TTO - Mới đây họa sĩ Nickolay Lamm cùng 3 chuyên gia về sinh học đã mô tả được sự khác biệt giữa hình ảnh hiện lên trong mắt loài mèo và trong mắt loài người.
Bạn có thắc mắc mèo nhìn thế giới như thế nào? - Ảnh: Getty Images
Khác biệt lớn nhất giữa mắt người và mắt mèo nằm ở giác mạc - một lớp mô sau cầu mắt chứa các tế bào cảm nhận thị giác.
Tế bào cảm nhận thị giác có vai trò chuyển các tia sáng thành tín hiệu điện, sau đó được các tế bào thần kinh xử lý truyền đến não, cuối cùng mã hóa thành hình ảnh chúng ta nhìn thấy.
Hai loại tế bào thị giác gồm tế bào hình que và tế bào hình nón. Tế bào hình que sẽ đảm nhận nhiệm vụ nhận biết các màu sắc đen, trắng, và các sắc thái màu xám, từ đó cho mắt biết hình dáng của vật. Đồng thời cũng nhờ tế bào hình que mà mắt thể nhìn thấy được trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc khi trời tối.
Trong khi đó, tế bào hình nón giúp mắt nhìn vào ban ngày và đảm nhiệm khả năng phân biệt màu sắc.
Mèo có số lượng lớn tế bào hình que nhưng rất ít tế bào hình nón, ngược lại với con người. Đây cũng là lý do vì sao con người chúng ta không nhìn rõ vào ban đêm nhưng có khả năng phân biệt màu sắc tốt.
Những bức ảnh dưới đây, hình nhìn được từ mắt người nằm phía trên, hình nhìn từ mắt mèo nằm phía dưới. Các bức ảnh được sắp xếp theo những đặc điểm của tầm nhìn.
Thị trường
Đây là khái niệm cập đến vùng không gian có thể nhìn thấy khi mắt tập trung vào một điểm đơn, bao gồm khoảng không phía trước, phía trên, bên dưới và 2 bên.
Mèo có thị trường rộng hơn một ít khoảng 200 độ so với trung bình 180 độ của con người.
Thị lực
Khái niệm này chỉ độ rõ khi mắt nhìn. Thị lực của người bình thường là 20/20. Trong khi đó thị lực của mèo chỉ từ khoảng 20/100 đến 20/200.
Thị lực 20/100 hay 20/200 có nghĩa là độ rõ tầm nhìn của mèo xa 20m bằng độ rõ của mắt người khi nhìn ở 100m hay 200m.
Do đó, thị lực của mèo kém hơn nhiều so với người, cũng là nguyên nhân làm cho bức hình về thị lực của mèo bị mờ.
Màu sắc
Nhiều người thường nhầm lẫn rằng mèo không phân biệt được màu sắc ngoại trừ những màu xám. Trong khi đó con người có 3 loại tế bào hình nón màu đỏ, xanh dương, xanh lá, từ đó có thể phân biệt đến hàng triệu màu.
Mắt mèo tương tự người bị mù màu khi có thể phân biệt những sắc thái màu xanh dương hay xanh lá nhưng khó biết được sắc đỏ hay sắc hồng.
Bức tranh qua mắt mèo gồm nhiều màu xanh lá hơn trong khi màu tím có thể biến thành một sắc thái màu xanh dương.
Độ xa
Mèo nhìn gần tốt và nhìn xa không tốt. Tầm nhìn gần tốt sẽ thích hợp cho việc săn bắt mồi.
Tầm nhìn ban đêm
Mèo không thể nhìn rõ các chi tiết của vật thể và không thấy nhiều màu nhưng có thể nhìn rất siêu vào ban đêm vì số lượng lớn tế bào hình que trong võng mạc rất nhạy cảm với ánh sáng mờ.
Nhờ vậy, mèo chỉ cần sử dụng 1/6 lượng ánh sáng của con người cần để nhìn trong đêm tối.
Ngoài ra, mắt mèo (cũng như nhiều loài động vật hoạt động về đêm khác) có một vũ khí đặc biệt: "tapetum lucidum" - lớp tế bào có tác dụng giống như chiếc gương nằm phía sau võng mạc.
Thường thì võng mạc thu nhận một phần ánh sáng đập vào mắt, nhưng lại để một phần khác đi qua. Lớp gương "tapetum lucidum" sẽ phản xạ phần lọt qua này trở lại võng mạc, khiến cho động vật có cơ hội "nhìn thấy" nó lần thứ hai.