TTO - Các chuyên gia luật của Nga nhận định sự khép kín của hệ thống thực thi pháp luật, bao gồm ngành cảnh sát, đã cản trở các nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ.
Tham nhũng trong ngành cảnh sát là một vấn nạn nhức nhối tại Nga - Ảnh: RIA Novosti
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, nhận định trên do luật gia người Nga Timur Khutov đưa ra nhằm góp thêm vào lời kêu gọi chống tham nhũng trong hệ thống công quyền, đặc biệt là ngành cảnh sát, của ứng viên Tổng thống Ksenia Sovchak.
Trước đó, trong các cuộc tranh luận trước thềm bầu cử, bà Sovchak đã nhấn mạnh vào sự cần thiết phải cải tổ triệt để ngành cảnh sát Nga để loại bỏ cốt lõi tham nhũng và thái độ không thân thiện với người dân.
"Cần phải huấn luyện lại con người, bắt buộc họ phải hành xử khác (với bây giờ) khi làm việc với những người họ tiếp xúc hàng ngày" - bà Sovchak kêu gọi.
Theo luật sư Khutov, "cốt lõi tham nhũng" trong ngành cảnh sát bà Sovchak đề cập có thể chia thành hai phương diện: một là thông lệ đề bạt "con ông cháu cha", thăng quan tiến chức nhờ tiền bạc; hai là nhận hối lộ.
"Phương diện thứ nhất đặc biệt phổ biến trong các cơ quan điều tra và công tố. Đấu tranh với hiện tượng này chỉ có con đường truy tố những người vi phạm. Tuy nhiên điều này bị cản trở bởi sự khép kín của hệ thống, phát hiện đã khó, buộc tội họ càng khó hơn" - luật sư Khutov giải thích.
Trường hợp thứ hai, theo vị chuyên gia, liên quan đến hành động nhận hối lộ (tiền, vật chất...) của các quan chức bảo vệ luật pháp, đổi lại một "ân huệ" pháp lý nào đó thuộc thẩm quyền của họ.
"Ví dụ, người ta từng biết một số trường hợp ngưng điều tra hình sự một cách bất hợp pháp. Ngoài ra, tham nhũng cũng tràn lan trong hệ thống thi hành án, và bên thiệt thòi nhiều nhất là người thân của các phạm nhân" - ông Khutov dẫn chứng.