Sống khỏe

Cây gậy thuế thép và nhôm của ông Trump

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ra cao tay khi dùng "cây gậy" nâng thuế để áp đặt cách chơi của mình. Xuyên suốt vẫn là lợi ích của "Nước Mỹ trên hết".

Cây gậy thuế thép và nhôm của ông Trump - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trong nhà máy thép Novolipetsk ở TP Farrell, bang Pennsylvania (Mỹ) ngày 9-3 - Ảnh: REUTERS

Chúng ta phải bảo vệ và xây dựng ngành công nghiệp nhôm và thép, đồng thời cũng thể hiện sự linh hoạt và hợp tác mạnh mẽ với những người bạn thực sự đối xử công bằng với chúng ta trong cả thương mại và quân sự"

Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter

"Cha tôi từng dạy tôi câu châm ngôn tuyệt vời này: 'Đừng có khóc khi mà mình chưa bị đụng chạm đến'. Nhìn qua thì thấy đâu có mức thuế áp thực tế nào đâu. Đây rõ ràng chỉ là ý định đưa các đồng minh ngồi vào bàn thương lượng", ông Kim Forrest, một nhà điều hành của Fort Pitt Capital Group, tại Pittsburgh (Mỹ) nhận định thẳng thắn.

Những gì diễn ra tiếp theo sau quyết định của Mỹ về việc nâng mức thuế nhập khẩu thép và nhôm vào Mỹ đã cho thấy như thế.

Buộc các đối tác phải ngồi vào nói chuyện

Ngày 9-3 (giờ Washington), Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ đang làm việc để không áp mức thuế mới với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ đồng minh Úc dựa trên hình thức của một thỏa thuận an ninh song phương.

Phát biểu sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc Malcolm, Tổng thống Trump cho hay nhà lãnh đạo Úc "cam kết có một mối quan hệ quốc phòng và thương mại rất công bằng và đối ứng".

Rõ ràng đó chính là những gì mà Tổng thống Mỹ mong muốn và cũng không ít lần công khai về đòi hỏi "công bằng cho nước Mỹ".

Ông Trump cho biết thêm rằng giới chức nước này đang làm việc rất nhanh chóng về một thỏa thuận an ninh để không phải phải áp đặt thuế thép hoặc nhôm với đồng minh Úc. Hiện chưa có thông tin chi tiết về cái gọi là một "thỏa thuận an ninh" này.

Về phần mình, Thủ tướng Turnbull cho biết Tổng thống Trump "đã xác nhận rằng sẽ không áp đặt thuế lên thép và nhôm của Úc", và hiện thủ tục sẽ được thực hiện "để triển khai theo hướng đó". Ông Turnbull khẳng định ông đã có một cuộc thảo luận hiệu quả với nhà lãnh đạo Mỹ.

Úc và Mỹ đã tham gia Hiệp ước an ninh Úc-New Zealand-Mỹ (gọi tắt là liên minh ANZUS) có hiệu lực từ năm 1952. Úc chủ yếu xuất khẩu quặng sắt và chỉ xuất khẩu rất ít thép, và Mỹ không phải là bạn hàng lớn của quốc gia châu Đại Dương này. Tuy nhiên, Canberra cho rằng mức áp thuế mới của Mỹ sẽ tác động tới thương mại của nước này và dẫn tới tình trạng người lao động Úc bị mất việc làm.

Cũng trong ngày 9-3, Tổng thống Trump có cuộc điện đàm với người đồng cấp Argentina Mauricio Macri, trong đó nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của việc Mỹ áp thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu.

Tuyên bố từ Phủ Tổng thống Argentina cho biết, trong cuộc điện đàm, ông Trump cam kết sẽ xem xét đề nghị của Tổng thống Macri đưa Argentina vào danh sách miễn trừ các biện pháp hạn chế có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ.

Một cung cách tương tự như cách ông Trump đã làm với Canada và Mexico. Washington dứ cây gậy và thương lượng củ cà rốt với các nước để lấy lại phần nào lợi ích cho người Mỹ.

Cây gậy thuế thép và nhôm của ông Trump - Ảnh 3.

Ông Trump cười tự tin sau khi ký sắc lệnh áp thuế nhôm, thép nhập khẩu - Ảnh: REUTERS

Đích ngắm là Trung Quốc?

Các nước đã phản ứng tưởng chừng khá mạnh sau những công bố cùng việc đặt bút ký của tổng thống Mỹ. Nhưng rõ ràng đó chỉ là cách phản ứng đương nhiên bởi các chuyên gia thị trường đều hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Theo ông Boris Schlossberg, phụ trách thị trưởng hối đoái của BK Asset Management, "đây không phải là những mức thuế thực sự. Đó chỉ là kiểu diễn trò. Thông báo ra thực tế cho thấy nó không quá dữ dội như chúng ta mới nghe ban đầu".

