Sống khỏe

Thu hút người tài mà bắt họ 'phải nọ, phải kia' rồi mới chọn

TTO - Hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án về thu hút chuyên gia, nhà khoa học về công tác tại các sở ngành, các khu công nghệ cao của TP do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức sáng 5-3, nhận được nhiều ý kiến phản biện.

Thu hút người tài mà bắt họ phải nọ, phải kia rồi mới chọn - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Văn Đạo trình bày tóm tắt đề án - Ảnh: TỰ TRUNG

"Trải thảm, nhưng dưới thảm không chừng có đinh"

"Chúng ta trải thảm, nhưng dưới thảm không chừng có đinh. Thủ tục của mình là những đinh lớn. Một chuyên gia, nhà khoa học ngước ngoài đọc đề án này xong người ta cũng ngại. Trong khi mình nói là thu hút nhân tài, mà bắt họ "phải" nhiều quá rồi mới được tuyển chọn" - GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP mở đầu hội nghị bằng ý kiến thẳng thắn như vậy. 

Ông Giao kể trước đây đơn vị ông từng tổ chức một hội thảo về thu hút chuyên gia, nhà khoa học, thì thấy phần đông các chuyên gia chọn về doanh nghiệp, kế đến là trường học, gần như không ai vào cơ quan nhà nước.

Thu hút người tài mà bắt họ phải nọ, phải kia rồi mới chọn - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao phát biểu cho rằng đề án này giống tuyển chọn công chức hơn là thu hút người tài - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông cho rằng muốn thu hút người tài phải có sự trao đổi thương lượng giữa cái mình cần và cái người ta có.

Dự thảo đề án, các ứng viên phải làm hồ sơ dự tuyển, trải qua quy trình hai vòng tuyển chọn là sơ tuyển và sát hạch. 

GS.TS Phan Thị Tươi, nguyên hiệu trưởng ĐH Bách Khoa nói: "Nếu là tôi thì tôi cũng không làm đơn xin thi hai vòng ứng tuyển".

Cũng theo dự thảo, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được ký hợp đồng lao động có thời hạn. Thời hạn này căn cứ theo thời hạn thực hiện của công trình, đề án, dự án, kế hoạch được giao, tối đa không quá 18 tháng.

Theo bà Tươi, các chuyên gia, nhà khoa học đang có công việc ổn định thì không thể về làm 18 tháng rồi sau đó không biết làm gì nữa.

Thu hút người tài mà bắt họ phải nọ, phải kia rồi mới chọn - Ảnh 3.

GS.TS Phan Thị Tươi, nguyên hiệu trưởng Đại học Bách khoa - Ảnh: TỰ TRUNG

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ kể chuyện một nhà khoa học về công nghệ tính toán khi được mời về mà bị buộc phải có một bộ hồ sơ lý lịch y như một cán bộ công chức bình thường.

"Họ không hiểu mấy chuyện đó nhưng họ phải làm. Tôi nghĩ với những người như vậy chúng ta nên thoáng hơn, họ rất dị ứng với mấy chuyện đó", GS.TS Phùng nói.

Cũng như nhiều ý kiến khác tại hội nghị, ông Phùng cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất với một nhà khoa học, chuyên gia không phải là tiền lương mà đó là môi trường làm việc, được tự do cống hiến.

Mời nhà khoa học về chủ trì, hay chỉ tham gia?

Đó là băn khoăn của PGS.TS Đặng Văn Phan (ĐH Cửu Long) và nhiều đại biểu khác.

"Đọc đề án, tôi thấy dường như TP chỉ thu hút người tài khi đã có dự án. Vậy thì nhà khoa học chỉ là người hiện thực hóa các dự án đó?", ông Phan nói.

Ông cho rằng phải thu hút người tài ngay từ khi chưa có dự án, phải thảo luận trước với những nhà khoa học tiềm năng. Chứ đợi khi "đẻ" ra các dự án rồi mới mời người tài thì không phát huy được.

Thu hút người tài mà bắt họ phải nọ, phải kia rồi mới chọn - Ảnh 4.

PGS.TS Đặng Văn Phan phát biểu tại hội nghị phản biện - Ảnh: TỰ TRUNG

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, ĐH Thủ Dầu Một cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong thu hút các chuyên gia đầu ngành là việc họ sẽ thu hút được cả một mạng lưới các chuyên gia xung quanh họ. Nếu không được tổ chức thành một mạng lưới, thì sau một thời gian họ sẽ thấy cô đơn, không kết nối được.

Đó là chưa kể tình trạng người tài tại chỗ chưa phát huy hết được, nay lại mời thêm người mới về, với chính sách đãi ngộ "một trời một vực".

TS Trương Minh Huy Vũ, ĐHQG TP.HCM lấy ví dụ: Hai người cùng làm trong một đơn vị. Một anh được đào tạo theo chương trình 300, chương trình 500 thạc sĩ tiến sĩ của TP nhưng lương chỉ 5 triệu đồng. Còn người kia được thu hút theo đề án này, lương có thể tới 150 triệu.

"Có thể hỗ trợ bằng cách khác trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, chứ không nhất thiết phải là lương", TS Huy Vũ nói.

Thu hút người tài mà bắt họ phải nọ, phải kia rồi mới chọn - Ảnh 5.

PGS.TS Cao Minh Thì, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho rằng phải có sự công bằng trong chính sách đãi ngộ người tài - Ảnh: TỰ TRUNG

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao cũng góp ý, không nên phân biệt nhà khoa học trong nước và Việt kiều. Hai nhà khoa học cùng làm trong một cơ quan nhưng lương khác nhau. Phải đối xử như nhau, người làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Nếu có hỗ trợ thì nên hỗ trợ về ăn ở, đi lại.

GS TS Phan Thị Tươi góp ý về quy định tiền lương hàng tháng cho hai nhóm chuyên gia đầu ngành và lao động sáng tạo trẻ. Hai nhóm này được tính lương hệ số 9,4 và 8,8, tính ra hơn kém nhau chưa tới 1 triệu đồng.

Theo bà, một chuyên gia và một người xuất sắc mới ra trường mà lương cách nhau như vậy là rất khó chấp nhận.

Dự thảo cũng nêu với mỗi công trình nghiên cứu các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng, nhưng có khi công trình nghiên cứu kéo dài cả mấy năm, thì số tiền đó có lớn không? "Với các chuyên gia không hưởng lương, rõ ràng không có gì hấp dẫn hết", bà Tươi nói.

Đề án lẫn lộn, nặng tính hành chính

Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng dự thảo đề án nặng tính hành chính, chưa có sự tách biệt rạch ròi giữa hai nhóm đối tượng là các chuyên gia, nhà khoa học và nhóm người tài làm công chức viên chức cho các sở, ngành, đơn vị.

"Tôi thấy đây là đề án tuyển chọn cán bộ, chứ không phải đề án thu hút nhân tài", GSTS Nguyễn Ngọc Giao nhìn nhận.

Các ý kiến cho rằng ban soạn thảo phải nghiên cứu lại, tách hai nhóm này ra, với chế độ chính sách khác nhau. Ngoài ra, cũng phải tin tưởng giao cho người đứng đầu các đơn vị trong việc tuyển chọn. Chứ không nhất thiết Chủ tịch UBND TP phải đứng ra làm chủ tịch hội đồng tuyển dụng trong mọi trường hợp.

Tiếp thu các ý kiến, ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định đề án này chủ yếu thu hút nhân tài, chứ không phải để tuyển chọn công chức cho các sở ngành.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,207,546       580