TTO - Bất chấp các diễn biến sôi động và những suy đoán, Bình Nhưỡng vẫn giữ thái độ im lặng đến khó hiểu trước cuộc gặp mang tính lịch sử với Mỹ và Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng em gái (phải) tiếp phái đoàn cấp cao Hàn Quốc ngày 6-3 tại Bình Nhưỡng. Nhiều diễn tiến mới đầy lạc quan đã xuất hiện sau cuộc gặp này - Ảnh: KCNA/REUTERS
"Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản hồi chính thức nào của Triều Tiên liên quan đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên" - ông Baik Tae Hyun, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11-3.
Các phương tiện truyền thông chính thức của Bình Nhưỡng chỉ đưa tin về chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Hàn Quốc vào đầu tuần trước. Gần như không có thông tin gì về lời mời của ông Kim Jong Un tới Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Tờ Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên hôm 10-3 thậm chí còn tuyên bố quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ không khuất phục trước sức ép quân sự và các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Thông tin ông Kim Jong Un ngỏ ý đối thoại với Tổng thống Mỹ Trump cũng như việc hai miền Triều Tiên sẽ gặp nhau trước cuối tháng 4 này ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm không xuất phát từ Bình Nhưỡng. Nó được phái đoàn Hàn Quốc công bố sau chuyến đi 2 ngày tới Triều Tiên.
Tổng thống Trump sau đó tuyên bố đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trước cuối tháng 5. Quyết định này ngay lập tức làm dấy lên các phản ứng trái chiều trong chính giới Mỹ.
Có vẻ như các diễn biến liên tục và những suy đoán trong hơn 1 tuần qua đã che lấp hoặc khiến người ta không nhận ra rằng cho đến giờ phút hiện tại, Bình Nhưỡng chưa hề lên tiếng về bất cứ cuộc gặp nào, cả với Hàn Quốc và Mỹ.
"Tôi có cảm giác họ đang tiếp cận vấn đề một cách dè dặt và cần nhiều thời gian hơn để tổ chức lại lập trường", đại diện Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định tại cuộc họp báo ngày 11-3.
Giáo sư Shin Beom Chul thuộc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc nhận xét sự im lặng của Triều Tiên có thể phản ánh một thực tế đang diễn ra ở Bình Nhưỡng. "Điều đó cho thấy giới lãnh đạo ở Triều Tiên không chắc chắn về khả năng các cuộc gặp sẽ diễn ra", ông Shin bình luận.
Thực tế nội bộ chính quyền Trump cũng đang phản ứng theo cách chưa thống nhất trước đề nghị từ Triều Tiên. Hôm 9-3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố ông Trump sẽ không gặp ông Kim Jong Un cho tới khi nào nhận thấy "các bước đi cụ thể và chắc chắn" của Triều Tiên.
Ấy vậy mà chỉ 2 ngày sau, trong thông cáo báo chí được gửi tới Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, một người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã bác bỏ ý kiến cho rằng chính quyền Mỹ đã đặt ra những điều kiện tiên quyết mới cho cuộc gặp thượng đỉnh này.
Quan chức này nêu rõ: "Tuyên bố của Thư ký báo chí Nhà Trắng về 'những hành động cụ thể' không liên quan tới các điều kiện tiên quyết mới. Thư ký báo chí đã truyền đạt rằng Triều Tiên phải giữ cam kết về việc giải trừ vũ khí hạt nhân cũng như không tiến thành thử hạt nhân và tên lửa trước cuộc gặp thượng đỉnh".
Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ Mike Pompeo thì trấn an theo kiểu chung chung hơn. "Tổng thống Trump không diễn kịch với Triều Tiên. Ông ấy sẽ giải quyết vấn đề này", ông Mike nhấn mạnh trong chương trình Fox News Sunday ngày 11-3.