Sống khỏe

Học sư phạm kỹ thuật, cơ hội việc làm cao gấp 3

TTO - Thông tin trên thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 tổ chức tại TP Quy Nhơn sáng 10-3.

Học sư phạm kỹ thuật, cơ hội việc làm cao gấp 3 - Ảnh 1.

Gần 5.000 học sinh ở Bình Định tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 sáng 10-3 - Ảnh: DUY THANH

Gần 5.000 học sinh đến từ 18 trường THPT ở tỉnh Bình Định ngồi kín khu vực tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo, Tỉnh đoàn Bình Định và Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức.

Ngoài phần tư vấn chung về những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2018, xu hướng điểm thi của học sinh Bình Định gần đây, phân luồng chọn nghề… chương trình còn có 2 khu vực tư vấn chuyên sâu các nhóm ngành, tổ chức 22 gian cho các trường ĐH, CĐ trực tiếp tư vấn cho học sinh, phụ huynh.

Ngành nào có cơ hội việc làm cao?

Một nữ sinh đến từ Trường THPT số 1 An Nhơn hỏi: "Trong 3 ngành Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, ngành nào có cơ hội việc làm tốt hơn?".

Học sư phạm kỹ thuật, cơ hội việc làm cao gấp 3 - Ảnh 2.

Một nữ sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: DUY THANH

Trả lời, TS. Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết hai ngành Nhật Bản và Hàn Quốc học có việc làm tốt hơn so với ngành Trung Quốc học. 

"Nhu cầu về các ngành sử dụng ngôn ngữ Nhật Bản và Hàn Quốc học rất lớn. Nhiều bạn sinh viên hai ngành này đã bắt đầu đi làm việc từ năm thứ ba đại học. Khái niệm thất nghiệp hầu như không có đối với hai ngành này nên bạn yên tâm chọn lựa", ông Hạ nói.

Cũng liên quan đến những ngành học này, bạn Nguyễn Võ Hà My - học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quy Nhơn hỏi: "Em muốn vào ngôn ngữ Nhật, em chọn môn tiếng Nhật để thi vào đại học, vậy em có phải thi tiếng Anh hay thi như thế nào để xét tuyển?". 

Ông Hạ giải đáp: Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM không đào tạo ngành ngôn ngữ Nhật, mà chỉ có ngành Nhật Bản học. Muốn vào ngành này, thí sinh đăng ký tổ hợp 3 môn Văn - Toán - Tiếng Nhật hoặc hai tổ hợp Văn - Toán - Tiếng Anh và Văn - Sử - Tiếng Anh.

Bạn Nguyễn Lê Linh Vy - học sinh Trường THPT Hùng Vương, hỏi: "Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô có nhiều cơ hội việc làm cho nữ sau khi ra trường không?". 

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trả lời rằng cơ hội việc làm của ngành này rất lớn, ở nhiều lĩnh vực. "Nhiều sinh viên học năm thứ hai đã có việc làm rồi. Riêng nữ thì còn được giảm học phí".

Đến từ Trường THPT Tuy Phước 3, học sinh Thu Hà hỏi thêm về các ngành đào tạo sư phạm kỹ thuật. Ông Dũng cho biết: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật có 14 ngành sư phạm kỹ thuật, muốn học sư phạm kỹ thuật thì sinh viên phải đỗ vào ngành kỹ sư chuyên ngành đó, sau 1 tháng nhập học trường sẽ thông báo chỉ tiêu sư phạm kỹ thuật, sinh viên đăng ký để được tuyển chọn. 

"Học ngành sư phạm kỹ thuật thì khi ra trường được cấp 2 bằng: bằng sư phạm và bằng kỹ sư. Chính vì vậy, cơ hội việc làm cho các bạn học ngành sư phạm kỹ thuật là gấp 3 lần", ông Dũng nói.

Áp dụng tiêu chí phụ để xét tuyển thế nào?

Học sư phạm kỹ thuật, cơ hội việc làm cao gấp 3 - Ảnh 3.

Ban tư vấn giải đáp các thắc mắc của học sinh - Ảnh: DUY THANH

"Năm 2017 Trường ĐH Y dược TPHCM có xét tiêu chí phụ. Em không biết quy tắc áp dụng tiêu chí phụ thế nào?", một học sinh hỏi.

Đáp lời, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết thông thường các ngành trúng tuyển vào trường có điểm rất cao. Ví dụ ngành y khoa năm 2017 có điểm xét tuyển 29,25 cho 3 môn Toán - Hóa - Sinh. 

"Điểm cao gần như tuyệt đối vậy nhưng vẫn có rất nhiều bạn đồng điểm, trong khi chỉ tiêu ngành y khoa chỉ là 400 sinh viên. Do vậy, những bạn đồng điểm 29,25 được xét thêm các tiêu chí phụ, cụ thể là điểm môn tiếng Anh, nếu còn đồng điểm nữa thì xét điểm môn Sinh học. Năm 2018 trường tiếp tục áp dụng xét tiêu chí phụ", ông Khôi thông tin.

Một nam sinh hỏi có gì khác giữa hai ngành kinh tế quốc tế và kinh doanh quốc tế? TS. Trần Thế Hoàng - chủ tịch hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, giải thích: để phân biệt kinh tế quốc tế và kinh doanh quốc tế thì phân biệt rõ ở hai khái niệm "kinh tế" và "kinh doanh". 

"Kinh tế thì đào tạo nhà quản lý vĩ mô, hoạch định chính sách với nước ngoài. Còn kinh doanh quốc tế nghề chính là kinh doanh trong lĩnh vực quốc tế, giữa quốc gia mình với nước ngoài, giữa lĩnh vực này với lĩnh vực kia. Mục tiêu đào tạo nhà kinh tế là có tầm hiểu biết rộng, còn kinh doanh quốc tế là hiểu biết sâu về lĩnh vực của mình".

Giải thích thêm về thắc mắc này, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, nói: Kinh tế quốc tế là ngành về kinh tế học, hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô cho quốc gia, còn kinh doanh quốc tế là thực thi chính sách đó.

Sau chương trình tư vấn nhóm ngành, hàng trăm học sinh tiếp tục gặp riêng các thầy cô, các chuyên gia để hỏi kỹ hơn về những nội dung xét tuyển, cơ hội việc làm của các ngành học…

Học sư phạm kỹ thuật, cơ hội việc làm cao gấp 3 - Ảnh 4.

Học sinh tham gia chương trình - Ảnh: DUY THANH

Học sư phạm kỹ thuật, cơ hội việc làm cao gấp 3 - Ảnh 5.

Một phụ huynh chăm chú lắng nghe giải đáp của ban tư vấn - Ảnh: DUY THANH

Học sư phạm kỹ thuật, cơ hội việc làm cao gấp 3 - Ảnh 6.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM giải đáp thắc mắc của thí sinh - Ảnh: DUY THANH

Học sư phạm kỹ thuật, cơ hội việc làm cao gấp 3 - Ảnh 7.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TPHCM trong vòng vây các học sinh - Ảnh: DUY THANH

Học sư phạm kỹ thuật, cơ hội việc làm cao gấp 3 - Ảnh 8.

Học sinh tìm hiểu tại gian tư vấn của Trường ĐH Quy Nhơn - Ảnh: DUY THANH

Học sư phạm kỹ thuật, cơ hội việc làm cao gấp 3 - Ảnh 9.
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,364,851       375