TTO - Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ cảnh báo khủng bố IS đang tập hợp lực lượng để khôi phục Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Điều đáng lo ngại đã được nêu từ lâu là súng đạn ở đâu để IS sử dụng.
Đạn dược của IS tiếp tục được tìm thấy tại Mosul (Iraq) vào tháng 2-2018 - Ảnh: CẢNH SÁT IRAQ
Cuối tháng 2-2018, hãng thông tấn Sana của Syria đã công bố đoạn băng video về một kho súng đạn tại tỉnh Deir ez-Zor được quân đội Syria tìm thấy sau khi các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bật khỏi địa bàn. Theo chính quyền Syria, phần lớn số súng đạn này bị nghi ngờ do Israel sản xuất.
Cùng thời điểm đó tại Iraq, cơ quan tình báo quân sự đã tìm thấy một máy bay không người lái của Mỹ trong kho vũ khí mật của IS ở tỉnh Al Anbar. Máy bay do Công ty Textron Systems Aerosonde sản xuất. Chưa rõ vì sao IS lại có được loại vũ khí này.
Súng Nga, đạn Mỹ
Để ngăn chặn IS khôi phục nhà nước Hồi giáo tự xưng cần phải cắt đứt nguồn cung ứng vũ khí.Thật ra câu hỏi "từ đâu IS có súng đạn để sử dụng?" đã được nêu ra từ lâu.
Trước khi mất dần lãnh thổ chiếm đóng tại Iraq và Syria, IS luôn rêu rao phần lớn vũ khí được chúng lấy từ Iraq và Syria. Sự thật phức tạp hơn nhiều.
Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí trong xung đột (CAR) của Anh đã tổ chức điều tra tại nhiều địa điểm ở Iraq và Syria. Trong suốt ba năm rưỡi, các điều tra viên đã xem xét hơn 40.000 mẫu súng, đạn và nguyên liệu chế đạo chất nổ.
Trong báo cáo công bố giữa tháng 12 năm ngoái, CAR đưa ra hai kết luận: Hơn 90% súng của IS được sản xuất ở Trung Quốc và Liên Xô cũ. Phần còn lại là súng do Mỹ và Saudi Arabia cung cấp cho các nhóm nổi dậy Syria.
Quân đội Syria tịch thu súng của IS tại Deir ez-Zor vào tháng 11-2017 - Ảnh: AFP
Hầu hết súng cá nhân là súng đời cũ, được sản xuất trong thập niên 1980-1990 hoặc trước đó, vốn là súng do Liên Xô cũ và Trung Quốc trang bị cho Syria và Iraq trước chiến tranh.
Ngược lại, phần lớn các loại đạn là đạn mới được sản xuất gần đây trong các nhà máy ở châu Âu. Các công ty Mỹ và Saudi Arabia mua lại đạn từ Bulgaria và Romania để giao cho các nhóm nổi dậy Syria, cuối cùng đạn lại lọt vào tay IS.
Chất nổ được IS sản xuất theo dây chuyền công nghiệp tại chỗ, chủ yếu được dùng cho xe đánh bom liều chết. Nguyên liệu thường được mua ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc trên thị trường quốc tế.
Để sản xuất đạn chống tăng, IS sử dụng hỗn hợp phân bón và đường ăn. Ngòi nổ được mua từ Ấn Độ và Cộng hòa Czech. Mạch điện có nguồn gốc từ Dubai hoặc khu vực người Kurd ở Iraq. Phần lớn hóa chất được mua tại Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
Sản xuất đạn pháo từ phụ gia tạo ngọt
Theo điều tra của báo Journal du Dimanche (Pháp), IS đã sử dụng chất phụ gia tạo ngọt sorbitol do Pháp sản xuất làm nguyên liệu sản xuất đạn pháo ở Iraq.
Sorbitol (C6H14O6) thường được dùng để sản xuất kẹo cao su. Trộn sorbitol với potassium nitrate (kali nitrat) sẽ cho ra nhiên liệu dùng cho tên lửa và đạn cối.
Trong các kho IS ở Iraq, sorbitol được đựng trong bao 25 kg ghi địa chỉ sản xuất ở Picardie (Pháp) và logo của Tập đoàn Pháp Tereos, nhà sản xuất công nghiệp đường thứ ba thế giới.
