Sống khỏe

Thiếu nước ngọt, nông dân miền Tây tưới dưa hấu bằng phễu

TTO - Cùng với tình trạng xâm nhập mặn, nhiều tỉnh miền Tây đã bắt đầu thiếu nước ngọt ngay trong những ngày đầu tháng 3. Người dân đã và đang tìm đủ mọi cách để tiết kiệm nước tưới lẫn sinh hoạt.

Thiếu nước ngọt, nông dân miền Tây tưới dưa hấu bằng phễu - Ảnh 1.

Các tỉnh miền Tây đang bắt đầu "vào mùa" thiếu nước ngọt và phải làm đủ cách để tiết kiệm nước - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Những ngày đầu tháng 3-2018, ngang qua các ruộng dưa của dân ở cồn Hố, xã An Thủy, Bến Tre có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân dùng quặng (phễu) để tưới nước trên các ruộng dưa hấu hơn 1 tháng tuổi. 

Đây là cách người dân Bến Tre đối phó với tình trạng thiếu nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp.

Bà Trần Thị Minh Châu - phó chủ tịch UBND xã An Thủy - cho biết người dân khu vực này không chỉ thiếu nước tưới mà còn thiếu cả nước ngọt sinh hoạt.

"Hầu hết các hộ dân phải mua nước để tưới với giá khoảng 40.000 đồng/m3 nên chắc chắn sẽ bị giảm lợi nhuận", bà Châu nói.

Có mặt trên ruộng dưa cùng ngày, ông Lê Văn Kiệp (61 tuổi, ngụ xã An Thủy, huyện Ba Tri) cho biết với ruộng dưa 2 công, từ nay đến ngày thu hoạch sẽ tốn hơn 1 triệu đồng tiền mua nước ngọt để tưới. 

Để tiết kiệm nước ngọt, ông Kiệp và chủ các ruộng dưa khác đã dùng tấm nilông phủ gốc dưa để vừa hạn chế cỏ dại mọc vừa giữ nước cho đất. 

Giữa hai gốc cây dưa, người dân đục một lỗ nhỏ và chế ra chiếc phễu để tưới nước. Mỗi lỗ như vậy tưới vào khoảng 1 xị (250ml) nước.

Thiếu nước ngọt, nông dân miền Tây tưới dưa hấu bằng phễu - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Kiệp (61 tuổi, ngụ xã An Thủy, huyện Ba Tri) dùng phễu để tưới dưa hấu. Đây là một trong những cách mà người dân Bến Tre đối phó với tình trạng thiếu nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện nước mặn đã bắt đầu xâm nhập vào ba cửa sông chính thuộc tỉnh là Cổ Chiên, Hàm Luông và Cửa Đại.

Tuy nước mặn chưa xâm nhập sâu vào nội đồng nhưng do triều cường kết hợp với gió chướng nên các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã đưa ra khuyến cáo người dân các biện pháp trữ nước ngọt, chủ động đối phó với hạn, mặn trong thời gian tới.

Trong khi đó, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh này theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến nguồn nước (mặn, ngọt), phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, kiên quyết không để mặn xâm nhập vào vùng sản xuất ngọt ổn định của Bạc Liêu và của vùng lân cận tỉnh Sóc Trăng. 

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu lãnh đạo thị xã Giá Rai khẩn trương chỉ đạo UBND xã Phong Tân (vùng cuối nguồn của tỉnh Bạc Liêu) huy động người dân đào đắp, gia cố, nâng cao bờ bao dân sinh sát kênh Quản Lộ - Giá Rai đề phòng tràn mặn trong những ngày lấy nước mặn cho vùng chuyển đổi phía bắc quốc lộ 1 của tỉnh này. 

Còn các huyện Hồng Dân, Phước Long phải phát động người dân cải tạo, gia cố bờ ao, vuông tôm, chuẩn bị sẵn máy bơm để chủ động bơm đồng loạt khi mở cống Hộ Phòng, Giá Rai lấy nước mặn.

​Xâm nhập mặn xuất hiện ở các tỉnh ven biển ĐBSCL ​Xâm nhập mặn xuất hiện ở các tỉnh ven biển ĐBSCL ​Nam Bộ: Mưa trái mùa làm giảm xâm nhập mặn ​Nam Bộ: Mưa trái mùa làm giảm xâm nhập mặn ​Cá chết, xâm nhập mặn, nước biển dâng vào đề thi Văn lớp 10 ​Cá chết, xâm nhập mặn, nước biển dâng vào đề thi Văn lớp 10
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,201,374       447