TTO - Cùng thời điểm sự kiện tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, một cựu binh Mỹ lặng lẽ sắp xếp cho một nhóm 40 cựu binh Mỹ đi dọc Việt Nam 17 ngày để tìm hiểu về chất độc da cam và bom mìn còn sót lại.
Chuck Searcy trò chuyện với các chuyên gia rà phá bom mìn người Việt ở Quảng Trị - Ảnh: NVCC
"Chuyến thăm không phải để ôn lại những ký ức đau thương mà là hàn gắn lại những vết thương chưa lành" - Chuck Searcy, một cựu binh Mỹ 73 tuổi, nói.
Trở lại để hàn gắn
Những năm qua, nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh một ông Tây cao gầy, tóc bạc trắng.
Ông ăn mặc đơn giản, kiên nhẫn và tỉ mỉ hướng dẫn các chuyên gia Việt Nam gỡ những quả bom còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị, rồi cặm cụi tham gia những cuộc tọa đàm, hội thảo về giải quyết hậu quả chiến tranh, hay thăm và thắp hương cho các chiến binh Việt Nam ở các nghĩa trang liệt sĩ trải dài đất nước hình chữ S mà ông xem là quê hương thứ hai của mình.
Chuck Searcy sinh ra và lớn lên ở bang Georgia và là một cựu sĩ quan tình báo thuộc biên chế tiểu đoàn tình báo 519 của quân đội Mỹ, hoạt động tại Sài Gòn từ tháng 6-1967 đến tháng 6-1968. Bị "ám ảnh" bởi sự tàn khốc của cuộc chiến, sau khi trở về Mỹ, ông tham gia Hội cựu chiến binh phản đối chiến tranh (VVAW).
Chuck quay trở lại Việt Nam năm 1995, sau khi hai nước Mỹ - Việt bình thường hóa quan hệ, với một hợp đồng 3 năm làm việc cho một chương trình của cựu binh Mỹ giúp đỡ những người bị khuyết tật do Chính phủ Mỹ tài trợ. Nhưng thỏa thuận 3 năm này trở thành 5 năm, sau đó 10 năm... Và bây giờ ông đã ở Việt Nam 23 năm mà chưa biết khi nào sẽ quay lại quê nhà.
Khi chứng kiến những gánh nặng mà người Việt phải chịu đựng để giải quyết hậu quả của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và chất độc da cam, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm để cố gắng đóng góp, dù chỉ là hành động nhỏ, để giải quyết các vấn đề này
CHUCK SEARCY
"Thật ra ở Việt Nam hơn 20 năm không phải là kế hoạch ban đầu của tôi. Nhưng khi tôi chứng kiến những gánh nặng mà người Việt phải chịu đựng để giải quyết hậu quả của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và chất độc da cam, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm để cố gắng đóng góp, dù chỉ là hành động nhỏ, để giải quyết các vấn đề này" - người cựu binh già chia sẻ với chúng tôi một ngày đầu tháng 3 tại Hà Nội.
Chuck đang làm việc cho các dự án khác nhau của các cựu chiến binh Mỹ kể từ năm 1995, nhằm giúp hàn gắn vết thương, trong số đó là Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP) có trụ sở tại Mỹ. VFP có một chi nhánh tại Việt Nam, với 35 thành viên là các cựu chiến binh Mỹ.
Không phải tất cả họ đều sống tại Việt Nam nhưng họ đến Việt Nam mỗi năm. Những năm gần đây, VFP thường xuyên tổ chức các chuyến đi cho các cựu binh Mỹ thăm Việt Nam.
Chuck khoe tuần này, khoảng 40 thành viên của VFP cùng với bạn đời của họ và các nhà hoạt động hòa bình sẽ tham dự một chuyến đi kéo dài 17 ngày khắp đất nước Việt Nam, trong đó có đến thăm và hỗ trợ các nạn nhân của bom mìn và chất độc da cam, thăm các di tích lịch sử Việt Nam.
Chuck tiết lộ một số cựu binh Mỹ tham gia các chuyến đi đến Việt Nam cũng đang chịu đựng ảnh hưởng của chất độc da cam.
Theo ông, có một thế hệ người Mỹ đang phải đối mặt với hậu quả của chất độc da cam nhưng nó chẳng thấm tháp gì so với con số ước lượng khoảng 3 triệu trẻ em và người lớn Việt Nam đang chịu đựng.
"Chúng tôi hi vọng vào cuối chuyến đi này, các thành viên trong đoàn khi trở về Mỹ sẽ trở thành những sứ giả đại diện cho hòa bình và thiện chí cũng như góp phần thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai dân tộc chúng ta" - Chuck Searcy chia sẻ.
