TTO - Giữa bối cảnh thế giới mong chờ cuộc gặp Kim - Trump vào tháng 5 tới, mọi nhất cử nhất động đều được chú ý. Và giờ xuất hiện thông tin Nghị viện châu Âu đã 14 lần đối thoại bí mật với Triều Tiên trong 3 năm qua.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong một lần thăm Đại học Sư phạm Bình Nhưỡng và khiến các sinh viên khóc ngất vì cảm động - Ảnh: AFP
Một phái đoàn thuộc Nghị viên châu Âu (EP) ngày 14-3 tiết lộ trong ba năm qua, họ đã tổ chức các cuộc gặp bí mật với Triều Tiên để thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán và dừng chương trình hạt nhân của nước này, theo hãng tin AFP.
Phái đoàn này được dẫn đầu bởi ông Nirj Deva - một chính trị gia của Anh và là thành viên EP. Họ đã gặp các quan chức cấp cao Triều Tiên, trong đó có các bộ trưởng, tất thảy 14 lần và lên kế hoạch tổ chức một cuộc gặp khác ở Brussels (Bỉ) trong nay mai.
Tiết lộ ‘phút chót’
"Chúng tôi đã bí mật gặp các quan chức cấp cao Triều Tiên trong 14 lần. Chúng tôi hiểu được các lo ngại của họ và họ cũng hiểu được các quan ngại của chúng tôi" - ông Deva phát biểu tại một cuộc họp báo của Nghị viện châu Âu ở thành phố Strasbourg của Pháp.
Thông tin về các cuộc gặp bí mật này được tiết lộ vào thời điểm hết sức quan trọng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 5 tới.
Người dẫn đầu phái đoàn trên cho biết các nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã lắng nghe những lo ngại của Triều Tiên và thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Chúng tôi đã phân tích cho họ nghe rằng nếu họ tiếp tục chương trình tên lửa và bom hạt nhân, điều đó sẽ chỉ dẫn tới một kết cục không thể tránh khỏi - thứ mà khó có thể tưởng tượng nổi"
Nghị sĩ châu Âu Nirj Deva
Nghị sĩ Deva cho biết ông cùng các đồng sự đã "không ngừng chủ trương giải quyết thông qua đối thoại không có điều kiện kiên quyết" để chấm dứt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Vị nghị sĩ của Anh cho biết phái đoàn của ông cũng đã gặp các quan chức cấp cao ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để đối thoại nhằm đạt mục tiêu một "bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa có thể xác minh được".
Các thành viên Nghị viện châu Âu tham gia một phiên bỏ phiếu ngày 14-3 ở thành phố Strasbourg của Pháp - Ảnh: AFP
Liệu chăng những cuộc gặp bí mật trên phần nào đã đưa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi tới quyết định dùng biện pháp ngoại giao như hiện nay?
Theo lời chính trị gia người Anh này, phái đoàn của ông đã có vai trò trong việc phát triển "các biện pháp xây dựng lòng tin", giúp ích cho cuộc đối thoại sắp tới giữa Mỹ và Triều Tiên.
Bên cạnh đó, ông nói thêm các biện pháp trừng phạt được Liên minh châu Âu (EU) áp đặt nhằm vào Triều Tiên cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán. "Điều này diễn ra một phần vì các biện pháp trừng phạt đã bắt đầu ngoạm vào người nghèo, chứ không phải tầng lớp giàu có" - ông Deva phân tích.
Tại sao ông Kim Jong Un muốn gặp ông Trump?
Tuần trước, sau chuyến làm việc của đặc phái viên Hàn Quốc tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắn tin nhận lời mời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong tháng 5.
Đây là một bước đột phá đáng hoan nghênh theo sau các hoạt động ngoại giao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong sự kiện Thế vận hội mùa đông ở PyeongChang hồi tháng 2.
Theo bình luận của phó giáo sư Andrew Yeo - thành viên tổ chức phi chính phủ Ủy ban quốc gia về Triều Tiên (NCNK) và hiện giảng dạy tại Đại học Công giáo Mỹ - trên báo Washington Post của Mỹ ngày 14-3, có 3 nguyên nhân lý giải tại sao Triều Tiên chìa "cành ô liu" và quay lại con đường ngoại giao hiện nay.
