn dầu cũng không “ngợp thở”. Tấm tôn ngoài có tác dụng ngăn nước mưa, chắn gió lọt vào và có công dụng làm chá đèn chiếu ngược ánh sáng xuống đầm. Thấy ánh sáng từ ngọn đèn dầu, cá, tôm đất, lịch huyết, cua gạch... “bắt mắt” bơi đến miệng chấn rồi tiến vào chỗ treo đèn dầu, lọt vào rốn chấn...
Đèn dầu tự chế của người dân đầm Ô Loan. Ảnh: M.H.N. |
Từ tháng 1 đến tháng 9, người dân đi đóng chấn chủ yếu bắt tôm đất, cua gạch - đặc sản trong đầm. Tôm đất sống trong môi trường tự nhiên đầm Ô Loan xếp vào loại thượng hạng. Không cầu kỳ chế biến mà chỉ cần hấp, nướng, tôm đất có vị ngọt thanh tao, ăn một lần thèm dài dài. Cua gạch ở đầm Ô Loan ngon, béo. Khi hấp hoặc luộc, nướng, gạch của cua có vị béo thanh tao, chấm muối giã ớt xiêm với lá é trắng, ăn một lần thèm dài dài.
Còn mùa nước “ói” (từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa mưa lũ, nước từ nhánh sông Kỳ Lộ đổ về làm nước trong đầm dâng cao, đục ngầu, người dân quanh vùng gọi là mùa nước “ói”), lịch huyết sống trong đầm nước lợ bị sốc nước ngọt, trồi đầu lên. Lúc này, người dân sống ven đầm bơi sõng đóng chấn bắt lịch huyết.
Đặc điểm của lịch huyết là di chuyển vào ban đêm, còn ban ngày nằm yên một chỗ. Giữa không gian tối om, lại sống trong môi trường nước ói đang cay mắt nên lịch huyết tìm đến chỗ có ánh sáng...
Lịch huyết bắt về lấy lá duối chà sạch nhớt, sau đó trở sống dao dần cho xương mềm rồi chặt thành từng khúc. Ướp hành tiêu, nghệ với nước mắm nhỉ, dùng lá vông đồng hay lá lốt quấn nướng trên lửa than. Ăn xong, vị thơm ngon còn “níu kéo” đầu lưỡi.
Chuẩn bị đèn chờ màn đêm buông xuống ra đóng ngoài chấn giữa đầm |
Đèn dầu “thức” gần thế kỷ
Tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Thông (79 tuổi) ở Gành Hàu vừa đi thăm chấn về. Ngồi uống nước trà trước hàng ba, hỏi về nghề đóng chấn, ông mau miệng nói: “Tôi có thâm niên trên 50 năm chong đèn dầu đóng chấn trên đầm. Nghề đóng chấn này làm ăn từ xưa đến giờ cũng không lỗi thời, lại không có “tội” với đầm. Cũng giống như thả lưới, quăng chài không bao giờ có tác hại tới môi trường”.
Ông Thông có 4 người con, hiện đều đã lập gia đình. Cũng từ nghề truyền thống còn lưu giữ này, đêm nào ông cũng mưu sinh trên đầm đóng chấn khu vực vũng Lắm, vũng Diều, nuôi con trưởng thành. “Từ nghề của tôi, khi con cưới vợ lấy chồng, đứa nào cũng lo cái “nồi riêng” của nó bằng nghề đóng chấn. Với tôi, tuổi già vẫn bám nghề ban đêm chong đèn dầu đóng chấn” - ông Thông nói.
Sau những giờ vất vả là niềm vui. Ảnh: Dương Thanh Xuân |
Đang nói chuyện, ông ngó lơ ra đầm nhìn về phía hòn Khô rồi nói giọng buồn buồn: Thời gian qua, có người đánh bắt hủy diệt nên tôm, cá thưa dần. “Lớp trẻ bây giờ đua đòi, thấy người ta thả lờ ruột heo (dây bóng Thái Lan), châm điện cũng làm theo đánh bắt, đâu có nghĩ đến hậu quả.
Kiểu đánh bắt hủy diệt này không những khiến hải sản cạn kiệt, mà lớp con cháu sau này sẽ “đói” với các loại hải sản quý hiếm trong đầm” - ông Thông than. Ông Bùi Long (76 tuổi), người chuyên làm nghề đóng chấn ở xóm Lưới Gõ, cũng thao thức: “Đi đóng chấn bắt cua, cá, tôm nhưng vẫn giữ lại “tài sản” dưới đầm, chỉ bắt lứa cua to, cá to. Còn thả lờ ruột heo, châm xung điện thì hủy diệt từ hải sản lớn đến hải sản mới mở mắt. Có những năm hải sản trong đầm cạn kiệt”.
Mưu sinh trên đầm “thức” cùng ngọn đèn dầu trên 50 năm quen rồi, bây giờ tuổi già, ông Long có thăm bà con ở đâu xa cũng không quá 3 ngày là khăn gói về lại với đầm chong đèn dầu đóng chấn. Ông mong sao đừng ai đi châm điện, thả lờ ruột heo nữa vì loại này “hại” lắm!
Bám đầm đóng chấn gần 40 năm qua, ông Trần Văn Vịnh, ở xóm Đá, kể: Mình “nuôi” ngọn đèn dầu bắt con cá, con tôm. Hải sản dưới đầm nuôi lại 4 miệng ăn trong gia đình. Người dân sống ven đầm, từ cái nhỏ nhất như mua quyển vở, cây viết cho con đi học đến cái lớn hơn là mua cái tủ, cái bàn, có người sắm vàng cũng nhờ nguồn lợi thủy sản từ đầm mà ra.
Tren dam O Loan, ảnh Dương Thanh Xuân |
“Mới đây họp thôn, tôi phát biểu ý kiến mong sao đừng có ai đánh bắt hủy diệt, cứ thắp sáng ngọn đèn dầu đánh bắt truyền thống để đầm no trở lại. Năm nay, nhiều người đóng chấn trong đầm thấy phấn khởi vì tôm đất, lịch huyết xuất hiện, dần dà hồi sinh” - ông Vịnh nói.
Ông Vịnh nhẩm tính nghề đóng chấn có từ đời ông nội ông đến đời ba ông và đến nay nữa, tính ra đèn dầu thắp sáng trên đầm Ô Loan đã trên 100 năm. Hiện nay, mỗi đêm có trên 100 người mưu sinh trên đầm, mỗi người đóng ít nhất 20 tấm chấn, nghĩa là có cả ngàn ngọn đèn dầu trên đầm Ô Loan.
Buổi tối đứng trên cầu Long Phú (bắc qua đầm Ô Loan), nhiều người ở xa đến đều ngạc nhiên vì “lạ mắt” với đèn dầu. Đèn dầu đóng chấn là đèn hột vịt, trong số hàng ngàn ánh đèn dầu sáng trưng có ngọn đèn bị lu (sáng mờ) do bóng đèn lấm lem khói chưa được chùi rửa. Tuy có ngọn đèn dầu bị lu xấu xí, nhưng ánh sáng pha trộn sắc màu làm đẹp đầm Ô Loan.■