Sống khỏe

Một số thảo dược dưới góc nhìn dinh dưỡng

◊ Sử dụng thảo dược như tỏi, gừng, bạch quá, nhân sâm… để trị bệnh và bồi dưỡng sức khỏe là xu hướng hiện nay. Chúng ta cũng cần biết về những thảo dược này.

Một số thảo dược dưới góc nhìn dinh dưỡng - Ảnh 1.

Tỏi

Tỏi có tên khoa học là Allium Sativum là cây thuộc họ Liliaceace bao gồm hành lá, hành củ và tỏi tây. Tỏi mọc khắp nơi trên thế giới, tỏi được sử dụng như thảo dược từ rất lâu trong lịch sử. Nhà y học Hy lạp Galen (130-200 trước công nguyên) xem tỏi như một loại thảo dược chữa bách bệnh.

Chỉ định:

Tỏi là một trong những thảo dược phổ biến và được nghiên cứu rộng rãi nhất. Chỉ định sử dụng phổ biến nhất của tỏi là để chữa bệnh tăng mỡ trong máu, cao huyết áp và ức chế hình thành cục máu đông trong thành mạch. Tỏi cũng có thể sử dụng chống nhiễm trùng, nhiễm nấm, và nhiễm siêu vi. Tuy nhiên, những tác dụng này của tỏi cần được nghiên cứu thêm.

Cơ chế tác dụng và hoạt chất

Thành phần hóa học chính của tỏi là alliin một dẫn chất acid amin có chứa lưu hùynh.

Tác dụng giảm huyết áp là do tác dụng giãn cơ trơn thành mạch máu.

Các nghiên cứu chứng minh tác dụng của tỏi làm giảm mỡ trong máu bao gồm nghiên cứu của Warshafsky và cộng sự năm 1993 nghiên cứu cho thấy bệnh nhân sử dụng 900mg tỏi dưới dạng thuốc (tương đương ½ đến 1 củ tỏi) có tác dụng làm giảm trung bình 9% mức cholesterol trong máu. Nghiên cứu của Kannar và cộng sự cũng cho thấy tỏi sử dụng trong 12 tuần có thể làm giảm nhẹ mức cholesterol toàn phần (4.2%) và giảm nhẹ mức LDL-Cholesterol (6.6%).

Chống chỉ định, tác dụng phụ và độc tính

Thuốc tỏi được khuyến khích không sử dụng trong thời kỳ cho con bú (nhưng ăn tỏi bình thường không chống chỉ định trong thời kỳ này).

Sử dụng tỏi an toàn ở người khỏe mạnh và với số lượng vừa phải. Ăn quá nhiều tỏi sẽ dẫn đến tình trạng ợ nóng, đầy hơi, phản ứng dị ứng nhẹ, viêm da và các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác.

Tỏi làm giảm thời gian vón cục máu nên phải sử dụng cẩn thận khi dùng chung với thuốc aspirin và các thuốc chống đông máu khác như warfarin, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, thảo dược Ginkgo biloba, acid béo omega 3 là những thuốc có cùng tác dụng giảm đông máu.

Sử dụng tỏi trong điều trị hạ mỡ trong máu và giảm huyết áp nên cẩn thận khi sử dụng chung với các thuốc tân dược có cùng tác dụng hạ mỡ trong máu và giảm huyết áp và bệnh nhân nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trong các trường hợp dùng chung.

Gừng

Tên khoa học là Zingiber officinale có nguồn gốc từ các nước phương Đông. Cây có hoa màu xanh-đỏ tía, tương tự như hoa lan. gừng có nhiều loại bao gồm gừng Jamaican, gừng Phi châu, gừng Việt Nam, gừng đen… Hoạt chất chính nằm trong thân rễ của gừng.

Chỉ định và những sử dụng phổ biến

Tác dụng phổ biến nhất của gừng là điều trị dự phòng các triệu chứng rối loạn tiêu hóa đặc biệt là buồn nôn, say tàu xe và nôn ói do nghén trong thai kỳ. Gừng cũng được làm dịu  triệu chứng trong viêm khớp, bệnh tim mạch và những bệnh do viêm khác.

Những nghiên cứu của các tác giả Blumethal và cộng sự năm 1998, Mowrey và Clayson năm 1982, Niebyl 1992 đã chứng minh những tác dụng trên của gừng.