Câu hỏi về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) sẽ gặp ông Kim Jong Un ở đâu và sẽ nói những gì hiện vẫn còn bỏ ngỏ - Ảnh: AFP
Thứ nhất, rất có thể Triều Tiên đã đạt được "năng lực hạt nhân" toàn diện. Chỉ với việc sở hữu năng lực có khả năng răn đe Washington, Bình Nhưỡng mới có thể tự tin như vậy để nhảy vào bàn đàm phán so với những động thái rụt rè trước đây.
Tháng 11-2017, Triều Tiên đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới có tên gọi Hwasong-15. Độ cao và góc bắn trong vụ thử ICBM này cho thấy tên lửa Triều Tiên đủ khả năng để chạm đất "bất kỳ ngõ ngách nào của nước Mỹ".
Triều Tiên thời điểm đó tuyên bố vụ thử đã thành công vang dội. Nhà lãnh đạo Triều Tiên tự tin phát biểu rằng quốc gia của ông "cuối cùng đã nhận thức được nguồn cơn lịch sử của việc hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia".
Giới phân tích cho rằng Triều Tiên có thể đã sở hữu công nghệ cho phép các tên lửa nước này có thể "tái xâm nhập" vào bầu khí quyển Trái đất thành công.
Ảnh chụp ngày 29-11-2017 cho thấy tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên - Ảnh: REUTERS
Thứ hai, Triều Tiên xuống nước và quay lại bàn đàm phán có thể vì các biện pháp trừng phạt về kinh tế đã có tác dụng.
Chính quyền ông Trump đã quyết tâm thực hiện chiến dịch "gây áp lực tối đa" nhằm bóp nghẹt túi tiền của Bình Nhưỡng. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders hôm 9-3 tuyên bố: "Hãy nhìn đi! Chiến dịch gây áp lực tối đa rõ ràng đã có hiệu quả".
Ngoài giả thuyết Triều Tiên hết đường lui, cũng còn một khả năng hết sức "nguy hiểm". Đó là nếu quả thật Triều Tiên đã đạt được đầy đủ "năng lực hạt nhân" như đã nêu, nước này có thể muốn thỏa hiệp để tập trung xây dựng mạnh thêm về kinh tế.
Điều này đi theo đúng mô hình song song Byungjin của Triều Tiên: Vừa chế tạo vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, khả năng này rất mong manh vì Mỹ sẽ không để yên cho Triều Tiên phát triển mạnh về kinh tế trong khi vẫn "thủ dao sau lưng" khiến Washington bất an.
Thứ ba, công tác ngoại giao của Hàn Quốc có thể đã chứng tỏ thành công. Seoul đã giữ vai trò chính trong việc thúc đẩy các cuộc đối thoại liên Triều cũng như Mỹ-Triều.
Theo sau thông điệp năm mới 2018 của ông Kim Jong Un, chính quyền Tổng thống Moon Jae In đã mở màn cho việc xoa dịu căng thẳng bằng cách hoan nghênh Triều Tiên cử đoàn thể thao tới tham dự Olympic PyeongChang và đề xuất Mỹ tạm dừng tập trận thường niên Mỹ - Hàn - "cái gai trong mắt" Bình Nhưỡng vào mỗi mùa xuân.
Tại sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế này, ông Moon đã có cuộc gặp với bà Kim Yo Jong - em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, và Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong Nam - người được coi là nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên.
Không lâu sau Olympic PyeongChang, phái đoàn Hàn Quốc, dẫn đầu là cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui Yong, đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng. Họ là những quan chức Hàn Quốc đầu tiên gặp mặt trực tiếp ông Kim Jong Un kể từ khi ông lên nắm quyền Triều Tiên cách đây 6 năm.
Và chính nhờ những động thái tích cực này của Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã tiếp nhận thông tin "vui nhất trong ngày" khi các quan chức Hàn Quốc chuyển tận tay thư mời của ông Kim Jong Un tới ông Trump.
Giờ đây, không những Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc mong đợi, cả thế giới cũng đang háo hức chờ xem cuộc gặp vào tháng 5 tới sẽ như thế nào và liệu ông Trump có thể giải quyết êm xuôi vấn đề Triều Tiên, không phải "lận đận lao đao" như các đời tổng thống Mỹ trước đây hay không.