Sống khỏe

Bước vào đường chạy toàn cầu

TTO - Tham gia CPTPP, Việt Nam đã bước vào cuộc đua mới, trong đó bắt buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực tế cho thấy không nâng cao năng lực cạnh tranh cũng đồng nghĩa là thất bại.

Bước vào đường chạy toàn cầu - Ảnh 1.

Tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ để hưởng những lợi ích về cắt giảm các dòng thuế, thu hút đầu tư nước ngoài mà lớn hơn là tạo sức ép cải cách với bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Thực tế cho thấy không nâng cao năng lực cạnh tranh cũng đồng nghĩa là thất bại.

Hãy nhìn lại quá trình hội nhập của Việt Nam. Lúc này chúng ta đang chứng kiến ảnh hưởng của việc mở cửa thị trường với ASEAN. Giá ôtô nhập khẩu vừa giảm tới gần 200 triệu, cùng đó là tranh cãi quyết liệt giữa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và những doanh nghiệp muốn nhập khẩu xe.

Liên tục, bền bỉ suốt hàng chục năm trời "kêu cứu", ngành mía đường lại đứng trước nguy cơ "chết" nếu không tiếp tục được hỗ trợ chính sách. Thực trạng bi đát của ngành này cũng bắt nguồn từ lộ trình giảm thuế trong ASEAN về 0%, khiến đường nội địa khó cạnh tranh được với hàng nhập giá rẻ.

Nhưng không phải cứ mở cửa là "chết". Cũng từng có lo ngại ngành sữa và chế biến sữa của Việt Nam sẽ khó khăn khi có chủ trương ký hiệp định thương mại tự do với Úc và New Zealand. 

Hay cũng đã có lo ngại đây sẽ là ngành chịu thách thức lớn khi các dòng thuế được cắt giảm trong ASEAN hay cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng đến nay ngành sữa Việt Nam vẫn vươn lên, có vị thế cạnh tranh trên chính sân nhà và còn hướng ra xuất khẩu.

Rõ ràng, thách thức đặt ra là rất lớn nhưng cũng sẽ tạo ra sức ép cho chính chúng ta phải thay đổi để tham gia vào chuỗi giá trị thế giới. Chúng ta sẽ đứng được, lớn mạnh hơn nếu tìm được bước thay đổi thích hợp.

Và tham gia sân chơi càng lớn thì đòi hỏi càng cao, cạnh tranh càng gay gắt. Với CPTPP đòi hỏi Việt Nam cần phải có những bước cải cách đột phá mạnh mẽ trong rất nhiều lĩnh vực để môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn. 

Nếu cải cách không đủ mạnh, thiếu đột phá sẽ không mang lại cơ hội như ta mong muốn. Bởi hội nhập là cần nhưng chưa đủ cho phát triển. Không có hội nhập sẽ khó phát triển, nhưng có hội nhập chưa chắc đã phát triển tốt. 

Do đó, việc kết hợp hài hòa giữa cải cách bên trong, đặc biệt là cải cách thể chế với cam kết hội nhập là rất quan trọng.

Nhưng trong các cải cách, cải cách thể chế lại là quan trọng nhất. 

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách bộ máy hành chính nhưng chưa đủ. Bởi cải cách thể chế là phải đạt được bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có tính giải trình cao và chất thị trường hiện đại và đầy đủ. 

Cần lưu ý rằng, hội nhập không chỉ là dành cho doanh nghiệp mà các chính phủ cũng cạnh tranh với nhau trong chính sách, làm sao phát huy thế mạnh, tận dụng được cơ hội, phát triển kinh tế đất nước.

Tham gia CPTPP, chúng ta đã bước vào cuộc đua mới, trong đó bắt buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Chúng ta cũng đã có quá nhiều bài học, kinh nghiệm để tin rằng sẽ có thêm những thành công như ngành sữa, hay thành tích xuất khẩu của nhiều ngành nghề như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản... và bớt đi những tiếng thở dài như đang xảy ra với ngành đường, ôtô...

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,199,563       453