TTO - Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại đã rất gần khi ngày 1-3, Tổng thống Mỹ Donand Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.
Công nhân làm việc trong một nhà máy thép Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Cụ thể, tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ ký thông qua mức thuế 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và sẽ duy trì "trong một khoảng thời gian dài".
Mức thuế mới sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt công ty sản xuất và đụng chạm đến nhiều nước, không chỉ nhà sản xuất nhôm, thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc mà cả các đồng minh phương Tây.
Bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ
Thực ra cơ quan thương mại Mỹ tháng trước đã đề xuất ba lựa chọn khác nhau cho mỗi mặt hàng: thuế toàn cầu, thuế nhắm vào Trung Quốc và một số nước trọng điểm kết hợp với quota và thuế phổ thông. Tổng thống Mỹ đã chọn mức thuế mạnh mẽ nhất.
Trên Twitter, ông Trump khẳng định ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ từ nhiều năm nay chịu thiệt hại nặng nề do có những chính sách thương mại "tồi" và "không công bằng" với các nước khác trên thế giới.
"Chúng ta sẽ xây dựng lại ngành công nghiệp nhôm và ngành công nghiệp thép của chúng ta" - tổng thống Mỹ tuyên bố.
Ngay sau thông tin này, cổ phiếu các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ tăng giá nhưng cổ phiếu của các công ty sản xuất từ xe hơi đến máy bay thì ngược lại.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt lao dốc trong 3 phiên liên tiếp, trong đó chỉ số Dow Jones giảm hơn 500 điểm.
Thực ra, ý nghĩa kinh tế của chính sách bảo hộ mới nhất vẫn chưa rõ bởi lịch sử đã có những biện pháp tương tự gây ra phản ứng ngược.
Chẳng hạn sau khi cựu tổng thống George W. Bush áp thuế nhập khẩu thép năm 2002 đã khiến nước này mất đi 200.000 việc làm.
Việc tăng thuế có thể thổi bay một số lợi ích mà những khoản giảm thuế gần đây đem lại.
Những lĩnh vực sử dụng thép sẽ phải mua nguyên liệu với giá cao hơn trong khi người lao động trong những ngành này có thể bị mất việc làm do chi phí tăng, doanh thu giảm.
Thép và nhôm không phải là mặt hàng quan trọng đối với các nhà sản xuất lớn ở châu Á, nhưng điều họ lo ngại là mức thuế của Mỹ sẽ khiến thị trường trong nước ngập lụt bởi lượng thép, nhôm không thể bán cho Mỹ.
Chọc giận đồng minh
Những nước cung cấp nhôm, thép chính cho Mỹ là Canada và một số thành viên NATO như Đức, còn Trung Quốc vốn bị áp nhiều mức thuế đặc biệt vài năm qua đã giảm xuất khẩu sang Mỹ.
Canada ngay lập tức đã đe dọa trả đũa hành động "không thể chấp nhận được" của nước láng giềng.
"Canada sẽ có các biện pháp phản ứng để bảo vệ lợi ích thương mại và công nhân của mình" - Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland.
Liên minh châu Âu (EU) cũng ra tuyên bố thể hiện sự tức giận. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chỉ trích quyết định của Mỹ rõ ràng là để bảo hộ ngành công nghiệp nội địa.
"Chúng tôi sẽ không ngồi yên khi ngành công nghiệp của mình bị ảnh hưởng bởi các biện pháp bất công. EU sẽ đáp trả mạnh mẽ và tương xứng để bảo vệ các lợi ích của khối" - ông Juncker nhấn mạnh.
Hiệp hội thép của Đức khẳng định ông Trump đã vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và kêu gọi châu Âu hành động.
Bộ trưởng công nghiệp Nhật Hiroshige Seko thì tuyên bố: "Chúng tôi sẽ yêu cầu làm rõ. Tôi không nghĩ xuất khẩu sắt, thép của Nhật, một đồng minh của Mỹ, phá hoại an ninh quốc gia của Mỹ theo bất cứ cách nào".
Brazil, một nhà xuất khẩu thép lớn tới Mỹ, đe dọa sẽ có các biện pháp trả đũa song phương hoặc đa phương.
Theo các nhà quan sát, nếu các nước kiện Washington ở WTO, ông Trump có thể phớt lờ hoặc thậm chí rút khỏi tổ chức này.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là nó có thể gây ra hiệu ứng domino khi các nước cũng lấy lý do an ninh quốc gia để kích hoạt các biện pháp thương mại.
Đề nghị Mỹ cân nhắc mức thuế cho hàng xuất xứ Việt Nam
Bộ Công thương Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm từ Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng tới quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vụ việc và đang cân nhắc tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Dẫn ra quy định tại Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể để tạo ra sản phẩm đó.
Theo thông lệ từ trước tới nay của quốc tế cũng như của chính Hoa Kỳ, thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ được coi là một sự "chuyển đổi đáng kể" và vì vậy tôn mạ sản xuất tại Việt Nam, dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác, vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam (có xuất xứ Việt Nam).
"Việt Nam và nhiều nước khác đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước sự thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ.
Trong suốt quá trình điều tra vụ việc, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ.
Trong đó, Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ phải được coi là sự "chuyển đổi đáng kể" như Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã từng kết luận trước đây và vì vậy không tồn tại hành vi lẩn tránh thuế như Bộ Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc" - Cục Phòng vệ thương mại khẳng định.
NGỌC AN - TTXVN
Chứng khoán hỗn loạn
Nỗi lo sợ xảy ra chiến tranh thương mại đã đẩy thị trường châu Á rơi vào hỗn loạn ngày 2-3 với chỉ số Nikkei của Nhật giảm 3%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 1,4%, trong khi chứng khoán trên sàn Thượng Hải - nơi niêm yết các ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc - giảm 1%, theo trang Market Watch.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2-3 cảnh báo nếu các nước khác làm theo cách của Mỹ sẽ đe dọa đến thương mại toàn cầu.