Sống khỏe

Giám đốc 9X không bằng cấp, làm trái ngành

TTO - Ôm ước mơ vào giảng đường đại học theo đuổi ngành Marketing, Bùi Thanh Bình (sinh năm 1990, quê Trà Vinh) từng hụt hẫng khi nhận giấy báo trượt.

Giám đốc 9X không bằng cấp, làm trái ngành - Ảnh 1.

Thanh Bình đang quản lý 20 nhân viên trong lĩnh vực marketing kỹ thuật số tại TP.HCM - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Không nản lòng, sau ba năm học nghề, hành trình nỗ lực đã đưa Bình về lại đam mê.

Là giám đốc công ty truyền thông MediaZ chi nhánh TP.HCM, Thanh Bình vẫn duy trì thói quen tự học với thầy Google. 

3 năm học nghề, 3 năm học việc

Xuất phát điểm là dân khối C, Thanh Bình trượt đại học khối A ngành Marketing. Muốn ôn thi lại nhưng gia cảnh khó khăn, Bình nghe theo lời sắp xếp của dì học Công nghệ thông tin ở một trung tâm dạy nghề có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM. 

"Năm đó nếu có đậu đại học, chưa chắc nhà Bình đã lo được. Dì thương nên lo ăn học, muốn mình nhanh chóng học được cái nghề, ra làm, lập thân lập nghiệp" - Bình kể lại.

Sau gần 3 năm được trang bị kỹ năng, hiểu biết về lập trình, chỉ còn vài môn hoàn thiện, Bình ứng tuyển một số công việc, cuối cùng, anh được chọn làm cộng tác viên phụ trách mảng Marketing online tại tập đoàn VNG. 

Mặc dù không được đào tạo bài bản về Marketing nhưng Bình có tìm hiểu từ lâu, cộng với chuyên ngành CNTT sẵn có, Bình nhanh chóng nắm bắt công việc.

Chia sẻ về ngày tháng học việc đầu tiên, Bình kể: "Cộng tác viên sẽ khó được giao việc quan trọng, nhưng tôi có cơ hội trải nghiệm ở nhiều nhóm dự án, tích lũy kiến thức, va chạm thực tế, sau đó, tôi chuyển qua 123phim.vn về đặt vé online trong 11 tháng".

Xác định làm trái ngành, tôi chấp nhận làm từ vị trí thấp để học hỏi, tự trau dồi kiến thức, sử dụng tiếng Anh để đọc tài liệu cập nhật nhất trên những kênh thông tin chuyên ngành.

Bùi Thanh Bình

Công việc dù mới mẻ nhưng đã cuốn Bình vào vòng quay nhịp nhàng như cá gặp nước. Nhưng anh vẫn chưa có mảnh bằng vắt vai. Gia đình hối thúc Bình hoàn thành chương trình học - như cách rất nhiều phụ huynh tin rằng chỉ với bằng cấp sẽ có công việc ổn định.

"Bản thân Bình đã làm trái ngành, cầm thêm tấm bằng cũng đâu ý nghĩa gì" - Bình chia sẻ. "Để làm bác sĩ, giáo viên, người lao động cần bằng cấp để chứng minh chuyên môn, nhưng bản thân Marketing online là nghề mới, luôn phải cập nhật, đón đầu xu hướng trong đời sống truyền thông. Năng lực thực tế mới là yếu tố quyết định".

Chứng minh bằng hành động

18 tuổi rớt đại học, không thể theo học ngành nghề yêu thích. Đó là câu chuyện điển hình đối với hàng ngàn người trẻ. Nhưng đam mê và tinh thần tự học miệt mài đã giúp Bình chinh phục chân trời tri thức lạ lẫm. 

Sau thời gian đi làm ở các công ty, Bình chuyển qua làm tự do, ổn định cuộc sống và phụ cha mẹ ở quê sửa sang nhà."Đến lúc đó, cha mẹ mới tin mình làm được" - Bình kể. "Không phải qua lời tuyên bố con muốn, con sẽ làm mà bằng hành động và sự trưởng thành sau nhiều năm trời va chạm".

Giám đốc 9X không bằng cấp, làm trái ngành - Ảnh 3.

Nghề Marketing đòi hỏi tố chất tò mò, nắm bắt xu hướng đang được số đông quan tâm - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Hiện tại, khi tuyển dụng nhân sự, Bình vẫn sẵn sàng trao cơ hội cho các bạn trẻ không được đào tạo đúng chuyên ngành nhưng biết tự đào tạo bản thân. 

Anh giám đốc trẻ cho biết: "Đầu tiên chúng tôi chọn hồ sơ ứng cử viên gửi về, mời đến phỏng vấn trực tiếp về kiến thức cơ bản tùy theo vị trí tuyển dụng, thực hiện bài kiểm tra, thử việc 2 tháng. 

Bằng cấp đúng chuyên ngành là lợi thế để được cân nhắc vào đúng vị trí, nhưng đánh giá cuối cùng vẫn dựa vào phần trả lời phỏng vấn và kết quả bài kiểm tra".

18 tuổi còn quá sớm để xác định đam mê. Có người học bốn năm đại học mới nhận ra công việc yêu thích là gì. Nếu các bạn trẻ không muốn mất quá nhiều thời gian có thể học nghề, nhanh chóng trải nghiệm thực tế, khi đó, muốn thay đổi con đường lập nghiệp vẫn chưa muộn.

Bùi Thanh Bình

Theo anh chàng này, có hai bí quyết để vượt lên và nổi bật trong nghề là khả năng tự học và chọn ngách. Anh khẳng định: "Ai cũng có thể vào trường, trung tâm để học nhưng đó chỉ là kiến thức truyền thống, tốt lắm là kiến thức tiệm cận với hiện tại. Nhưng với những nghề có yếu tố cập nhật, giáo trình từ giảng viên là chưa đủ. 

Chẳng hạn, ngày xưa thầy cô có thể dạy Marketing trên Yahoo, website, nhưng giờ là thời của Facebook, sắp tới là ứng dụng trên nền tảng di động. Bạn có thể đi học, nhưng bạn phải là người tự dạy mình nhiều hơn".

Bí kíp thứ hai là chọn ngách trong nghề. Kiến thức nền là điều bắt buộc để bước vào nghề, đây là phần nhà trường có thể trang bị. Nhưng để trở thành chuyên gia, bản thân sinh viên, người lao động phải chọn phần việc mình làm tốt nhất, đi sâu tìm tòi, nắm bắt xu hướng. Như vậy mới có thể trở thành chuyên gia, mới được người trong nghề nhớ tới.

Nghề Marketing online là gì?

Marketing online là khâu quảng bá dịch vụ, sản phẩm trên Internet. So với chi phí quảng cáo trên ấn phẩm tạp chí, sóng truyền hình, tổ chức sự kiện, Marketing online tiết kiệm rất nhiều nhưng vẫn đảm bảo độ lan tỏa rộng rãi, miễn chiến lược Marketing phù hợp. Một số hình thức Marketing online phổ biến như website, quảng cáo trên Facebook, Youtube, Zalo, Google, kỹ thuật viết SEO tăng hiệu quả tìm kiếm, viết nội dung, thiết kế đồ họa, phim ngắn quảng cáo...

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,364,933       1,357