Sống khỏe

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng mong áo dài trở nên bình thường

TTO - Lần thứ năm nhận lời xuất hiện trong Lễ hội áo dài tại TP.HCM, nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng vừa thổ lộ những mong ước của riêng anh dành cho bộ áo truyền thống của dân tộc.

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng mong áo dài trở nên bình thường - Ảnh 1.

Nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng - Ảnh: Q.N.

Tham gia Lễ hội áo dài lần 5-2018 (diễn ra từ ngày 3 đến 25-3 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM) không chỉ với vai trò là một trong những nhà thiết kế giới thiệu các bộ sưu tập áo dài trình diễn trong lễ hội, nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng còn là giám khảo cuộc thi Duyên dáng áo dài lần này. 

Và anh đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online những trăn trở của một người "say đắm" cùng áo dài.  

* Đây đã là lần thứ năm anh tham gia Lễ hội Áo dài. Điều gì khiến anh nhiệt tình và tâm huyết với sự kiện đến như vậy? 

- Thực ra không chỉ riêng lần này, mà tôi đã đặt kỳ vọng cho cả một quá trình, từ lúc bắt đầu lên ý tưởng cùng anh Lã Quốc Khánh, phó Giám đốc Sở du lịch TP.HCM về Lễ hội. 

Khi đó, anh em đã có một mong muốn chung, đó là làm sao để áo dài trở nên bình thường trong đời sống sinh hoạt ở Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung.

* "Bình thường" nghĩa là sao thưa anh?

- Ý của tôi là khi mà người ta nhắc hoài về một cái gì đó, thì nó không bình thường. Còn khi không ai nhắc tới nữa, thì nghĩa là nó đã trở thành một phần đương nhiên của cuộc sống.

Và cho đến giờ thì kỳ vọng đó của tôi đang dần trở thành hiện thực. Nó thể hiện qua việc dân công sở mặc áo dài đi làm, học sinh, sinh viên thì mặc đi học, qua việc áo dài đang là sự lựa chọn hàng đầu trong những dịp sinh hoạt quan trọng của gia đình, của cộng đồng, trong những lễ lớn của đất nước, của dân tộc.

* Đúng là áo dài đang dần là một trang phục thường thấy trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng song song đó là sự xuất hiện của nhiều tà áo dài cách tân, lai căng. Anh nghĩ sao về điều này?

- Bản chất của cách tân là sáng tạo, do đó nên khích lệ, cổ vũ. Tuy nhiên, cách tân đến mức độ nào lại phụ thuộc vào bản lĩnh, tài năng, sự hiểu biết, phong cách, tính thẩm mỹ, phông văn hoá của nhà thiết kế và người lựa chọn mặc nó lên người.

Tôi vẫn tin là cái gì có giá trị thật, đáp ứng được cả về nhu cầu thẩm mỹ lẫn tính ứng dụng, đảm bảo được những nguyên tắc, quy chuẩn vể giá trị văn hoá, phong tục tập quán thì nó sẽ được đón nhận và tồn tại thôi.

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng mong áo dài trở nên bình thường - Ảnh 2.

Một số mẫu áo dài cho cả nam lẫn nữ sẽ được giới thiệu tại Lễ hội áo dài 2018 - Ảnh: Q.N.

* Trở lại với Lễ hội Áo dài, anh sẽ mang điều đặc biệt gì đến sự kiện lần nay?

- Năm nay, tôi sẽ giới thiệu hai bộ áo dài, một cho nam và một cho nữ. Thực ra, tôi từng giới thiệu áo dài nam vào năm 1997 tại Asia Fashion ở Manila (Phillipines), sau đó là những chương trình mà Bộ Văn hoá giao nhiệm vụ làm Lễ phục, Quốc phục. Tuy nhiên, với Lễ hội Áo dài thì đây mới là lần đầu tiên.

Cả hai bộ đều được khai thác ý tưởng từ kho tàng văn hoá, hoa văn của Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh vào hình tượng hoa sen cổ. Chúng được thiết kể để sử dụng trong những dịp trang trọng, với đối tượng để mặc là trung niên.

* Một trong những vai trò khác của anh tại Lễ hội Áo dài 2018 là giám khảo cuộc thi Duyên dáng Áo dài. Tiêu chí chọn lựa các thí sinh của anh sẽ ra sao?

- Với tôi, người mặc và cả trang phục được chọn mặc phải mang tính phổ cập, phổ biến, thông dụng. Có thể dùng để đi chơi, đi làm hay trong những dịp lễ. 

Ngoài ra, nó vừa phải kế thừa được tính truyền thống, nhưng cũng vẫn phải phù hợp với thời đại. Dù khoác lên mình tà áo dài quen thuộc, nhưng người mặc phải cảm thấy dễ chịu, thoải mái, không bị bó buộc quá nhiều về chỉ số hình thể mà vẫn toát lên được vẻ đẹp riêng.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,364,986       1,310