"Các mức thuế không quá chặt như lo ngại" - nhà kinh tế Michael McCarthy đánh giá tương tự. Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn bất an về nguy cơ xảy ra chiến tranh. "Thiệt hại của chiến tranh thương mại sẽ rất lớn và khiến mọi người đều không hạnh phúc" - hãng tin Reuters dẫn lời nhà kinh tế Nhật Bản Junichi Makino.

Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao và Bộ Sản xuất Argentina đã gửi công hàm tới Bộ Thương mại Mỹ trình bày lý do vì sao Argentina cần được miễn trừ trong chính sách áp thuế của Mỹ. Theo số liệu thống kê, xuất khẩu thép và nhôm của Argentina chỉ chiếm tương ứng 0,6% và 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ.

Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố Anh sẽ làm việc với Liên minh châu Âu (EU) để yêu cầu Mỹ miễn thuế đối với mặt hàng kim loại của Anh và EU.

Quan chức Anh nhấn mạnh việc sử dụng thuế khóa không phải là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề sản xuất dư thừa trên thế giới. Trong khi đó, EU cho biết họ nên được miễn thuế vì EU là một đồng minh gần gũi của Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại quốc tế của Anh Liam Fox cùng ngày cho biết ông sẽ sang Mỹ vào tuần tới để thuyết phục Mỹ miễn áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm của Anh. Ông Fox bày tỏ tin tưởng Mỹ sẽ có các biện pháp giải quyết vấn đề trên cơ sở đa phương.

Các công ty thép của Anh hiện xuất khẩu khoảng 350.000 tấn thép sang Mỹ mỗi năm, chiếm khoảng 7% tổng sản lượng thép sản xuất của Anh.

Chiến tranh thương mại là điều tệ hại và dễ mất mát

Chủ tịch Hội đồng châu Âu DONALD TUSK

Sắc lệnh dự kiến có hiệu lực trong vòng 15 ngày với mặt hàng thép nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu thuế 25%, trong khi nhôm chịu 10% thuế nhập khẩu. 

Trong mắt nhiều chuyên gia, động thái của ông Trump nhắm đến đích là Trung Quốc. Theo hãng tin Reuters, trong tuyên bố ngày 9-3, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ phản đối quyết định nêu trên của Mỹ, đồng thời cho biết sẽ đánh giá các thiệt hại và "kiên quyết bảo vệ những lợi ích và quyền lợi hợp pháp" của nước này. 

Câu hỏi ở đây là chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Liệu sẽ có cuộc tranh chấp với Trung Quốc về chuyện sở hữu trí tuệ? Đó có thể là một cuộc chơi nguy hiểm hơn. Liệu ông Trump có thực sự dám đương đầu với Trung Quốc?”

Ông Boris Schlossberg, phụ trách thị trưởng hối đoái của BK Asset Management

Bộ Thương mại của Trung Quốc cảnh báo mức áp thuế mới sẽ "tác động nghiêm trọng tới trật tự thương mại quốc tế thông thường". Các hiệp hội thép và kim loại của Trung Quốc cũng đã kêu gọi chính phủ nước này đưa ra các biện pháp đáp trả nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như thép không gỉ, than đá, nông sản và đồ điện tử. 

Trung Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng lượng thép nhập khẩu vào Mỹ, song tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất thép của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - cung cấp tới 50% sản lượng thép toàn cầu - đã góp phần gây ra tình trạng dư cung trên toàn cầu khiến giá cả mặt hàng kim loại này giảm. 

Cổ phiếu của Công ty sắt thép Baoshan của Trung Quốc mất đến 3,3% vào sáng 9-3, trong khi các công ty Hestell và Beijing Shougang giảm hơn 1%. Trung Quốc hiện cung cấp hơn 50% sản lượng thép toàn cầu.

Chứng khoán tăng

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng nhẹ 0,9% cuối ngày 9-3 sau khi giới phân tích dự đoán lợi nhuận các công ty lớn của Tokyo sẽ chỉ giảm 0,02% do mức thuế mới của Mỹ.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,4%, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tăng 0,4%.

Thị trường Mỹ cũng tràn ngập sắc xanh khi các chỉ số chủ chốt như S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite cùng tăng 0,4%, còn đồng USD cũng tăng nhẹ. Thị trường châu Âu cũng không rơi vào hoảng loạn như lo ngại với số STOXX 600 chỉ giảm nhẹ 0,1%.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,200,368       510