Gừng thường được đóng viên nhộng chứa 500mg bột gừng. Để chống nôn, uống 1-2 viên gừng chia 2 lần /ngày. Để có tác dụng tối đa trong việc điều trị chống nôn do say tàu xe, gừng nên được sử dụng nhiều ngày trước chuyến đi và trong chuyến đi.

Cơ chế tác dụng và hoạt chất

Đặc điểm cay và nồng của gừng là do những chất dầu bay hơi có trong thân rễ có tên là gingerols. Đây cũng là những chất tạo tác dụng dược lý cho gừng. Galanolactone và shogaol là những dẫn xuất từ gingerols, cũng có tác dụng dược lý và có tác dụng chống nôn thông qua cơ chế tác dụng tại thụ thể serotonin (5HT-3) tại ruột. Đây là thụ thể tác dụng bởi thuốc chống nôn tân dược.

Cơ chế tác dụng kháng viêm là ức chế sản xuất hóa chất trung gian gây viêm như prostaglandin, thromboxanes và leukotriens do ức chế men cyclooxygenase và lipoxygenase là những men liên quan trong việc tạo ra eicosanoids trước khi có phản ứng viêm. Những nghiên cứu gần đây cho thấy dịch chiết xuất chuẩn của gừng có tác dụng trung bình trong việc giảm triệu chứng của viêm xương khớp tại khớp gối (nghiên cứu của Altman và Marcussen 2001).

Chống chỉ định, tác dụng phụ và độc tính

Gừng thường rất dễ dung nạp nhưng có thể gây rối loạn tiêu hóa và viêm da, ợ nóng ở những đối tượng nhạy cảm. Việc sử dụng gừng được cho là an toàn ở mức độ dùng gừng làm thức ăn và sử dụng đường uống với mục đích y học nếu sử dụng đúng cách. Sử dụng trong giai đoạn mang thai và cho con bú còn nhiều tranh cãi vì tính an toàn chưa được nghiên cứu. Gừng cũng không khuyến khích sử dụng ở bệnh nhân bị sỏi mật.

Nên tham khảm thêm ý kiến thầy thuốc khi sử dụng chung gừng với thuốc làm giảm đường huyết và giảm huyết áp.

Cây bạch quả (Ginkgo Biloba)

Cây bạch quả là giống cây có từ rất lâu trên trái đất và đã tìm thấy cách đây 200 triệu năm trong những hóa thạch. Hiện tại cây được sử dụng cho mục đích trang hoàng ở khắp nơi trên thế giới và được sử dụng làm dựơc phẩm tại Trung Quốc hàng trăm năm nay. Dịch chiết xuất của cây bạch quả (Ginkgo biloba extract – GBE) là thuật ngữ cho chế phẩm chuẩn hóa được chiết xuất từ cây bạch quả.

Chỉ định và các sử dụng thường gặp

Cây bạch quả có nhiều tác dụng sinh lý bao gồm giãn mạch, ức chế ngưng tập tiểu cầu, cải thiện tuần hoàn ngoại biên và tác dụng chống gốc tự do. Dịch chiết cây bạch quả được sử dụng phổ biến ở Châu Âu để điều trị bệnh tim mạch và bệnh mạch máu ngoại biên. Dịch chiết cây bạch quả cũng được dùng điều trị những sa sút về trí tuệ liên quan đến lão hóa là hậu quả của suy tuần hòan não (giảm trí nhớ ngắn hạn, giảm tập trung, ù tai) và giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer.

Cơ chế tác dụng và hoạt chất

Chế phẩm chuẩn của cây bạch quả chứa 24% flavone glycoside của cây bạch quả (bao gồm bioflavonoids chẳng hạn như quercetin, kaempferol, isorhamnetine và proanthocyanidines) và 6% terpene lactones (ginkgolides và bilobalide).

Hoạt chất flavone glycosides trong dịch chiết chuẩn bạch quả có tác dụng chống chất oxy hóa và bảo vệ tế bào không bị tổn thương do gốc tự do đặc biệt là tổn thương lớp lipid của màng tế bào. Hoạt chất gikgolides tác dụng như chất đối vận với yếu tố hoạt hóa tiểu cầu (platelet activating factor PAF). Yếu tố hoạt hóa tiểu cầu khởi phát sự ngưng tập của tiểu cầu dẫn đến sự hình thành cục máu đông và liên quan đến nhiều tác dụng của đáp ứng dị ứng. Hoạt chất gikgolides có tác dụng ức chế những tác dụng trên do đó gia tăng độ lõang của máu và gia tăng tuần hòan.

