TTO - Trong một phán quyết mang tính lịch sử ngày 9-3, Tòa án tối cao Ấn Độ tuyên bố công nhận quyền được chết của mỗi cá nhân, cho phép dừng các thiết bị hỗ trợ sự sống đối với bệnh nhân nan y và người hôn mê không thể hồi phục.
Ấn Độ cho phép ngừng các biện pháp hỗ trợ sự sống đối với bệnh nhân hôn mê hết hi vọng hồi phục - Ảnh: Brain Charm
Theo hãng tin Reuters, 5 thẩm phán thuộc Tòa án tối cao Ấn Độ chỉ định "cái chết nhân đạo" thụ động - tức việc ngưng các thiết bị hỗ trợ sự sống, chỉ được áp dụng với những người bệnh nan y không có hi vọng chữa khỏi.
Riêng "cái chết chủ động" - hình thức kết liễu sự sống bằng thuốc độc, tiếp tục bị xem là bất hợp pháp.
"Khi sự linh thiêng của cuộc sống đã mất đi, chúng ta không nên để họ bước qua cánh cửa và đối mặt với cái chết một cách trang trọng sao? Đối với một số người, cái chết có thể là một khoảnh khắc vui mừng" - nhóm thẩm phán đứng đầu bởi chánh án Dipak Misra nêu trong phán quyết.
Sau phán quyết lịch sử này, người dân Ấn Độ có quyền từ chối, một cách hợp pháp, các công cụ hỗ trợ sự sống nhân tạo trong trường hợp không may bằng cách tạo một "di chúc sống".
Ví dụ nếu bệnh nhân bị hôn mê vĩnh viễn, các bác sĩ và gia đình có thể dừng các biện pháp hỗ trợ mà không gặp rắc rối với pháp luật.
Một cuộc tranh luận toàn quốc về cái chết nhân đạo nổ ra ở Ấn Độ sau cái chết hồi năm 2015 của bà Aruna Shanbaug - một y tá 66 tuổi. Bà sống sót sau một lần bị tấn công tình dục hơn 40 năm trước nhưng luôn ở trong tình trạng hôn mê kiểu sống thực vật.
"Đây là một quyết định quan trọng, mang tính lịch sử. Mọi người sẽ thở ra nhẹ nhõm, trước đó nếu ai đó ngừng hỗ trợ sự sống đối với bệnh nhân, họ có thể bị kết án tội cố ý giết người" - luật sư Prashant Bhushan nhận xét.