Các bao sorbitol 25 kg do Pháp sản xuất trong kho IS ở Iraq - Ảnh: JDD
Đúng là các bao sorbitol tịch thu ở Iraq là sản phẩm của nhà máy chúng tôi bán cho khách hàng truyền thống tại Thổ Nhĩ Kỳ".
Ông Gérard Benedetti, giám đốc truyền thông của Tập đoàn Tereos
Báo Journal du Dimanche đã lần theo hai lô hàng sorbitol xuất từ kho của nhà máy Tereos ở thị trấn Nesle cách Paris 120 km vào đầu tháng 5-2015. Hàng được chuyển đến cảng Antwerp (Bỉ) xuống tàu chở container MSC Matilde.
Vận đơn ghi tên người mua là Tập đoàn Sinerji ở Istanbul chuyên phân phối hàng nông sản thực phẩm. Sinerji xác nhận có mua sorbitol để bán lại cho một nhà buôn sỉ nguyên liệu làm bánh ngọt ở miền bắc Syria.
Tàu MSC Matilde lên đường đến cảng Gebze (Thổ Nhĩ Kỳ). Tại cảng, một thương nhân tên Tahir Toprak nhận hàng và vận chuyển sorbitol đến tỉnh Gaziantep cách cảng đến 1.150 km.
Từ Gaziantep, hai đoàn xe chở lần lượt 38 tấn và 40 tấn sorbitol đi tiếp 60 km qua cửa khẩu Öncüpinar sang miền bắc Syria.
Người nhận hàng tại Al-Bab (cách Aleppo bên Syria 30 km) là ông chủ Jouma S. người Syria. Người này chuyên bán hàng lậu cho quân nổi dậy Syria. Rồi từ Al-Bab, sorbitol tiếp tục được đưa đến các xưởng sản xuất đạn của IS ở Syria và Iraq.
Xưởng sản xuất đạn từ sorbitol của IS ở Iraq - Ảnh: JDD
Tập đoàn Tereos nói gì?
Sau khi báo Journal du Dimanche công bố hồ sơ điều tra vào giữ tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn Tereos của Pháp phát thông báo nêu năm điểm:
1. Sorbitol là chất đường chiết xuất từ lúa mì và bắp vẫn thường dùng hàng ngày trong ngành công nghiệp nông sản thực phẩm, chủ yếu được dùng để sản xuất kẹo và kẹo cao su.
2. Không có cơ quan nào của Pháp hay nước ngoài (các bộ, hải quan, ngoại giao, nội vụ) cảnh báo cho tập đoàn về khả năng lạm dụng hay sử dụng chất rất thông dụng sorbitol vào mục đích gian lận hoặc khủng bố.
3. Cuối năm 2016, tập đoàn được tổ chức Nghiên cứu Vũ khí trong xung đột thông báo một loại sản phẩm của tập đoàn sản xuất ở Pháp được tìm thấy trong kho IS ở Iraq.
4. Do cẩn trọng, Tereos quyết định ngừng cung cấp sorbitol cho các nước trong khu vực xung đột hoặc giáp khu vực xung đột dù sorbitol không phải là mặt hàng bị cấm bán hay xuất khẩu đồng thời đã tăng cường kiểm soát xuất khẩu.
5. Tereos mong muốn cơ quan pháp luật và chính quyền làm rõ càng sớm càng tốt về nguồn gốc và trách nhiệm của hành vi lạm dụng mà Tập đoàn Tereos nhắc lại là hoàn toàn không hay biết.
IS chuộng sorbitol vì đây là chất dùng cho công nghiệp thực phẩm có thành phần ổn định, độ tinh chất cao và không phải chất cấm. Theo tài liệu được tìm thấy trong nhà xưởng IS ở Iraq, chúng sử dụng 1,2 kg sorbitol cho mỗi trái đạn. Tại Fallujah, một xưởng IS có thể sản xuất trung bình 3.000 trái đạn mỗi năm.
Viện công tố chống khủng bố quốc gia tại Paris cho biết đến nay Pháp chưa có cuộc điều tra nào về tình trạng chất phụ gia tạo ngọt sorbitol sản xuất tại Pháp được IS sử dụng. Trong khi đó, hải quan Pháp giải thích theo luật hiện hành, mặt hàng sorbitol được vận chuyển tự do qua biên giới nên vẫn thông quan bình thường.