TTO - Sau 30 ngày và gần 7.200km qua Myanmar, Thái Lan, Lào, đoàn thám hiểm đã đến Việt Nam và sẽ có 7 ngày khám phá tại đây.
4 nữ phượt thủ Ấn Độ tại Hà Nội - Ảnh: BÙI NGỌC HÀ
Trong buổi giao lưu tại Trung tâm Văn hóa Ấn Độ, họ đã được Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish đón tiếp và chia sẻ về chuyến đi này.
Đoàn xe 4 người do Jai Bharathi (36 tuổi) dẫn đầu với các thành viên Piya Bahadur (42 tuổi), Susan Shanti (35 tuổi) và Shilpa Balakrishnan (44 tuổi). Cuộc hành trình của họ dự kiến kéo dài 17.000km, đi qua 7 quốc gia Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và Bangladesh.
Hành trình 17.000km của các cô gái Ấn Độ - Ảnh do nhân vật cung cấp
Họ sẽ tới 19 di sản thế giới được UNESCO công nhận trên năm quốc gia, đồng thời chia sẻ và quảng bá về 35 di sản UNESCO của Ấn Độ với bạn bè quốc tế.
Ngày 10-3, họ đến Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Thanh Hóa), đến thăm Tràng An (Ninh Bình), Hạ Long (Quảng Ninh) trong hai ngày tiếp theo.
Shilpa Balakrishnan kể lại những ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Việt Nam: "Ngay đến cửa khẩu, tôi gặp vài người Việt, họ đã chào và nói 'Xin chào, chào mừng đến với Việt Nam!'.
Tại một khu chợ nhỏ cách cửa khẩu không xa, rất nhiều cánh tay vẫy chào chúng tôi ở hai bên đường. Đó thật sự là những con người thân thiện và đáng yêu".
Bốn người tại cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, cô cho rằng khó khăn lớn nhất khi phụ nữ lái xe một chặng đường dài là vấn đề sức khoẻ. "Trong chuyến đi này, chúng tôi đi qua nhiều địa hình như đường bộ, đi thuyền qua sông… Thời tiết cũng thay đổi thất thường, có khi trời đang nóng bỗng đột ngột trở lạnh, cơ thể không thể thích ứng kịp thời.
Chính vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng giữ sức khỏe tốt nhất có thể. Đó cũng là những thứ khiến chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn".
Jai Bharathi trao tặng quà kỷ niệm cho Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam - Ảnh: BÙI NGỌC HÀ
Chia sẻ về chuyến đi, Jai Bharathi cho biết "Chúng tôi đã chuẩn bị từ tháng 7-2017 với một ngũ sản xuất phim đi cùng. Trên thực tế, chúng tôi không gặp quá nhiều khó khăn, việc lái xe trên những con đường này khá an toàn. Tôi mong muốn chuyến đi của chúng tôi sẽ làm nổi bật những cơ hội du lịch an toàn cho phụ nữ ở Ấn Độ".
Cô kể thêm: "Trên đường đi, đôi lúc chúng tôi cũng dừng lại để ghi hình tại những nơi có phong cảnh đẹp. Nhiều xe cũng dừng lại xem có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi cởi bỏ mũ bảo hiểm, họ đều rất bất ngờ khi cả 4 người đều là phụ nữ".
Khi được hỏi về kinh nghiệm đi du lịch bằng xe máy, Piya Bahadur trả lời: "Bên cạnh việc chuẩn bị về các kỹ năng cũng như phương tiện đảm bảo an toàn, vấn đề về thủ tục xuất nhập cảnh và bằng lái xe quốc tế cũng là một điều quan trọng.
Khi chúng tôi đến Lào, hải quan đã hỏi chúng tôi rất nhiều về lịch trình, giấy phép lái xe, giấy tờ xe. Tuy nhiên mỗi quốc gia lại có một thủ tục khác nhau, cần tìm hiểu kỹ lưỡng về vấn đề này để không gặp phải rắc rối".
Piya Bahadur cùng chiếc xe gắn bó với cô hành trình dài - Ảnh: BÙI NGỌC HÀ
"Ngoài ra, khi đi du lịch, đừng chú ý quá nhiều vào màn hình điện thoại. Ta nên cất chiếc điện thoại đi, nhìn nhận và trải nghiệm mọi thứ bằng đôi mắt. Ta sẽ không biết về những nơi sắp đến, những người sắp gặp, đó có thể là những quang cảnh tuyệt đẹp, cũng có thể là những con đường gồ ghề... Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, hãy cứ lái xe và đón nhận mọi thứ, điều đó thật sự tuyệt vời", cô nói.
Trong đoàn thám hiểm, chị Piya Bahadur là một bà mẹ của hai đứa trẻ, đồng thời cũng là con gái của ông Naresh Bahadur, một tay lái kỳ cựu từng lái xe từ Mumbai đến Paris cùng 6 người bạn vào năm 1979. Cô muốn tiếp tục di sản của cuộc thám hiểm đường dài mà cha mình đã bắt đầu.
Những địa điểm tiếp theo của đoàn ở Việt Nam là Vinh, Huế, Mỹ Sơn (Quảng Ngãi) và Ngọc Hồi (Kon Tum).
Bốn người chụp ảnh kỷ niệm tại Trung tâm Văn hóa Ấn Độ (Hà Nội) - Ảnh: BÙI NGỌC HÀ
Bốn người phụ nữ đầy can đảm sẽ có 7 ngày khám phá Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tại Houaphan, Lào - Ảnh do nhân vật cung cấp