Chống chỉ định, tác dụng phụ và độc tính

Chiết xuất cây bạch quả làm tăng tác dụng MAOIs (monoamine oxidase inhibitors) là chất làm tăng tác dụng trung gian dẫn truyền thần kinh bằng cách ức chế sự thóai hóa của các chất trung gian dẫn truyền thần kinh.

Tác dụng phụ thường gặp là rối loạn tiêu hóa nhẹ, nhức đầu, dị ứng da nhưng những tác dụng này thường hiếm gặp. Sử dụng cây bạch quả nguyên có thể dẫn đến phản ứng dị ứng nặng và xuất huyết tự nhiên.

Chiết xuất cây bạch quả cũng không nên sử dụng chung với những thuốc có tác dụng chống đông máu như warfarin và những thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, ticlopidine, clopidogrel, indomethacine và các thuốc khác.

Chiết xuất cây bạch quả cũng không nên sử dụng chung với những thảo dược như omega 3, gừng, tỏi, nhân sâm…

Chiết xuất cây bạch quả cũng có thể làm ảnh hưởng việc điều trị đái tháo đường. Trong trường hợp này cần phải theo dõi đường huyết và chỉnh liều thuốc khi cần.

Nhân sâm

Nhân sâm là loại thảo dược có màu vàng, hình dạng giống củ cải và là loại thảo dược mọc chậm (mất ít nhất 6 năm trồng mới có thể thu họach). Nhân sâm có nguồn gốc lịch sử từ các nước phương Đông và được sử dụng tại Trung Quốc hơn 4000 năm.

Hầu hết tất cả các chủng loại nhân sâm đều được trồng. Loại phổ biến nhất là Panax ginseng còn được gọi là nhân sâm Hàn Quốc, Trung Quốc hay Châu Á và là loại được nghiên cứu nhiều nhất.

Màu của nhân sâm chỉ thị nhân sâm được chế biến như thế nào. Nhân sâm trắng là rễ khô. Nhân sâm đỏ là rễ nhân sâm được khử trùng và bảo quản thông qua quá trình xử lý hơi nước nên có màu đỏ. Hai loại này không có sự khác biệt về hoạt chất mà đơn thuần là màu sắc.

Chỉ định và các sử dụng phổ biến

Tên gọi Panax trong tiếng Hy lạp có nghĩa là chữa nhiều bệnh. Điều này ngụ ý rằng nhân sâm có rất nhiều tác dụng chữa trị bao gồm tác dụng chống mệt mỏi, tác dụng chống stress, cải thiện khả năng làm việc trí não, gia tăng khả năng của hệ miễn dịch, tác dụng trên hệ tim mạch, và điều trị hỗ trợ trong bệnh đái tháo đường.

Cơ chế tác dụng và hoạt chất

Những chủng loại nhân sâm khác nhau sẽ khác nhau về thành phần và cơ chế tác dụng. Panax ginseng là loại phức tạp nhất với nhiều ginsenosides là những phức hợp giống steroid được biết với tên gọi saponin glycosides.

Chống chỉ định, tác dụng phụ và độc tính

Nhân sâm đựơc xem là an toàn với liều 100mg của chế phẩm 4% đến 7% ginsenosides sử dụng 1 hay 2 lần /ngày. Nên sử dụng nhân sâm trong 2-3 tuần liên tiếp rồi nghỉ 1-2 tuần.

Tác dụng phụ của nhân sâm thường gặp là kích thích quá mức, có thể mất ngủ. Tác dụng phụ này có thể giảm đi khi tiếp tục sử dụng hay giảm liều. Tuy nhiên nếu sử dụng nhân sâm với cà phê có thể có biểu hiện kích thích quá mức và rối loạn tiêu hóa.

Hiện thời không có nghiên cứu về sự an toàn của nhân sâm sử dụng ở trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú. Do đó không khuyến khích sử dụng nhân sâm ở các đối tượng này.

Nên cẩn thận khi sử dụng nhân sâm với các thuốc điều trị huyết áp, đái tháo đường, thuốc chống đông máu và phải theo dõi đường huyết và huyết áp thường xuyên.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,366,564       452