Chuck Searcy (mặc áo kẻ) trò chuyện với trẻ em Việt Nam ở Huế. Theo Chuck, trẻ em cần phải được bảo đảm an toàn trước những hiểm họa của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh - Ảnh: NVCC
"Trẻ em trả giá cho sai lầm quá khứ"
Ngoài vai trò quan trọng ở VFP, Chuck Searcy cũng giúp thành lập dự án RENEW ở Quảng Trị năm 2001 và gắn bó với dự án cho đến nay với tư cách tư vấn viên quốc tế.
RENEW là dự án rà phá bom mìn và cung cấp hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng và tạo thu nhập cho nạn nhân bom mìn. Nhờ đóng góp tích cực cho dự án mà ông được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị vào năm 2003.
Theo các số liệu của Chính phủ Việt Nam, Mỹ đã thả 7,6 triệu tấn bom trong chiến tranh Việt Nam (gồm cả Đông Dương) và khoảng 10% trong số đó chưa phát nổ. Và kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975, 100.000 người Việt - hầu hết là nông dân và trẻ em - đã chết và bị thương do các tai nạn đến từ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Chuck cho biết kể từ khi chiến tranh kết thúc, có một thực tế đau lòng là khoảng 32% nạn nhân chết vì bom mìn sót lại sau chiến tranh là trẻ em dưới 17 tuổi. Trong khi đó, chất độc da cam dường như sẽ còn ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nữa.
"Thật xót xa cho những đứa trẻ vô tội phải trả giá cho sai lầm trong quá khứ dù chúng không làm gì sai" - ông suy tư.
Để giải quyết hiệu quả vấn đề bom mìn và chất độc da cam, theo Chuck, Chính phủ Mỹ cần phải hỗ trợ thêm nguồn lực và công nghệ cho Chính phủ Việt Nam. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cần phải quyết tâm đạt được mục tiêu chiến lược "Making Vietnam safe" (Giúp Việt Nam an toàn).
Với chất độc da cam, theo vị cựu binh Mỹ, là một vấn đề khó khăn hơn bởi vì vẫn chưa có sự đồng thuận về một số vấn đề y tế và khoa học. Tuy nhiên, quá trình tẩy độc dioxin ở nhiều nơi vẫn đang tiếp diễn với sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ Mỹ.
"Đối với chất độc da cam, chỉ còn một thách thức lớn, đó là làm thế nào để hỗ trợ hiệu quả hàng triệu người, trong đó có những trẻ em sinh ra với cơ thể dị dạng? Mỹ phải phối hợp với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế hỗ trợ nhiều nguồn lực hơn cho các nạn nhân và gia đình của họ" - ông nói.
Người đàn ông Mỹ đang sinh sống ở Hà Nội trải lòng rằng do bom đạn chưa nổ còn quá nhiều nên những đóng góp của ông vẫn còn rất bé nhỏ. "Tôi ước gì mình có thể làm nhiều hơn nhưng tôi hi vọng những nỗ lực của chúng tôi đã giúp đỡ được một ít người. Và có thể sắp tới chúng tôi sẽ đón chào sự hợp tác rộng hơn từ các quốc gia khác, đặc biệt là Chính phủ Mỹ" - Chuck bộc bạch.
Kể từ sau khi rời khỏi chiến trường Việt Nam, Chuck cho biết mình kiên định với mục tiêu: hòa bình cho tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và đặc biệt là cho nước Mỹ - quê hương ông...
"Người Việt quảng đại"
Chuck cho biết mình từng có vợ nhưng đã ly hôn trước khi quay trở lại Việt Nam năm 1995. Ông cũng không có con cái gì nên cuộc sống khá tự do và thoải mái. Ông chia sẻ cuộc sống hiện tại ở Hà Nội khá ổn và đối với ông thủ đô Hà Nội là một thành phố rất đặc biệt và thú vị, ông yêu thích kiến trúc, con người và phố phường nơi đây. "Người Việt rất chăm chỉ, độc lập và có khiếu hài hước. Họ có tấm lòng quảng đại với nụ cười thường trực trên môi và luôn sẵn sàng giúp người lạ".
Giảm thiểu tai nạn do bom mìn sau chiến tranh
"Rà phá tất cả bom mìn trong đất nước này là một mục tiêu không thực tế nhưng giảm thiểu và chấm dứt các vụ tai nạn, thương vong, đồng thời giúp trẻ em và người lớn ở Việt Nam có niềm tin rằng họ an toàn trước các đe dọa của bom mìn là một mục tiêu có thể đạt được trong vòng 10 năm tới - Chuck nói và đưa ra ví dụ - Năm 2001, khi dự án RENEW ra mắt, mỗi năm ở Quảng Trị có khoảng 80-90 vụ tai nạn do bom mìn nổ.
Tuy nhiên trong năm 2016, chỉ có 1 vụ tai nạn do bom nổ trong toàn tỉnh, khiến 1 người chết và 1 người bị thương. Trong năm 2017, dự án RENEW đã giúp rà phá được 17.000 quả bom ở Quảng Trị".