TTO - Nỗ lực tích góp, tằn tiện để mua nhà của những người đang có nhu cầu an cư dường như không đuổi kịp bước nhảy của giá nhà đất.
Giá nhà đất tăng vùn vụt, lan nhanh ra các quận, huyện vùng ven có nguyên nhân, như giáo sư Richard Peiser (ĐH Harvard, Mỹ) nêu ra tại hội thảo ngày 9-3 là do thiếu minh bạch dẫn đến lợi ích tập trung vào một nhóm các nhà phát triển bất động sản.
Giá nhà đất tăng từng ngày, không theo quy luật, dự báo cũng như tốc độ phát triển hạ tầng. Rất nhiều nhà đầu tư và người có đất hồ hởi, vui mừng nhưng cũng lắm người đang có nhu cầu an cư phải ngậm ngùi, lo lắng.
Nỗ lực tích góp, tằn tiện chi tiêu từ đồng lương ít ỏi để mua nhà của họ dường như không đuổi kịp bước nhảy của giá nhà đất. Cơ hội kiếm lợi khủng từ những cơn sốt giá nhà đất kéo dài càng khiến cuộc rượt đuổi theo giấc mơ an cư không có đích đến.
Trong khi đó, người thu nhập thấp, lao động nghèo cũng không thể trông vào các chương trình phát triển nhà ở xã hội. Với nguồn cung hạn chế, tiêu chuẩn xét duyệt và giá bán nhà ở xã hội khá cao nên nằm ngoài tầm với của phần đông người thu nhập thấp. Để có chỗ ở, họ chỉ còn cách tìm thuê nhà ở các khu trọ có hạ tầng kỹ thuật kém...
Vì thế cần phải có sự hỗ trợ, điều tiết của Nhà nước để "hạ nhiệt" cơn tăng giá nhà đất, tạo nguồn cung dồi dào nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội (bán, cho thuê) để đem cơ hội có được chỗ ở cho mọi người dân, nhất là người thu nhập thấp.
Sự can thiệp, hỗ trợ không phải là Nhà nước tham gia kinh doanh, mà là điều tiết thông qua chính sách, thuế. Trước hết, đó là minh bạch hóa các quy định liên quan đến đất đai, thông tin quy hoạch, phát triển thị trường tài chính để thị trường bất động sản phát triển theo hướng cạnh tranh, lành mạnh. Không để như lâu nay thị trường thiếu minh bạch, lợi ích tập trung vào một nhóm nhỏ các nhà đầu tư.
Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách tạo quỹ đất, nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Cùng với đó là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhanh các dự án nhà ở nhằm kéo giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành nhà ở.
Về lâu dài, cũng cần nhanh chóng nghiên cứu, khởi động chính sách thuế nhằm giảm nguồn lợi thu được từ bất động sản, hạn chế đầu cơ quá mức nhà đất. Tạo ra cơ hội nhiều hơn để nhà đất không phải qua lòng vòng nhiều tầng nấc mới đến tay người có nhu cầu an cư.
Thực tế cho thấy cứ nói đến việc điều tiết thuế, những nhà quản lý lo ngại ảnh hưởng đến thị trường bất động sản mà quên rằng số đông người dân đang bị đặt ngoài thị trường này bởi giá cả tăng có lúc vô lý, chẳng hiểu vì sao tăng nhưng vẫn cứ... tăng.
Làm lành mạnh thị trường bất động sản là khẩu hiệu ai cũng nói được, nhưng vẫn thiếu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu minh bạch, chưa thể đưa ra ánh sáng những góc khuất của thị trường thì giá bất động sản tăng nóng và kéo dài không còn là điệp khúc, mà là bài ca - liên khúc mà chẳng mấy người thu nhập thấp muốn nghe.