TTO - Dù chỉ chiếm 3% số lượng người thắng giải, họ đã có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học cũng như chăm sóc sức khỏe con người.
1. Marie Curie (1867-1934)
Ảnh tư liệu
Bà là một nhà vật lý và hóa học người Ba Lan - Pháp, nổi tiếng khi nghiên cứu tiên phong về phóng xạ.
Năm 1903 bà được nhận giải Nobel vật lý cùng với chồng mình là Pierre Curie và nhà khoa học Henri Becquerel cho các nghiên cứu về bức xạ. Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận giải này.
Năm 1911, bà nhận giải Nobel hóa học cho công trình khám phá ra hai nguyên tố hóa học radium và polonium.
Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, vật lý và hóa học.
2. Irène Joliot-Curie (1897-1956)
Ảnh tư liệu
Irène Joliot-Curie là nhà hóa học và vật lý học người Pháp, cũng là con gái của cặp vợ chồng khoa học nổi tiếng Pierre Curie và Marie Currie.
Bà cùng với chồng mình là Frédéric Joliot-Curie đã nghiên cứu được công trình về sự phát xạ nhân tạo. Nhờ công trình này, bà được trao giải Nobel hóa học năm 1935.
3. Gerty Theresa Cori (1896-1957)
Con tem có hình Cori ở nước Mỹ
Gerty Theresa Cori là nhà hóa sinh học người Mỹ gốc Do Thái.
Năm 1947, cùng với chồng mình Carl Ferdinand Cori, bà được trao giải Nobel y học cho công trình khám phá cách mà glycogen tan ra và tái tổng hợp để dùng như một nguồn năng lượng trong cơ thể.
Trước đó, năm 1929, hai người cùng đề xuất lý thuyết mang tên chu kỳ Cori, giải thích chuyển động của năng lượng trong cơ thể: từ mô cơ tới gan rồi trở lại mô, cơ.
Bà là phụ nữ người Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel. Hình ảnh của bà cũng từng vinh dự xuất hiện trên tem thư của Mỹ. Đồng thời, tên bà được đặt cho một hố trên mặt trăng: hố Cori.
4. Maria Goeppert-Mayer (1906-1972)
Ảnh tư liệu
Nhờ đề ra lý thuyết cấu trúc hạt nhân dạng lớp, bà cùng Johannes Hans Daniel Jensen đoạt giải Nobel vật lý.
Nhà vật lý người Mỹ gốc Đức cùng với Marie Curie là 2 người phụ nữ duy nhất đến nay đoạt giải Nobel vật lý.
5. Dorothy Crowfoot Hodgkin (1910-1994)
Ảnh tư liệu
Bà là nhà hóa học nữ người Anh giành giải Nobel hóa học năm 1964 nhờ công trình xác định công thức cấu tạo của các chất hoạt động sinh học bằng kỹ thuật tinh thể học tia X.
Bà là một trong bốn nhà hóa học nữ giành giải thưởng và là một trong hai nhà hóa học nữ giành giải độc lập.
6. Rosalyn Sussman Yalow (1921-2011)
Ảnh tư liệu
Bà là nhà vật lý - y học người Mỹ, đã đoạt Nobel y học năm 1977 cùng với Roger Guillemin và Andrew Schally.
Bà nổi tiếng với công trình phát triển kỹ thuật radioimmunoassay (RIA) - kỹ thuật xét nghiệm miễn nhiễm tia X: sử dụng chất phóng xạ đánh dấu cho phép đo lường các lượng nhỏ các chất sinh học khác nhau trong máu người cũng như vô số dung dịch hòa tan khác.
Bà là người phụ nữ thứ 2 được trao giải Nobel y học sau Gerty Cori.
7. Barbara McClintock (1902-1992)
Ảnh tư liệu
Bà là một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới trong lĩnh vực di truyền học tế bào.
McClintock nhận bằng tiến sĩ thực vật học từ ĐH Cornell vào năm 1927, và cũng ở đại học này bà trở thành người dẫn đầu trong nghiên cứu di truyền học tế bào của bắp.
Bà giành giải Nobel y học cho nghiên cứu về các yếu tố di truyền và các quy định về di truyền.
8. Rita Levi-Montalcini (1909-2012)
Ảnh tư liệu
Bà là nhà thần kinh học người Ý, cùng với đồng nghiệp Stanley Cohen đã đoạt giải Nobel Y học năm 1986.
Tháng 9-1946, Levi-Montalcini đến công tác tại trường ĐH Washington. Tại đây, bà nghiên cứu công trình quan trọng nhất của mình: từ các quan sát một số mô ung thư - loại mô gây ra tốc độ tăng trưởng tế bào thần kinh cực nhanh, bà đã xác định được nhân tố tăng trưởng thần kinh (NGF) trong năm 1952.
Cho đến nay bà là người đoạt giải Nobel lớn tuổi nhất khi còn sống và cũng là người đầu tiên đoạt giải sống tới 100 tuổi.
9. Gertrude Belle Elion (1918-1999)
Ảnh tư liệu
Nhà khoa học Gertrude B.Elion sinh năm 1918 tại New York, Mỹ.
Bà được trao giải Nobel y học năm 1988 cùng với George Hitchings và Sir James Black cho việc phát triển các loại thuốc mới ung thư máu, bệnh gút, bệnh sốt rét.
Bà sử dụng các phương pháp nghiên cứu theo kỹ thuật mới, phương pháp mà sau này dẫn tới việc tạo ra thuốc AZT điều trị HIV đầu tiên trên thế giới.
10. Christiane Nüsslein-Volhard (1942)
Ảnh: Alamy
Bà là nhà sinh học người Đức đoạt giải Nobel Y học năm 1995 cùng với Eric Wieschaus và Edward Lewis cho nghiên cứu về sự kiểm soát di truyền trong quá trình hình thành phôi thai.
Trong phòng thí nghiệm, Christiane Nüsslein nghiên cứu về các cơ cấu phân tử của phôi thai ruồi giấm, cũng như tiếp tục khám phá loài cá như hình mẫu cho việc nghiên cứu những đặc điểm cụ thể của xương sống.
11. Linda B. Buck (1947)
Ảnh: istockphoto
Linda B. Buck là nhà sinh học người Mỹ. Năm 2004, bà đoạt giải Nobel Y học cùng với Richard Axel cho công trình nghiên cứu cơ quan thụ cảm khứu giác và các gen kiểm soát khứu giác trong động vật có vú.
Bà được đưa vào Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (United States National Academy of Sciences) năm 2004.
12. Françoise Barré-Sinoussi (1947)
Ảnh: Getty Images
Bà là một nhà virus học người Pháp, nổi tiếng với công trình khám phá ra virus HIV vào năm 1932.
Từ năm 1988 bà chuyển sang nghiên cứu vắc-xin ngừa HIV tại Viện Pasteur Paris.
Bà được trao giải Nobel Y học năm 2008 cùng Luc Montagnier và Harald zur Hausen do công tìm ra virus gây ''căn bệnh thế kỷ".
13. Elizabeth Blackburn (1948)
Ảnh: Getty Images
Bà là nhà nghiên cứu sinh học người Mỹ gốc Úc tại ĐH California (Mỹ). Bà đã nghiên cứu các telomere, một cấu trúc ở phần cuối của nhiễm sắc thể, để bảo vệ các nhiễm sắc thể.
Bà cũng là một trong những người đầu tiên phát hiện telomerase, một enzym giữ cho các nhiễm sắc thể không bị lão hóa. Nói cách khác, telomerase có thể kéo dài tuổi thanh xuân của chúng ta và chống lại bệnh ung thư.
Vì những nghiên cứu này, bà giành giải Nobel Y học vào năm 2009.
14. Carol W. Greider (1961)
Ảnh: Getty Images
Bà là một nhà sinh học phân tử tại trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ).
Bà là người đồng phát hiện ra enzym telomerase năm 1984 khi làm việc dưới sự hướng dẫn của Elizabeth Blackburn ở ĐH California (Mỹ)
Sau này, bà cùng Elizabeth Blackburn đạt giải Nobel Y học năm 2009.
15. Ada E. Yonath (1939)
Ảnh: Getty Images
Bà là một nhà tinh thể học người Israel được biết đến nhờ các công trình nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của ribosome.
Năm 2009, bà nhận giải Nobel Hóa học năm 2009 cùng với Venkatraman Ramakrishnan và Thomas A. Steitz cho nghiên cứu ứng dụng thực tế về cơ cấu và chức năng của ribosome.
16. May-Britt Moser (1963)
Ảnh: Alamy
Bà là một nhà tâm lý học, nhà thần kinh học người Na Uy và là giám đốc sáng lập Viện Kavli tại Đại học Khoa học Công nghệ Na Uy.
Năm 2014, May-Britt Moser cùng John O'Keefe và Edvard Moser giành giải Nobel Y học khi khám phá các tế bào tạo thành hệ thống định vị trong não.
17. Đồ U U (1930)
Ảnh: Getty Images
Bà là một nhà nghiên cứu y học và y hóa Trung Quốc. Bà được biết tới nhiều nhất qua công trình chiết xuất thanh hao tố (artemisinin) từ cây thanh hao hoa vàng phục vụ việc chữa trị sốt rét.
Đây là một thành tựu mang tính đột phá, giúp nâng cao chất lượng sức khỏe cho hàng triệu người ở các quốc gia đang phát triển tại Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Với những đóng góp của mình, Đồ U U được trao giải Nobel Y học năm 2015 cùng với Satoshi Omura và William Campbell.